Trên bề mặt lưỡi có một lớp mỏng màu trắng hoặc vàng, thường do đồ ăn thức uống tạo thành. Việc cạo lưỡi sẽ giúp bạn loại bỏ lớp này nhanh chóng. Nhưng liệu cạo lưỡi có tốt không và nên thực hiện như thế nào? Cùng tìm hiểu điều này qua bài viết dưới đây.
1. Cạo lưỡi là gì?
Cạo lưỡi là biện pháp sử dụng một dụng cụ chuyên biệt hoặc bàn chải đánh răng để loại bỏ thức ăn dư thừa, tế bào chết, vi khuẩn khỏi bề mặt lưỡi.
Thực hiện đúng cách thì việc cạo lưỡi sẽ mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe răng miệng và cơ thể..
2. Cạo lưỡi có tốt không?
Cạo lưỡi là một trong những bước quan trọng khi chăm sóc răng miệng sạch sẽ. Bởi trên bề mặt lưỡi là nơi để cho các vi khuẩn phát triển và sinh sôi. Trên mặt lưỡi không chỉ có các hạt vị giác li ti giúp vi khuẩn đọng lại, mà còn thức ăn và các tế bào chết gây mùi hôi trong miệng, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Chính vì vậy mà các chuyên gia sức khỏe về răng miệng luôn khuyên chúng ta nên cạo lưỡi và chăm sóc răng miệng. Những lợi ích của cạo lưỡi có thể mang lại bao gồm:
- Giúp làm giảm đáng kể vi khuẩn gây bệnh ở miệng từ những vị trí bàn chải đánh răng khó tiếp cận;
- Giảm hôi miệng: Mặc dù cạo lưỡi không thể thay thế cho việc đánh răng, nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc cạo lưỡi giúp loại bỏ vi khuẩn gây mùi hôi miệng hiệu quả;
- Tăng tính thẩm mỹ cho lưỡi: Nếu bạn vừa ăn hay uống các thực phẩm có màu thì việc cạo lưỡi sẽ loại bỏ những vết bám trên lưỡi của bạn;
- Tăng khả năng cảm nhận thức ăn: Loại bỏ sự tích tụ từ bề mặt lưỡi sẽ giúp đồ ăn xúc tác tốt với các gai vị giác nhiều hơn, từ đó bạn có thể thưởng thức hương vị thức ăn ngon miệng;
- Mang tới cảm giác sảng khoái hơn: Cạo lưỡi là cách làm sạch họng và lưỡi nên sẽ mang lại cho bạn cảm giác sảng khoái hơn;
- Giảm thiểu tối đa các vấn đề răng miệng: Vệ sinh lưỡi thường xuyên làm cho sức khỏe răng và nướu nói chung đều tốt lên. Nhờ loại bỏ vi khuẩn và độc tố gây các vấn đề răng miệng như viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy răng, mất răng, nhiễm trùng nướu... nên sẽ hạn chế bệnh các về răng miệng.
- Cải thiện sức khỏe tiêu hóa: Cạo lưỡi cũng kích hoạt tăng sản xuất nước bọt. Men trong nước bọt trộn với thức ăn giúp thúc đẩy hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
Những lợi ích tuyệt vời trên của cạo lưỡi chỉ được đảm bảo khi bạn thao tác đúng. Nếu làm sai nó còn có thể gây ra một số hậu quả như sau:
- Làm tổn thương gai vị giác trên bề mặt lưỡi khiến bạn mất vị giác, rát lưỡi, nhiệt lưỡi và mất cảm giác ngon miệng;
- Chải lưỡi quá sâu ở vùng hạ họng khiến bạn dễ buồn nôn và nôn;
- Làm quá mạnh có thể khiến lưỡi bị chảy máu;
- Người đang bị bệnh răng miệng nếu cạo lưỡi quá nhiều có thể gây tổn thương lưỡi và bội nhiễm.
3. Có nên cạo lưỡi hàng ngày không?
Có thể nói cạo lưỡi được khuyến cáo như một biện pháp chăm sóc răng miệng thường quy. Chính vì vậy bạn nên thực hiện nó hàng ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tần suất phù hợp nhất cho việc cạo lưỡi là 1 đến 2 lần mỗi ngày, vào sáng và tối trước khi đi ngủ.
