Cho bé ăn dặm là quá trình cho bé làm quen với thức ăn đặc, bắt đầu khi bé được khoảng 6 tháng tuổi. Lúc này, thực phẩm cung cấp cho bé hằng ngày không hoàn toàn chỉ là sữa mẹ hay sữa công thức mà có thể là nhiều thức ăn mới lạ khác. Trong đó, nấu cháo ngô cho bé ăn dặm hay dùng sữa ngô cho bé ăn dặm cũng là những ý tưởng hay, cung cấp cho con nhiều chất dinh dưỡng phong phú.
1. Trẻ có thể bắt đầu ăn dặm từ thời điểm nào?
Các hướng dẫn hiện tại nêu rõ rằng cha mẹ nên đợi cho đến khi trẻ được sáu tháng tuổi rồi mới bắt đầu cai sữa. Hơn nữa, thời điểm cho trẻ ăn dặm còn tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng và sự phát triển của mỗi em bé. Theo đó, mỗi em bé sẽ có những dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm khác nhau. Có một số dấu hiệu cho thấy trẻ sẵn sàng cai sữa như sau:
- Trẻ vẫn tỏ vẻ đói và bồn chồn sau khi bú đủ cữ sữa.
- Trẻ đã có thể ngồi dựa vào ghế và giữ đầu ổn định.
- Trẻ biết mở miệng, cho thức ăn hay mọi thứ vào miệng và tỏ vẻ “nhai” khi thấy người khác ăn.
Lúc này, quyết định một ngày phù hợp để bắt đầu cho trẻ ăn dặm nên là khi cả mẹ và bé đều cảm thấy hoàn toàn thoải mái và không bị áp lực về thời gian.
Nên bắt đầu bằng cách cho bé ăn một lượng nhỏ thức ăn sệt để bé có thể làm quen với trải nghiệm và mùi vị mới này. Không bao giờ ép thức ăn rắn cho bé từ đầu. Nếu bé từ chối thức ăn, hãy dừng lại và thử lại sau vài ngày. Đừng vội vàng vì trẻ cần phải học những mùi vị mới này và khó nhất là cách nuốt.
2. Cách chế biến thức ăn dặm cho trẻ
Khi đã quyết định cho bé bắt đầu ăn dặm, nhất là theo cách ăn dặm tự chỉ huy, hãy làm theo các nguyên tắc cơ bản sau:
Cấu trúc thức ăn cần phải mềm mại. Bất kể thực đơn là gì, lúc bắt đầu ăn dặm, kết cấu của thực phẩm phải đủ mềm hoặc dễ dàng tan ra để bé sẽ dễ dàng nhai. Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm cứng hoặc giòn, chẳng hạn như lát cà rốt hoặc táo sống.
Vẫn tiếp tục cho trẻ bú hoặc bú bình. Duy trì tần suất bú mẹ hoặc tần suất bú bình giống nhau, vì trẻ nhận được phần lớn dinh dưỡng qua sữa đến khi đủ 12 tháng tuổi.
Ăn tối cùng nhau. Nếu bữa tối của gia đình là súp lơ và cá hồi hấp, không có lý do gì mà bé không thể ăn cùng một loại thực phẩm với người lớn, tuy nhiên bạn cần chế biến vừa và nhỏ để con dễ ăn hơn.
Cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn. Theo thời gian, việc cho bé tiếp xúc với nhiều sự lựa chọn sẽ giúp bé phát triển khẩu vị và khiến bé ít kén ăn hơn sau này. Cho bé ăn các loại thực phẩm có màu sắc khác nhau (cà chua, đậu xanh và khoai lang) và các kết cấu khác nhau (bơ mịn, dưa hấu mềm xốp hay cơm nấu chín mềm).
Bên cạnh đó cha mẹ cần lưu ý bổ sung thêm trái cây, cháo, súp, các loại đậu, rau xanh, protein... trong chế độ ăn hàng ngày của bé để giúp con có thể phát triển một cách toàn diện.
