Từ lâu gừng đã được biết đến có công dụng chữa hoa mắt, chóng mặt hiệu quả. Vì vậy, gừng tươi hay các sản phẩm từ gừng như bột gừng, trà gừng được sử dụng để điều trị triệu chứng ở người bị rối loạn tiền đình.
1. Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình là tình trạng rối loạn hay tắc nghẽn quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình. Nguyên nhân của rối loạn tiền đình có thể xuất phát từ tổn thương dây thần kinh số 8, tổn thương mạch máu não, hay các tổn thương khác ở tai trong và não. Rối loạn tiền đình gồm có 2 loại:
- Rối loạn tiền đình ngoại biên: Đây là dạng bệnh lành tính khiến bệnh nhân bị chóng mặt khi thay đổi tư thế. Chóng mặt ở người bị rối loạn tiền đình ngoại biên thường thoáng qua, kèm nôn nhiều, nôn kéo dài, ù tai, nặng đầu, khó tập trung,... Trường hợp nặng có thể khiến bệnh nhân không thể đi đứng được.
- Rối loạn tiền đình trung ương: Nguyên nhân rối loạn tiền đình trung ương là do thiểu năng tuần hoàn não. Bệnh nhân choáng váng, chóng mặt khi thay đổi tư thế, khiến việc đi đứng khó khăn, thỉnh thoảng còn kèm theo nôn ói.
Rối loạn tiền đình với các biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng, ù tai, buồn nôn, mất khả năng giữ thăng bằng,... làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như khả năng lao động, làm việc của người bệnh. Do đó, việc chữa rối loạn tiền đình là hết sức cần thiết.
2. Tác dụng của gừng trong việc điều trị rối loạn tiền đình
Theo Đông y, gừng có tính ấm nóng và được xem như là một loại thảo dược tự nhiên với khả năng kích thích máu lên não, nhờ vậy mà gừng có thể đẩy lùi buồn nôn nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, vị cay nồng của gừng cũng làm thuyên giảm các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt,... Vì vậy mà gừng trở thành một trong những bài thuốc chữa rối loạn tiền đình tại nhà.
Sử dụng 1-1,5 gam gừng mỗi ngày giúp ngăn ngừa buồn nôn, chóng mặt. Hoạt chất Gingerol có trong gừng giúp kích thích lưu thông máu tới não và giảm chóng mặt hiệu quả.
3. Chữa rối loạn tiền đình bằng củ gừng như thế nào?
Tất cả bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng gừng để chữa rối loạn tiền đình. Dưới đây là một số cách chữa rối loạn tiền đình bằng củ gừng tại nhà:
3.1. Gừng tươi
Tiến hành gọt sạch vỏ nửa củ gừng tươi rồi xay nhuyễn. Sau đó, pha gừng tươi đã sơ chế với 2 cốc nước đun sôi để được một ly nước gừng với mùi thơm nhẹ nhàng, vừa giúp tinh thần sảng khoái, vừa giúp chữa hoa mắt chóng mặt ở bệnh nhân rối loạn tiền đình
3.2. Bột gừng
Một nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng đa số những người sử dụng bột gừng đã cải thiện chóng mặt hiệu quả. Bệnh nhân rối loạn tiền đình khi xuất hiện cơn chóng mặt có thể pha 1000mg bột gừng vào nước và uống để giảm triệu chứng này tức thời.
3.3. Trà gừng
Bên cạnh gừng tươi hay bột gừng thì trà gừng cũng là một cách chữa chóng mặt hiệu quả trong bệnh rối loạn tiền đình. Sử dụng gừng để pha trà bằng cách đun sôi trà rồi thả vài lát gừng tươi vào. Hương vị sẽ thơm ngon hơn nếu thêm vào một ít mật ong, cam thảo, hay hoa cúc.
4. Các đối tượng thận trọng khi dùng gừng điều trị chóng mặt
- Bệnh nhân sau phẫu thuật trong vòng 2 tuần không nên sử dụng gừng để cắt cơn chóng mặt, bởi vì hoạt chất Gingerol có trong gừng có thể làm loãng máu.
- Phụ nữ đang mang thai không được dùng quá 1000mg gừng/ngày để chữa chóng mặt (nếu cần).
- Người bị sỏi mật tuyệt đối không dùng gừng để ngăn ngừa chóng mặt.
5. Các lưu ý khác trong quá trình điều trị rối loạn tiền đình
Không phải bệnh nhân rối loạn tiền đình nào cũng có thể sử dụng gừng để ngăn ngừa hoa mắt, xây xẩm mặt mày. Gừng chỉ là một phương pháp hỗ trợ điều trị triệu chứng, không thể thay thế cho các phương pháp điều trị đặc hiệu rối loạn tiền đình. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc cần thiết, cũng như có hướng dẫn tập luyện hay chế độ ăn uống phù hợp bên cạnh việc sử dụng gừng để đạt được hiệu quả điều trị tối đa.
Việc kết hợp chế độ ăn uống hợp lý bên cạnh sử dụng gừng trong quá trình điều trị giúp cho bệnh nhanh chóng được cải thiện. Dưới đây là một số loại thực phẩm mà bệnh nhân rối loạn tiền đình có thể tham khảo:
- Thực phẩm giàu acid folic (như ngũ cốc nguyên hạt, rau chân vịt,...).
- Thực phẩm giàu Vitamin D (có trong các loại thực phẩm: cá, trứng, sữa,...).
- Thực phẩm giàu Vitamin B6 (có nhiều trong các loại hải sản hay thịt gia cầm,...).
- Thực phẩm giàu Vitamin C ( đu đủ, cam,...).
Một số lưu ý khác đối với bệnh nhân rối loạn tiền đình trong quá trình điều trị:
- Hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Tránh sử dụng thực phẩm có hàm lượng muối cao, tránh sử dụng mỡ động vật.
- Tránh sử dụng đồ uống chứa nhiều đường, hay các chất kích thích như bia, rượu, cà phê.
- Tránh hút thuốc lá.
Gừng giúp kích thích lưu thông máu tới não và giảm chóng mặt hiệu quả trong chứng rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, gừng chỉ là một phương pháp hỗ trợ điều trị triệu chứng, không thể thay thế cho các phương pháp điều trị đặc hiệu. Do đó mà người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị đặc hiệu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.