Suy giảm trí nhớ là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Các thống kê cho thấy có đến 50% người ở tuổi 85 mắc chứng suy giảm trí nhớ, con số này sẽ tăng dần theo thời gian. Suy giảm trí nhớ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, vậy hiện nay có cách nào làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ ở người già hay không?
1. Lý giải vì sao người cao tuổi lại bị suy giảm trí nhớ
Trí nhớ được định nghĩa là sự ghi nhận lại, giữ lại và tái hiện lại tất cả những gì mà cá nhân đã thu được trong các hoạt động sống của mình. Trí nhớ là một quá trình diễn ra theo từng bước tuần tự nhau, nối tiếp nhau bởi sự ghi nhớ, sự tái hiện và hồi tưởng. Ở những người trẻ tuổi, hiện tượng quên xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: quá trình ghi nhớ không tập trung, do quy luật ức chế hoạt động của hệ thần kinh, do sự việc diễn ra không có ý nghĩa đối với cá nhân người tiếp nhận. Tuy nhiên người lớn tuổi, thường xảy ra hiện tượng không thể ghi nhớ cả những việc mà họ rất quan tâm, rất muốn nhớ kỹ và thậm chí đã cố gắng để nhớ nhưng cuối cùng vẫn “quên”. Do đó sự “quên” ở người cao tuổi sẽ diễn ra theo một cơ chế khác với người trẻ.
Theo quy luật tự nhiên, quá trình phát triển của hệ thần kinh sẽ bắt đầu từ giai đoạn phôi thai, đến năm 25 tuổi thì phát triển hoàn chỉnh. Tuy nhiên cả trong quá trình hệ thần kinh phát triển cho đến cuối cuộc đời, mỗi ngày có đến 3.000 tế bào thần kinh của chúng ta bị hủy đi. Vì vậy con người càng nhiều tuổi thì tế bào thần kinh mất đi càng nhiều, chức năng chung của các tế bào thần kinh sẽ càng bị suy giảm, sự lão hóa các tế bào thần kinh còn lại cũng diễn ra ngày càng nhanh. Mặt khác lưu lượng máu đến nuôi các tế bào thần kinh cũng dần dần chậm hơn dẫn đến sự rối loạn các phản xạ, đặc biệt là các phản xạ có điều kiện thông qua biểu hiện chậm chạp, lúc quên lúc nhớ. Có thể thấy suy giảm trí nhớ là sự tiến triển tự nhiên, mang tính chất quy luật trong quá trình lão hóa mà đa phần những người cao tuổi đều sẽ gặp phải.
Song trên thực tế mỗi người cao tuổi khác nhau sẽ có quá trình suy giảm trí nhớ không giống nhau. Cụ thể là có nhiều người đặc biệt ghi nhớ rất kỹ những câu chuyện cũ từ xa xưa, tuy nhiên lại không thể nhớ chuyện vừa xảy ra như: hôm qua đã làm gì hay ăn gì. Có người có khả năng mô tả được tỉ mỉ phong cảnh ở những nơi mà họ đã từng đến nhưng gặp khó khăn khi phải bắt tay vào làm một việc gì đó cần đến thao tác cụ thể. Hoặc có người khi lớn tuổi bị mất đi khả năng tư duy logic, gây tình trạng khó diễn đạt ý muốn nói hoặc gặp khó khăn trong việc sắp xếp từ ngữ lộn xộn khi nói...
Sở dĩ có tình trạng suy giảm trí nhớ người già khác nhau là do trí nhớ của con người được hình thành trong các hoạt động sống với nhiều loại trí nhớ khác nhau: trí nhớ vận động, trí nhớ xúc cảm, trí nhớ về hình ảnh, trí nhớ từ ngữ - tư duy logic, trí nhớ liên quan đến thao tác... Do nhiều yếu tố khác nhau tác động mà khi về già, mỗi người khác nhau sẽ có một chiều hướng suy giảm trí nhớ ở người già không giống nhau.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ do bệnh lý, theo đó thường thấy là bệnh: viêm não, tình trạng tai biến mạch máu não, bệnh Alzheimer, sau chấn thương não... trong thời gian ngắn hạn hay dài hạn, tùy thuộc vào từng loại bệnh mà bệnh nhân mắc phải và từng cá nhân cụ thể.
