Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Bác sĩ Siêu âm thai - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Phụ nữ mang thai cần được làm xét nghiệm nước tiểu thường xuyên, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ nhằm phát hiện protein niệu. Sự xuất hiện protein niệu trong nước tiểu phản ánh 1 số tình trạng bệnh lý cần được theo dõi và điều trị kịp thời. Vậy nguyên nhân, cơ chế xuất hiện protein niệu trong thai kỳ là gì?
1. Định nghĩa
Đối với phụ nữ mang thai bình thường trong nước tiểu có thể có 1 lượng nhỏ protein, khi protein niệu vượt quá 0,3 g trong 24 giờ hoặc trên 1g/l được coi là protein niệu dương tính.
Khi xuất hiện protein niệu trên mức bình thường cần được chẩn đoán nguyên nhân để có hướng theo dõi và điều trị cũng như tiên lượng. Nếu protein xuất hiện sau 20 tuần tuổi thai có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Tuy nhiên, nếu trước khi mang thai hoặc trước 20 tuần tuổi thai, nếu protein niệu xuất hiện trong nước tiểu được coi là một dấu hiệu của bệnh thận trước đó.
Protein niệu khi mang thai thường được xác định thông qua việc phân tích nước tiểu.
2. Nguyên nhân, cơ chế xuất hiện protein niệu
2.1. Do thay đổi cấu trúc giải phẫu, sinh lý dẫn đến sự xuất hiện protein niệu.
Tuy nhiên lượng protein niệu thường ít < 300mg/24h không cần phải điều trị.
Cơ chế: Ở phụ nữ có thai có sự thay đổi chức năng của hệ thận tiết niệu cả về cấu trúc giải phẫu và và sinh lý. Kích thước thận thường to hơn bình thường dẫn giãn đài thận- bể thận và niệu quản do có sự chèn ép của thai nhi vào đường tiết niệu, tình trạng tưới máu thận cũng tăng lên, protein có thể thoát ra khỏi màng lọc cầu thận làm xuất hiện protein trong nước tiểu. Đồng thời sự tăng huyết động đến thận làm thay đổi tính thấm thành mao mạch và khả năng tái hấp thu ở ống thận giảm dẫn đến sự xuất hiện protein niệu.
2.2. Do biểu hiện của tiền sản giật.
Cơ chế: Trong tiền sản giật tế bào nội mô mạch máu bị tổn thương, đồng thời với sự xuất hiện phản ứng viêm quá mức ở phụ nữ có thai, dẫn đến tăng tính thấm thành mao mạch cầu thận, gây phù nề và xuất hiện protein niệu. Ngoài ra tiền sản giật làm giảm khả năng tái hấp thu ở tế bào ống thận làm xuất hiện protein trong nước tiểu, kể cả protein niệu có trọng lượng phân tử thấp và trọng lượng phân tử cao xuất hiện protein niệu
2.3. Do các bệnh lý tại thận như hội chứng thận hư, viêm cầu thận, viêm thận bể thận,...
Cơ chế: Bình thường màng lọc cầu thận không cho phép protein đi qua do protein có trọng lượng phân tử cao. Khi các bệnh lý làm tổn thương màng lọc cầu thận dẫn đến protein có thể đi qua màng lọc cầu thận thoát protein ra ngoài nước tiểu.
Ngoài ra, một số yếu tố khác gây ra protein niệu khi mang thai như:
- Căng thẳng Tiếp xúc với nhiệt độ cao
- Sốt
- Mất nước
- Tập thể dục quá nặng
- Bệnh bạch cầu, lupus ban đỏ, bệnh thận mãn tính, viêm khớp và đái tháo đường.
- Đái tháo đường, tăng huyết áp
4. Phải làm gì khi xuất hiện protein niệu trong khi mang thai?
Nếu bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh thận, khi mang thai cần được làm xét nghiệm thường xuyên, theo dõi tình trạng phù, số lượng nước tiểu, dùng thuốc theo đúng chỉ định của người thầy thuốc. Theo dõi đồng thời ở chuyên khoa thận và chuyên khoa sản để phối hợp điều trị bệnh thận và triệu chứng. Cần cân nhắc lợi ích điều trị cho mẹ và cho thai nhi một cách hợp lý. Việc sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai cần hết sức thận trọng vì một số thuốc có thể qua hàng rào rau thai và ảnh hưởng đến thai.
Nếu phát hiện protein niệu từ tuần thứ 20 thì cần nghĩ đến tiền sản giật, bệnh nhân cần theo dõi sát tình trạng lâm sàng toàn thân của mẹ như tăng huyết áp, phù, đau đầu, đau vùng thượng vị, hạ sườn phải,... và sự phát triển của thai nhi thường xuyên để có biện pháp xử trí kịp thời nhằm an toàn cho tính mạng của mẹ và của con nếu có thể.
Đối với những nguyên nhân khác gây ra tình trạng protein niệu cần điều trị nguyên nhân như kiểm soát đường máu nếu do đái tháo đường. Nếu protein niệu là do tăng huyết áp, cần phải kiểm soát huyết áp
Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn, ăn uống điều độ và dùng thuốc theo đúng chỉ định, ăn ít muối trong các bữa ăn, nên uống nhiều nước hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.