3. Có nên dùng cháo, súp, sữa ngô cho bé ăn dặm?
Ngô cũng là một loại rau củ, phù hợp cho trẻ ăn dặm. Vì vậy, mẹ nên lựa chọn cách chế biến phù hợp để giới thiệu ngô cho trẻ tập ăn dặm càng sớm càng tốt.
Ngô cung cấp một số yếu tố dinh dưỡng cho chế độ ăn uống của bé, bao gồm chất đạm, vitamin B1, vitamin B5, vitamin C, folate, phốt pho, mangan và beta-caroten. Bên cạnh đó, ngô cũng là một nguồn cung cấp giàu chất xơ. Nếu cho trẻ ăn ngô nguyên hạt quá sớm có thể khiến trẻ bị đầy hơi và đau bụng. Hơn nữa, chất xơ không hòa tan trong ngô cũng có thể dẫn đến tiêu chảy.
Mặt khác, mặc dù hiếm gặp, ngô đôi khi gây ra phản ứng dị ứng. Nguy cơ trẻ tập ăn dặm bị dị ứng với ngô sẽ cao hơn nếu tiền sử gia đình có bất kỳ loại dị ứng nào, bao gồm cả bệnh chàm và viêm mũi dị ứng. Chính vì vậy, nên nhiều bậc cha mẹ thường trì hoãn cho trẻ ăn ngô cho đến khi hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh hơn - nói chung là sau 12 tháng tuổi.
Tuy nhiên, nếu chế biến ngô thành cháo, súp, sữa ngô cho bé ăn dặm cũng là một lựa chọn thú vị và an toàn. Trong các lần nấu, cần tách nhỏ hạt ngô cẩn thận, nấu nhừ hạt ngô thành cháo hay sữa, súp rau củ khác và lọc kỹ phần xơ. Nên bắt đầu cho trẻ ăn chỉ vài hạt, nhiều ngày một lần. Nếu trẻ dung nạp được, có thể tăng dần về số lần và số lượng sau đó.
Các mẹo để lựa chọn và chế biến ngô trong chế độ ăn uống của trẻ:
Khi nấu cháo ngô cho bé ăn dặm, luôn nấu chín kỹ ngô và lọc lại phần chất xơ không hòa tan khi trẻ mới bắt đầu ăn. Có thể làm sữa ngô cho bé ăn dặm như một cữ sữa trong ngày.
Súp ngô cho bé ăn dặm có thể hầm cùng các loại rau củ khác. Tuy nhiên, đừng chọn ngô non làm thức ăn đầu tiên cho trẻ. Thay vào đó, hãy đợi cho đến khi trẻ hoàn toàn dung nạp nhiều loại rau và trái cây khác.
Chọn những bắp ngô có vỏ xanh, căng - tránh những bắp bị khô. Đảm bảo rằng các hạt ngô có màu sắc tươi sáng và đầy đặn, thay vì bị lõm vào trong, hư hỏng. Ngô có thể có màu vàng hoặc trắng - cả hai đều ngon như nhau.
Để có hương vị tốt nhất, hãy nấu sữa ngô cho bé ăn dặm với ngô tươi sau khi hái hay mới mua. Nếu muốn để lâu hơn, nên bảo quản trong tủ lạnh.
Ngô đóng hộp chứa ít protein bổ dưỡng hơn ngô tươi nên hạn chế nấu cháo ngô cho bé ăn dặm với ngô đóng hộp. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn các sản phẩm này, hãy đọc kỹ nhãn mác và tránh những nhãn hiệu có thêm đường hoặc muối.
Tóm lại, bé bắt đầu tập ăn dặm là một bước chân vào thế giới ẩm thực phong phú. Thực đơn cho bé có thể được thiết kế linh hoạt với nhiều món khác nhau cho bé trải nghiệm và tận hưởng các chất dinh dưỡng. Với những gợi ý nêu trên, nấu cháo ngô cho bé ăn dặm hay sữa ngô cho bé ăn dặm là một khám phá mới, thú vị cho bé và có thể cả gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.