Cơ chế tự miễn dịch trong bệnh tiểu đường loại 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Cố vấn chuyên môn, Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Đái tháo đường tuýp 1 hay còn gọi là tiểu đường vị thành niên hoặc tiểu đường phụ thuộc insulin, là một tình trạng mãn tính trong đó tuyến tụy sản xuất ít hoặc không có insulin. Insulin là một hormone cần thiết để cho phép đường (glucose) đi vào tế bào để tạo ra năng lượng. Các yếu tố khác nhau, bao gồm di truyền và một số virus, có thể góp phần gây ra bệnh tiểu đường loại 1.

1. Đái tháo đường có mấy tuýp?

Phân loại đái tháo đường gồm:

  • Đái tháo đường type 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
  • Đái tháo đường type 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).
  • Đái tháo đường thai kỳ (là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2 trước đó).
  • Đái tháo đường do các nguyên nhân khác, như: đái tháo đường sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô...

2. Nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1

Bệnh tiểu đường type 1 là tình trạng tự miễn dịch. Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch của người bệnh tấn công nhầm và phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy sản xuất insulin gây ra các tổn thương vĩnh viễn.

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng cơ thể tự tấn công tuyến tụy, có thể do di truyền và môi trường. Các yếu tố về lối sống không liên quan đến nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường type 1.

3. Cơ chế gây bệnh tiểu đường

Đái tháo đường type 1 là một thể bệnh nặng. Nguyên nhân là do tế bào beta của tiểu đảo Langerhans bị tổn thương gây nên tình trạng thiếu insulin tuyệt đối.


Cơ chế gây bệnh tiểu đường
Cơ chế gây bệnh tiểu đường

  • Cơ chế qua trung gian miễn dịch: Quá trình tổn thương tế bào bêta là quá trình tự miễn dịch. Những cá nhân có tính mẫn cảm di truyền sẽ tăng nguy cơ bị đái tháo đường type 1 sau một tấn công của môi trường bên ngoài như (virus quai bị, sởi, coxsakie B4 và B5, retro loại C).
  • Những cá thể có mang kháng nguyên HLA B8, B15 nhất là DR3, DR4, DR3/DR4 sẽ tăng nguy cơ bị đái tháo đường type 1.

Các yếu tố môi trường trên sẽ tấn công những cá thể có tố bẩm di truyền đối với đái tháo đường type 1. Chỉ một tổn thương rất nhỏ của tế bào bêta cũng làm giải phóng ra kháng nguyên, kích thích cơ thể sinh tự kháng thể gây hoạt hóa phản ứng viêm tiểu đảo tự miễn. Các kháng nguyên có thể là GAD (glutamic acid decarboxylase) một protein Kd nằm trong bào tương của tế bào bêta. Tự kháng thể sẽ phản ứng với kháng nguyên.

Đại thực bào lympho được hoạt hoá sẽ tập trung quanh tiểu đảo của tụy gây ra phản ứng viêm. Tế bào lympho T tiết ra các hoá chất trung gian trong đó có interleukin-1 gây ảnh hưởng độc với tế bào bêta. Interleukin-1 cảm ứng hình thành các gốc tự do làm tế bào bêta bị tổn thương và phá hủy dẫn đến ngừng tiết insulin.

4. Triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 1

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh tiểu đường loại 1 có thể xuất hiện tương đối đột ngột bao gồm:

  • Cơn khát tăng dần
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Đái dầm ở trẻ em mặc dù trước đây không làm ướt giường trong đêm
  • Rất đói
  • Giảm cân ngoài ý muốn
  • Khó chịu và thay đổi tâm trạng khác
  • Mệt mỏi và yếu cơ
  • Nhìn mờ

5. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 1

Một số yếu tố nguy cơ được biết đến đối với bệnh tiểu đường loại 1 bao gồm:

  • Tiền sử gia đình. Bất cứ ai có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường loại 1 đều có nguy cơ mắc bệnh này.
  • Di truyền. Sự hiện diện của một số gen cho thấy tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 1.
  • Địa lý. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 1 có xu hướng tăng khi bạn đi ra khỏi đường xích đạo.
  • Tuổi tác. Mặc dù bệnh tiểu đường loại 1 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng nó xuất hiện ở hai độ tuổi đáng chú ý. Độ tuổi đầu tiên xảy ra ở trẻ em từ 4 đến 7 tuổi và lần thứ hai là ở trẻ em từ 10 đến 14 tuổi.

6. Biến chứng của bệnh tiểu đường loại 1

Theo thời gian, các biến chứng tiểu đường loại 1 có thể ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể bạn, bao gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Duy trì lượng đường trong máu bình thường và ổn định có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc biến chứng này.

  • Bệnh tim và mạch máu. Bệnh tiểu đường làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch khác nhau, bao gồm bệnh động mạch vành với đau thắt ngực, đau tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch và huyết áp cao.
  • Tổn thương dây thần kinh. Lượng đường dư thừa có thể làm tổn thương các thành mạch của các mạch máu nhỏ đến nuôi dưỡng các dây thần kinh, đặc biệt là ở chân. Điều này có thể gây ngứa ran, tê, nóng hoặc đau thường bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc ngón tay và dần dần lan lên trên.
  • Tổn thương dây thần kinh ảnh hưởng đến đường tiêu hóa có thể gây ra triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Đối với nam giới, có thể mắc rối loạn cương dương.
  • Tổn thương thận. Thận chứa hàng triệu cụm mạch máu nhỏ để lọc chất thải từ máu của bạn. Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng hệ thống lọc tinh tế này. Tổn thương nghiêm trọng này có thể dẫn đến suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không hồi phục, cần phải lọc máu hoặc ghép thận.
  • Hư mắt. Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu của võng mạc (bệnh võng mạc tiểu đường), có khả năng gây mù. Bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thị lực nghiêm trọng khác, chẳng hạn như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
  • Tổn thương chân. Tổn thương dây thần kinh ở bàn chân hoặc lưu lượng máu đến bàn chân kém làm tăng nguy cơ biến chứng ở bàn chân, nếu không được điều trị, vết cắt và mụn nước có thể trở thành nhiễm trùng nghiêm trọng mà cuối cùng người bệnh có thể phải cắt cụt ngón chân, bàn chân hoặc chân.

Tổn thương dây thần kinh ở bàn chân hoặc lưu lượng máu đến bàn chân kém làm tăng nguy cơ biến chứng ở bàn chân
Tổn thương dây thần kinh ở bàn chân hoặc lưu lượng máu đến bàn chân kém làm tăng nguy cơ biến chứng ở bàn chân

  • Tình trạng da và miệng. Bệnh tiểu đường có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng da và miệng, bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, bệnh nướu răng và khô miệng.
  • Biến chứng thai kỳ. Lượng đường trong máu cao có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. Nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh tăng lên khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt. Đối với người mẹ, bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ nhiễm toan đái tháo đường, các vấn đề về mắt do tiểu đường, tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật.

Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn triển khai gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: ncbi.nlm.nih.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe