Rối loạn lipid máu là tình trạng mất cân bằng giữa các thành phần lipoprotein trong máu, là yếu tố gây nên các nguy cơ như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,.. Theo quan điểm y học cổ truyền, rối loạn lipid máu thuộc phạm vi chứng “đàm trọc”, “phì bạng”. Vậy việc điều trị rối loạn lipid máu theo y học cổ truyền được thực hiện như thế nào?
1. Khái niệm rối loạn lipid máu
1.1. Theo quan điểm y học hiện đại
Rối loạn lipid máu là mất đi sự cân bằng riêng lẻ hoặc đồng thời các thành phần lipid (tăng Cholesterol máu, tăng LDL-C, tăng Triglycerid và giảm HDL-C trong máu). Rối loạn lipid máu là yếu tố nguy cơ của nhiều chứng bệnh ở người như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, từ đó có thể gây biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim,..
1.2 Theo quan điểm y học cổ truyền
Theo quan điểm y học cổ truyền, rối loạn lipid máu thuộc phạm vi chứng “đàm trọc”, “phì bạng”. Bệnh xảy ra là do ba tạng: can, tỳ, thận hư ( bản hư), từ đó dẫn tới tình trạng đàm thấp trở trệ, huyết ứ ( tiêu thực). Vì vậy, trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh cần chú ý phân biệt biểu hiện hư thực của bệnh.
2. Nguyên nhân và cơ chế gây ra chứng rối loạn lipid máu
2.1. Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lipid máu theo y học hiện đại
- Chế độ ăn của người bệnh (ăn nhiều chất béo bão hòa hay còn gọi là “ chất béo xấu”).
- Béo phì (Dư thừa năng lượng).
- Lối sống: Lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia...
- Yếu tố di truyền (Rối loạn chuyển hóa lipid máu có tính chất gia đình).
2.2. Nguyên nhân và cơ chế gây ra chứng rối loạn lipid máu theo y học cổ truyền
- Do ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều đồ ngọt béo, hoặc do uống rượu quá nhiều lâu ngày làm tổn thương đến tỳ. Tỳ hư không vận hóa được thủy thấp làm cho thủy thấp đình trệ lại, thủy thấp đình trệ lâu ngày hóa đàm, đàm nung nấu trong cơ thể mà gây bệnh.
- Do uất ức lâu ngày, hoặc do can đởm thấp nhiệt, khí cơ bất lợi ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết của can đởm, từ đó ảnh hưởng đến quá trình vận hành, chuyển hóa và phân bố của dịch thể làm cho đàm thấp ứ lại mà gây nên bệnh.
- Do bẩm tố thể trạng béo phì, dương khí bất túc, hoặc do bản tính ít hoạt động, hoặc do làm việc trong môi trường tĩnh tại, ít hoạt động khiến cho sự vận hành của khí cơ không được thông xướng, ảnh hưởng đến sự vận hóa tân dịch trong cơ thể mà gây bệnh.
- Do tuổi cao, chức năng thận khuy tổn. Thận dương hư làm cho tỳ dương không được ôn ấm và khi chức năng vận hóa của tỳ thất thường ,khiến cho thủy dịch trong cơ thể vận hành không được lưu lợi mà tích tụ lại, lâu ngày mà sinh ra bệnh.
3. Các thể lâm sàng rối loạn lipid máu theo y học cổ truyền
- Thể đàm trệ: Thể trạng béo bệu, tức ngực, chân tay nặng nề, cảm giác rã rời, vô lực, bụng chướng, miệng dính khó nuốt, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, lưỡi dính nhớt, mạch huyền hoạt.
- Bài thuốc: Nhị trần thang gia vị: Trần bì 10g, Bạch linh 15g, Sơn tra 15g, Hậu phác 15g, Bán hạ chế 10g, Cam thảo 6g, Thương truật 15g.
- Cách uống: Uống ngày 300ml nước sắc từ 1 thang thuốc, uống thành 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều khi thuốc còn ấm.
- Thể thấp nhiệt: Thể trạng béo, cảm giác đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, cảm giác tức ngực, phiền nhiệt, cơ thể như bị bó, miệng khô khát, đại tiện phân nát hoặc lỏng, cảm giác nóng hậu môn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt hoặc hoạt sác.
- Bài thuốc: Tứ linh tan hợp Lục nhất tán gia giảm: Bạch linh 15g, Bạch truật 15g, Hoạt thạch 25g, Thảo quyết minh 12g, Ý dĩ 12g, Trư linh 15g, Trạch tả 15g, Cam thảo 04g, Kim ngân đằng 12g
- Cách uống: Các vị thuốc trên tán thành bột mịn, trộn đều. Sau đó uống liều 12-18g/lần x 2 lần/ngày kèm với nước.
- Thể khí trệ huyết ứ: Đau tức ngực hoặc đau đầu, hoa mắt chóng mặt, đau có tính chất cố định một chỗ, kèm theo chân tay tê bì. Chất lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết, mạch vi sáp hoặc kết đại.