Suy giảm trí nhớ ở người già còn có thể do sử dụng các loại thuốc chữa bệnh dài ngày thật vậy người ta nhận thấy nhiều loại thuốc điều trị bệnh mãn tính có tác dụng phụ giảm trí nhớ nếu sử dụng dài ngày.
2. Có thể làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ ở người già hay không?
Hội chứng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi là hiện tượng tự nhiên, mang tính chất quy luật, vì vậy cho đến nay y học của chúng ta tuy đã tiến bộ vượt bậc nhưng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho tình trạng này. Tuy nhiên, bệnh suy giảm trí nhớ ở người già hoàn toàn có thể phòng ngừa hoặc làm chậm quá trình suy giảm nhờ vào việc luyện tập và xây dựng chế độ ăn uống phù hợp.
Đối với bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ do bệnh lý gây ra cần được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Suy giảm trí nhớ do bệnh lý nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoặc làm chậm đáng kể tiến trình phát triển của bệnh, giúp bệnh nhân cải thiện được chất lượng cuộc sống tốt hơn.
3. Các phương pháp giúp trì hoãn quá trình suy giảm trí nhớ ở người già
Suy giảm trí nhớ ở người già vốn dĩ là một quá trình tự nhiên, không cần phải điều trị bằng thuốc, người lớn tuổi chỉ cần áp dụng các biện pháp giúp cải thiện các hoạt động trí não, luyện tập khả năng ghi nhớ gồm:
- Thường xuyên đọc sách, báo;
- Tăng cường việc giao tiếp xã hội;
- Thường xuyên chơi cờ, dạy các cháu nhỏ trong nhà học tập để rèn luyện trí óc;
- Liệt kê danh sách những công việc cần phải làm trong ngày để tránh quên việc, lập thời gian biểu hàng ngày nếu cần thiết;
- Hình thành một số thói quen hàng ngày như: quy định nơi nào để mũ, chìa khóa, lặp lại nhiều lần tên người vừa mới gặp, lưu giữ tài liệu thông tin, hình ảnh ở nơi những nơi dễ nhớ, dễ tìm;
- Thường xuyên tập thể dục cũng là một cách giúp ghi nhớ hiệu quả do các hoạt động thể chất có khả năng thúc đẩy tuần hoàn máu, hô hấp, tăng cường cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho não bộ. Thể dục thể thao còn giúp người cao tuổi giảm nguy cơ mắc phải một số bệnh lý về tim mạch như cao huyết áp, bệnh nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh cơ xương khớp, loãng xương... Tùy theo từng thể trạng của từng người mà lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp: chạy bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh, yoga...
- Người cao tuổi cần bổ sung một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý mỗi ngày để ngăn ngừa bệnh tật, giảm thiểu tình trạng lão hóa của các tế bào nói chung và tế bào não bộ nói riêng. Các loại thực phẩm hữu ích cho não bộ người cao tuổi gồm các thực phẩm giàu choline cá, trứng, gan, đậu nành, các loại đậu khác), thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (vitamin nhóm B, vitamin E, khoáng chất như kẽm) có nhiều trong hoa quả và rau xanh, kẽm có nhiều trong hải sản.
Với những bệnh nhân suy giảm trí nhớ được xác định là do bệnh lý, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng loại thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác nhau. Trong trường hợp này, người bệnh cần đi khám thường xuyên để được bác sĩ theo dõi diễn tiến của bệnh và kiểm soát tốt các bệnh lý, từ đó giúp cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.