Bạn cũng không nên lạm dụng việc cạo lưỡi quá nhiều lần trong ngày, bởi vì nó không thể khiến miệng hay lưỡi có mùi hôi hết ngay lập tức, mà cần kết hợp với đánh răng, súc miệng thì tình trạng hôi miệng mới dần cải thiện.
Trong những trường hợp rêu lưỡi quá dày, bạn đừng cố gắng cạo hay loại bỏ nó ngay lập tức. Bởi nếu rêu lưỡi quá dày có thể do một bệnh lý nào đó như nhiễm khuẩn gây ra, bạn nên chú ý các dấu hiệu khác và thăm khám để biết nguyên nhân.
4. Cạo lưỡi đúng cách như thế nào?
Cạo lưỡi có tốt không phụ thuốc rất nhiều vào kỹ thuật, làm đúng cách mới mang lại hiệu quả tốt nhất. Dưới đây là cách cạo lưỡi đúng cách:
- Bước 1: Lựa chọn dụng cụ cạo lưỡi phù hợp. Người lớn và trẻ em có dụng cụ khác nhau, nên cần chọn loại phù hợp với lứa tuổi. Đảm bảo cây cạo lưỡi cần sạch khuẩn, cầm chắc tay, nhỏ gọn, có đầu cạo mềm tránh việc làm tổn thương đến lưỡi;
- Bước 2: Tiến hành cạo lưỡi: Bạn mở miệng, đưa lưỡi ra ngoài nhiều nhất có thể, rồi đưa đầu cạo lưỡi vào trong miệng của mình, bắt đầu chải lưỡi theo chiều từ trong ra ngoài một cách nhẹ nhàng, lần lượt chải từ trái sang phải sao cho hết mặt trên của lưỡi.
- Bước 3: Làm sạch cây cạo lưỡi bằng cách rửa dưới vòi nước sạch để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn. Sau đó, tiếp tục chải lại lưỡi một lần nữa.
- Bước 4: Tiếp theo, bạn uốn cong lưỡi lên, tiếp tục chải nhẹ nhàng phần mặt dưới của lưỡi. Cuối cùng là phần hàm ếch phía trên của khoang miệng. Động tác không thô bạo, nên thực hiện nhẹ nhàng để tránh tổn thương niêm mạc miệng và lưỡi;
- Bước 5: Sau khi cạo lưỡi xong, bạn không nên nuốt mà cần dùng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng để rửa trôi những cặn bẩn đã được lấy ra. Súc họng một lần nữa để làm sạch miệng;
- Bước 6: Cuối cùng bạn rửa lại cây cạo lưỡi một lần nữa bằng xà phòng, sau đó làm khô rồi cất vào hộp cho những lần thực hiện tiếp theo. Chú ý tránh làm cho dụng cụ cạo lưỡi bị nhiễm khuẩn.
Bạn nên thực hiện đúng quy trình để mang lại hiệu quả tốt nhất.
5. Những điều cần chú ý khi cạo lưỡi
Khi thực hiện cạo lưỡi bạn cần lưu ý rằng:
- Nên cạo lưỡi sau khi đánh răng;
- Không nên cạo lưỡi quá nhiều lần trong ngày;
- Cạo lưỡi bị chảy máu là một trong những tai nạn thường gặp do tác động quá mạnh hoặc khoang miệng đang gặp một số vấn đề. Khi đó, bạn nên dừng việc cạo lưỡi một vài ngày, để lưỡi phục hồi;
- Đọc thật kỹ hướng dẫn sử dụng các dụng cụ cạo lưỡi;
- Cạo lưỡi chỉ là một bước không nên bỏ qua khi làm sạch khoang miệng của bạn. Nhưng nó không thể thay thế cho việc đánh răng hàng ngày. Cho nên bạn vẫn cần đánh răng kết hợp với cạo lưỡi đúng cách mới đạt hiệu quả tốt nhất;
- Việc vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ chuyên dụng sẽ tốt nhất. Nhưng bạn cũng có thể dùng bằng bàn chải đánh răng, nên chọn loại có lông mềm để tránh tổn thương lưỡi và khoang miệng.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu được việc có nên cạo lưỡi hàng ngày không và thực hiện như thế nào để giảm thiểu nguy cơ tổn thương lưỡi. Trong trường hợp thực hiện các bước cạo lưỡi đúng cách mà vẫn xảy ra tình trạng chảy máu lưỡi thì bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và tìm ra nguyên nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.