Co thắt động mạch vành có phải là tình trạng đáng lo ngại không?

Co thắt mạch vành là tình trạng động mạch vành (có nhiệm vụ đưa máu đến tim) bị thắt chặt. Tình trạng này có thể gây ra các cơn đau thắt ngực ngay cả khi chúng ta đang nghỉ ngơi.

1. Co thắt động mạch vành là gì?

Co thắt động mạch vành là tình trạng thắt chặt tạm thời (co thắt) các cơ trơn của thành động mạch vành. Các cơn co thắt này có thể làm giảm hoặc thậm chí là ngăn chặn máu lưu thông đến các cơ tim.

Nếu cơn co thắt kéo dài đủ lâu, người bệnh có thể bị đau ngực (đau thắt ngực) hoặc thậm chí có thể dẫn đến cơn đau tim. Các cơn đau thắt ngực điển hình thường xảy ra khi chúng ta hoạt động thể chất. Nhưng, trình trạng co thắt mạch vành có thể xảy ra ngay cả khi chúng ta khi nghỉ ngơi, điển hình là khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng sớm (lúc chúng ta đang ngủ).

Các tên gọi khác của co thắt mạch vành là đau thắt ngực Prinzmetal, đau thắt ngực do co thắt mạch hoặc đau thắt ngực biến thể.


Co thắt động mạch vành có thể dẫn đến cơn đau tim
Co thắt động mạch vành có thể dẫn đến cơn đau tim

2. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Hiện nay, có nhiều người bị co thắt động mạch vành mặc dù trước đó họ hoàn toàn không có các yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh tim (chẳng hạn như cholesterol máu cao và huyết áp cao). Các nghiên cứu ghi nhận rằng, người có thói quen hút thuốc lá rất dễ mắc phải tình trạng co thắt mạch vành. Chính vì thế, ngừng hút thuốc là một trong những biện pháp hàng đầu để ngăn ngừa căn bệnh co thắt này.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh co thắt mạch vành phổ biến nhất trên thế giới, bao gồm:

  • Thường xuyên hút thuốc lá.
  • Tiếp xúc với không khí và môi trường lạnh.
  • Căng thẳng hoặc cảm xúc mãnh liệt khó có thể kiểm soát.
  • Sử dụng các loại thuốc kích thích, chẳng hạn như amphetamine và cocaine.

Căng thẳng làm tăng nguy cơ co thắt mạch vành
Căng thẳng làm tăng nguy cơ co thắt mạch vành

3. Phương pháp điều trị co thắt động mạch vành

Bệnh co thắt mạch vành có thể được điều trị nội khoa thông qua một số nhóm thuốc như:

  • Nitrat: được sử dụng để ngăn ngừa các cơn co thắt và nhanh chóng giảm đau ngực khi xảy ra co thắt.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: giúp giãn động mạch và giảm co thắt.
  • Statin: có tác dụng làm giảm cholesterol máu và có thể ngăn ngừa co thắt xảy ra.

Nếu co thắt động mạch vành gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm (rối loạn nhịp thất), người bệnh có thể cần được cấy máy khử rung tim (ICD). Bằng cách nhận diện tình trạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, ICD tạo ra một xung điện (sốc điện) giúp khôi phục lại nhịp tim đều bình thường như ban đầu, ngăn ngừa tình trạng đột tử do tim mạch.

4. Phương pháp phòng ngừa bệnh

Loại bỏ một số yếu tố nguy cơ và yếu tố khởi phát đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ xuất hiện tình trạng co thắt động mạch vành.

Trên hết, hút thuốc lá là yếu tố có nguy cơ cao nhất. Do đó, nếu muốn phòng ngừa co thắt mạch vành có hiệu quả, việc quan trọng hàng đầu của chúng ta chính là loại bỏ thói quen hút thuốc lá. Bên cạnh đó, việc kiêng rượu bia cũng được coi là một biện pháp phòng ngừa tình trạng co thắt mạch vành hiệu quả.


Ngưng hút thuốc lá để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Ngưng hút thuốc lá để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Những người có bệnh mạch vành, các vấn đề tim mạch, rối loạn lipid máu, hay xơ vữa mạch máu, cần phải thực hiện kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ theo khuyến cáo của các bác sĩ. Điều này sẽ giúp mọi người kịp thời phát hiện các vấn đề về tim mạch, giúp quá trình phòng ngừa bệnh diễn ra tốt hơn và hiệu quả hơn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe