Suy thận là căn bệnh mà nhiều người lo ngại vì bệnh thường diễn ra âm thầm mà không có nhiều triệu chứng đáng kể. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có giá trị rất lớn trong hiệu quả điều trị. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc các triệu chứng của suy thận giai đoạn đầu.
1. Vai trò của thận đối với cơ thể
Thận gồm có 2 quả nằm ở mặt lưng, phía trên eo và 2 bên cột sống. Thận có 4 chức năng chính đó là:
- Duy trì cân bằng thể dịch trong cơ thể, nhất là các khoáng chất, đặc biệt kali có vai trò điều khiển hoạt động của thần kinh và cơ. Việc thiếu hụt hay dư thừa kali có thể gây ra các vấn đề về tim;
- Đào thải các sản phẩm chuyển hóa của protein trong quá trình hoạt động cơ bắp như ure, creatinin;
- Giải phóng các hormone của hệ nội tiết vào máu giúp điều hòa huyết áp (renin), tăng tạo hồng cầu tại tủy xương (erythropoietin), hoạt hóa vitamin D để hấp thụ canxi từ thức ăn nhằm tăng cường sự chắc khỏe của xương.
2. Nguyên nhân gây ra suy thận
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến suy thận cấp như sau:
- Thiếu hụt lượng máu đến thận do chấn thương;
- Các bệnh lý tại thận như phì đại tuyến tiền liệt, tiền sản giật hoặc hội chứng HELLP, tổn thương thận do nhiễm trùng huyết;
- Quá trình đào thải nước tiểu ra khỏi thận bị tắt nghẽn.
Một số nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn chủ yếu gồm có:
- Biến chứng của tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường;
- Bệnh thận đa nang;
- Viêm cầu thận;
- Viêm ống thận mô kẽ;
- Đường tiết niệu bị tắc nghẽn kéo dài do một số nguyên nhân như phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận và một số bệnh ung thư;
- Viêm đài bể thận dai dẳng tái phát nhiều lần.
3. Suy thận có thể chữa khỏi được không?
Bệnh nhân mắc suy thận cấp có thể xuất viện trong vòng vài ngày hoặc phục hồi một phần chức năng của thận nếu như được điều trị kịp thời.
Đối với suy thận mạn thì đây là căn bệnh không có khả năng phục hồi của thận. Các phương pháp điều trị chỉ có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và hạn chế các biến chứng. Khi chức năng thận mất trên 90% thì bệnh nhân cần phải được chạy thận nhân tạo, áp dụng thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.
Các bệnh lý ở thận sẽ có tác động đến đơn vị cấu trúc của thận là nephron, làm cho thận không còn khả năng đào thải chất độc ra bên ngoài. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được điều trị kịp thời sẽ làm cho thận ngưng hoạt động và gây nguy hiểm đến tính mạng.
4. Triệu chứng của suy thận giai đoạn đầu
Việc phát hiện sớm các triệu chứng của suy thận độ 1 sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác chăm sóc và điều trị nhờ các triệu chứng sau:
- Khó ngủ: Bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn tính thường có hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một dạng rối loạn gây ra tình trạng ngắt quãng hơi thở trong lúc ngủ và có thể kéo dài từ vài giây cho đến 1 phút. Sau những lần dừng lại đó, bệnh nhân sẽ trở lại với hơi thở bình thường kèm theo tiếng khịt mũi lớn. Do đó, khi có xuất hiện những tiếng ngáy lớn và kéo dài thì cần đi kiểm tra để phát hiện sớm.
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể: Thận là cơ quan có chức năng lọc máu cho cơ thể nên đa số các bệnh nhân mắc thận mạn tính đều bị thiếu máu. Nguyên nhân của tình trạng này là do hiệu suất hoạt động của thận chỉ ở ở mức 20 - 50%, từ đó dẫn đến cơ thể suy kiệt. Do đó, nếu bạn đã có được chế độ nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc nhưng vẫn tiếp diễn tình trạng mệt mỏi, thiếu sức sống cần phải đến cơ sở y tế để kiểm tra.
- Khô da: Khi thận làm việc hiệu quả sẽ giúp cơ thể thải trừ các chất thải trong máu, giúp hỗ trợ sản sinh hồng cầu và duy trì nồng độ khoáng chất ở mức cân bằng. Tất cả những chức năng trên sẽ được biểu hiện thông qua sức khỏe của làn da. Do đó, nếu da xuất hiện các biểu hiện như khô và ngứa ngáy thì có thể là triệu chứng của suy thận mà bạn cần hết sức lưu ý.
- Trong miệng có vị kim loại: Khi chức năng đào thải của thận bị suy giảm sẽ dẫn đến việc tích trữ các chất thải trong máu làm cho miệng bệnh nhân có vị kim loại và hôi miệng. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ không có cảm giác thèm ăn vì không thấy ngon miệng, do đó dễ dẫn đến sụt cân vì thiếu hụt dinh dưỡng.
- Khó thở: Tình trạng khó thở sau những hoạt động gắng sức là biểu hiện mà hầu hết các bệnh nhân suy thận có thể mắc phải. Nguyên nhân do sự ứ đọng dịch vì thận không có khả năng lọc hoàn toàn và làm hoạt động của phổi bị suy giảm. Mặc khác, thiếu hụt hồng cầu cũng là yếu tố làm cho hoạt động của phổi bị hạn chế dẫn đến khó thở.
- Đau lưng: Triệu chứng của suy thận thường gặp nhất chính là đau lưng. Bệnh nhân có thể kêu đau ở phần dưới khung xương sườn và cảm nhận được cơn đau lan ra phía trước của vùng chậu hoặc hông.
- Huyết áp cao: Thận và hệ thống tuần hoàn có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Do đó, nếu như chức năng lọc bị xáo trộn, những nephron lọc máu không được cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng.
- Bất thường khi đi vệ sinh: Thận giúp tạo ra nước tiểu và đó chính là con đường để loại bỏ các chất thải. Do đó, khi phát hiện những thay đổi như mùi, màu sắc, số lần đi tiểu, tiểu ra máu,... thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.
5. Các biện pháp để phòng ngừa suy thận
Để phòng ngừa suy thận, bạn nên thực hiện các phương pháp sau:
- Kiểm soát lượng đường huyết và cholesterol trong cơ thể;
- Duy trì tập luyện thể dục thể thao đều đặn hằng ngày;
- Tránh xa thuốc lá và khói thuốc lá;
- Kiểm soát chỉ số huyết áp của cơ thể, thông thường mục tiêu dưới 140/90 mmHg;
- Cung cấp cho cơ thể từ 1.5- 2 lít nước mỗi ngày, nên uống nhiều hơn khi thời tiết nóng bức hoặc thực hiện các hoạt động ra nhiều mồ hôi;
- Xây dựng chế độ ăn ít mặn, giảm đạm, giảm dầu mỡ.
Suy thận là căn bệnh gây ra biến chứng nguy hiểm trên nhiều cơ quan và thậm chí là tính mạng con người. Do đó việc phát hiện các triệu chứng của suy thận giai đoạn đầu là đặc biệt quan trọng. Khi nhận thấy cơ thể có một trong các triệu chứng trên thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.