- Bài thuốc Huyết phủ trục ứ thang gia vị: Đào nhân 10g, Đương quy 15g, Sinh địa 10g, Sài hồ, Chỉ xác 10g, Hồng hoa 10g, Xuyên khung 10g, Xích thược 15g, Ngưu tất 10g, Cát cánh 10g, Cam thảo 06g, Uất kim 08g.
- Cách uống: Uống ngày 300ml nước sắc từ 1 thang thuốc, uống thành 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều khi thuốc còn ấm.
- Thể thận dương hư: Người bệnh hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi vô lực, sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng gối mỏi yếu, nước tiểu nhiều, tiểu tiện nhiều lần, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch trầm vi.
- Bài thuốc Bát vị thận khí hoàn gia vị: Thục địa 320g, Sơn thù 160g, Bạch linh 120g, Phụ tử chế 40g, Ngưu tất 120g, Xa tiền tử 160g, Dâm dương hoắc 160g, Hoài sơn 160g, Trạch tả 120g, Đan bì 120g, Nhục quế 40g, Ba kích 160g, Trư linh 40g.
- Cách uống: Tất cả các vị thuốc tán bột mịn, luyện mật làm viên hoàn. Sau đó uống liều 12-16g/lần x 2-3 lần/ngày với nước ấm hoặc nước muối nhạt.
- Thể can đởm thấp nhiệt: Người bệnh đau đầu có cảm giác nặng nề, bụng ngực đầy tức, dễ cáu gắt, cảm giác phiền táo, miệng khô đắng, ăn kém, buồn nôn, đại tiện bí, tiểu tiện vàng. Chất lưỡi đỏ, bệu, tím 2 bên rìa lưỡi, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền sác.
- Bài thuốc Long đởm tả can thang gia giảm: Long đởm thảo 15g, Hoàng cầm 10g, Trạch tả 15g, Đương quy 10g, Sơn tra 15g, Bạch truật 10g, Xa tiền tử 15g, Chi tử 10g, Bạch linh 20g, Sài hồ bắc 10g, Nhân trần 20g, Đại hoàng 06g.
- Cách uống: Uống ngày 300ml nước sắc từ 1 thang thuốc, uống thành 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều khi thuốc còn ấm.
4. Cao lỏng Đại an điều trị rối loạn lipid máu
Cao lỏng Đại an được bào chế từ bài thuốc cổ phương “Đại an hoàn” của tác giả Chu Đan Khê được ghi trong cuốn Đan khê tâm pháp với các vị thuốc như Trần bì, Bán hạ, Thần khúc, Sơn tra, Bạch truật,.... có tác dụng tiêu thực tích, kiện tỳ hòa vị, thanh nhiệt lợi thấp giải quyết vào cơ chế sinh đàm thấp theo y học cổ truyền, cũng chính là điều trị rối loạn lipid máu.
Cao lỏng Đại an được bào chế dưới dạng cao lỏng, một dạng thuốc y học cổ truyền thường được sử dụng trên lâm sàng, có tính ổn định cao, hấp thu tốt và dễ bảo quản hơn so với dạng thuốc sắc.
4.1 Tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu của Cao lỏng Đại an trên nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu lâm sàng:
Ở mô hình gây tăng lipid máu nội sinh, cao lỏng Đại an làm giảm có ý nghĩa thống kê các chỉ số Cholesterol toàn phần, non-HDL-C. Ở mô hình gây tăng lipid máu ngoại sinh, làm giảm nồng độ Cholesterol toàn phần, LDL-C có ý nghĩa thống kê. Nghiên cứu trên lâm sàng cho thấy, sau 60 ngày điều trị bằng cao lỏng Đại an, nồng độ Cholesterol giảm 17,7%, nồng độ Triglycerid giảm 20,0%, nồng độ LDL- C giảm 14,1%, nồng độ HDL- C tăng 8,4%.
4.2 Tác dụng chống xơ vữa động mạch của Cao lỏng Đại an trên mô hình thực nghiệm:
Rối loạn lipid máu là yếu tố nguy cơ của nhiều chứng bệnh ở người như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, từ đó có thể gây biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Cao lỏng Đại an nghiên cứu trên thực nghiệm đã cho cho kết quả chứng minh rõ ràng tác dụng chống xơ vữa động mạch rất tốt cao lỏng Đại an, thông qua nghiên cứu phẫu tích hình ảnh động mạch chủ của thỏ sau khi uống thuốc. Cho thấy, Cao lỏng Đại an rất có ý nghĩa trong việc điều trị và phòng ngừa các biến cố tim mạch trên bệnh nhân có rối loạn lipid máu.
Một trong những xu hướng hiện nay trong điều trị rối loạn lipid máu là hướng về các thuốc có nguồn gốc tự nhiên, mang lại hiệu quả điều trị và đồng thời hạn chế được các tác dụng không mong muốn của thuốc cho người bệnh, giảm chi phí điều trị.
Trên đây là những thông tin cũng như bài thuốc điều trị rối loạn lipid máu theo y học cổ truyền, người bệnh có thể tham khảo và lựa chọn phương pháp điều trị cho phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện có bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.