Adenovirus là 1 loại virus gây bệnh ở đường hô hấp, có biểu hiện giống với một số bệnh như sốt xuất huyết, cúm, covid, ... Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh do Adenovirus, việc phòng bệnh và phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng. Vậy có nên test nhanh adenovirus không?
1. Những nguy hiểm khi nhiễm Adenovirus
Virus Adeno có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trong thời điểm giao mùa. Thông thường, bệnh do virus Adeno có thể khỏi sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện muộn có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy yếu, người già, trẻ em, suy dinh dưỡng nặng, ...
- Khi xâm nhập vào cơ thể, Adenovirus có thể gây sốt nhẹ, viêm họng, viêm mũi, nổi hạch cổ, đau mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ, ... Sau khoảng 1 tuần, trên giác mạc xuất hiện các đốm thâm tròn, nhỏ nếu không được điều trị sẽ dẫn đến loét, có thể để lại sẹo trên giác mạc.
- Virus Adeno tuýp 4 và 7 thường gây sốt cao, sổ mũi, ho, viêm họng, sưng hạch bạch huyết ở người lớn. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến phổi nếu tiến triển nặng.
- Virus Adeno tuýp 40, 21 thường gây tiêu chảy ở trẻ em; tuýp 11, 21 gây viêm bàng quang, xuất huyết bàng quang; tuýp 8, 9 và 37 có thể dẫn đến biến chứng viêm giác mạc, viêm kết mạc.
Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu và vắc xin Adenovirus. Hầu hết các trường hợp nhiễm Adenovirus mức độ nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán (dựa trên lâm sàng, test nhanh adenovirus, test PCR, ...) và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, suy hô hấp, xơ phổi, giãn phế quản, viêm tiểu phế quản bít tắc, ...
2. Các phương pháp xét nghiệm Adenovirus
Các bệnh đường hô hấp, cảm cúm thông thường có các triệu chứng điển hình như ho khan, đau họng, sốt, nghẹt mũi, đau mỏi cơ, ... Adenovirus cũng gây ra các triệu chứng giống với cảm cúm, cảm lạnh thông thường. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng sẽ khó chẩn đoán chính xác tình trạng nhiễm Adenovirus.
Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp; người bệnh nên đến khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm adenovirus kịp thời, đúng đối tượng.
Xét nghiệm adenovirus là phương pháp trực tiếp, giúp chẩn đoán phát hiện kháng nguyên của Adenovirus hoặc sự tồn tại virus trong mẫu bệnh phẩm (phân hoặc dịch tỵ hầu). Các phương pháp xét nghiệm adenovirus phổ biến hiện nay là:
- Test nhanh Adenovirus: Sử dụng mẫu bệnh phẩm là phân. Đây là phương pháp dễ thực hiện, cho kết quả nhanh chỉ sau 60 phút. Nhược điểm của phương pháp này là chỉ xác định được tình trạng nhiễm Adenovirus ở hệ tiêu hóa, không thể biết chính xác người bệnh có nhiễm Adenovirus ở phổi không.
- Test Realtime PCR: Sử dụng mẫu bệnh phẩm là dịch tỵ hầu. Đây là phương pháp xét nghiệm adenovirus cho kết quả chính xác cao. Tuy nhiên, cần chờ đợi từ 3 đến 4 ngày để nhận kết quả.
3. Có nên test nhanh adenovirus không?
Trước khả năng gây nguy hiểm virus, nhiều người lập tức đi xét nghiệm Adenovirus khi thấy có dấu hiệu về đường hô hấp. Tuy nhiên theo các bác sĩ, xét nghiệm tràn lan (test nhanh Adenovirus, test Realtime PCR) là không cần thiết và lãng phí. Những đối tượng cần lưu ý khi có dấu hiệu đường hô hấp là sốt trên 5 ngày có biến chứng viêm phổi nặng. Còn với những người sốt nhẹ dưới 5 ngày thì chưa nhất thiết phải làm xét nghiệm Adenovirus.
Ngoài ra, tự thực hiện test nhanh Adenovirus và mua thuốc điều trị tại nhà có thể dẫn đến một số sai lầm trong xử trí ban đầu, khiến một số trẻ phải nhập viện trong tình trạng nặng với viêm phổi, suy hô hấp.
Thêm vào đó, kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính thì chưa thay đổi vấn đề điều trị. Điều cơ bản khi chăm sóc người nhiễm Adenovirus là vệ sinh, cách ly người bệnh, điều trị hỗ trợ. Do đó, không cần phải đi xét nghiệm Adenovirus ồ ạt. Tùy vào đặc điểm lâm sàng sẽ có hướng chẩn đoán và điều trị khác nhau. Do đó, người dân không làm xét nghiệm tràn lan, tự xét nghiệm ở nhà. Việc xét nghiệm Adenovirus phải có chỉ định của bác sĩ và được thực hiện tại các cơ sở uy tín.
4. Lưu ý khi chăm sóc người nhiễm Adenovirus
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin Adenovirus. Vì vậy, điều trị nhiễm Adenovirus bao gồm điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Với những trường hợp viêm phổi, viêm kết mạc do Adenovirus, thời gian điều trị có thể kéo dài trên 7 ngày. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc người nhiễm Adenovirus:
- Cho người bệnh nghỉ ngơi hợp lý.
- Uống đủ nước, bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm tăng sức đề kháng.
- Thường xuyên vệ sinh mũi họng, làm thông thoáng đường hô hấp.
- Rửa tay thường xuyên.
- Khi xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như khó thở, suy hô hấp, nhiễm trùng, sốt cao, ... cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
- Không tự ý dùng thuốc, đặc biệt không sử dụng Aspirin cho trẻ em vì nguy cơ gây hội chứng Reye.
- Những trẻ em có hệ miễn dịch yếu nên được điều trị nội trú tại bệnh viện để đảm bảo sức khỏe, nhanh lành bệnh và hạn chế biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.