Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Phồng động mạch chủ là tình trạng thành động mạch bị giãn không phục hồi với đường kính lớn hơn 50% so với đường kính bình thường của đoạn động mạch đó. Nếu phồng động mạch càng lớn thì nguy cơ bị vỡ càng cao, cá túi động mạch đều có xu hướng phát triển to dần chứ không thể tự trở lại bình thường. Vậy cơ chế hình thành phình động mạch chủ là gì?
Người bị phình động mạch chủ ở mức độ ít sẽ không có triệu chứng điển hình, khó nhận biết. Tuy nhiên khi động mạch chủ phình to sẽ gây nên các triệu chứng chèn ép cơ quan xung quanh chỗ phồng, chèn ép bản thân động mạch, giảm lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan do động mạch bị phồng chi phối. Bên cạnh đó, dòng máu chảy vào túi phồng sẽ trở thành dòng chảy xoáy nên dễ tạo thành cục máu đông trong lòng túi phồng. Các cục máu đông này có thể bị bong ra và trôi theo dòng máu, gây tắc động mạch ở vị trí khác trong cơ thể.
1. Cơ chế hình thành phồng động mạch chủ
Tùy vào vị trí động mạch bị phồng mà người bệnh sẽ có triệu chứng chẩn đoán cụ thể như sau:
Đoạn O: từ vòng van động mạch chủ cho tới hết gốc 2 mạch vành.
Đoạn I: từ phía trên động mạch vành tới gốc của thân động mạch cánh tay đầu, túi phồng có thể chèn ép vào tĩnh mạch chủ gây nên phù áo khoác, tuần hoàn bàng hệ vùng cổ ngực, túi phồng có thể vỡ vào màng tim gây chèn ép tim cấp.
Đoạn II: từ thân động mạch cánh tay đầu đến động mạch dưới đòn trái, túi phồng chèn vào tĩnh mạch chủ trên, chèn khí quản, phế quản gốc gây khó thở theo tư thế, ho.... Túi phồng có thể vỡ vào khí quản hay trung thất gây ho ra máu nặng, chèn ép trung thất cấp.
Đoạn III: từ động mạch dưới đòn trái tới cơ hoành, túi phồng chèn vào thực quản gây biểu hiện khó nuốt, chèn ép dây thần kinh quặt ngược trái khiến người bệnh nói khàn, giọng đôi, chèn ép gây giảm cấp máu cho động mạch Adamkiewicz. Bên cạnh đó gây thiếu máu tủy, liệt hai chi dưới, túi phồng có thể vỡ vào phổi, màng phổi gây ho ra máu, tràn máu màng phổi cấp.
Đoạn IV: từ dưới cơ hoành đến gốc 2 động mạch thận, túi phồng có thể chèn ép gây ảnh hưởng đến cấp máu cho thận khiến thiểu niệu, tăng huyết áp, chèn ép các tạng ống tiêu hóa gây rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra túi phồng có thể vỡ vào ổ bụng, khoang sau phúc mạc gây hội chứng bụng cấp.
Đoạn V: từ dưới động mạch thận đến chỗ phân chia ra các động mạch chậu gốc, nhìn thấy khối phồng đập nẩy theo nhịp tim, có thể sờ thấy khối phồng, nghe trên khối phồng có tiếng thổi tâm thu, túi phồng có thể vỡ vào trong ổ bụng hoặc khoang sau phúc mạc.
Phồng động mạch ngoại vi: hay gặp là phồng động mạch khoeo và động mạch đùi. Tình trạng này là do bệnh xơ vữa động mạch, chấn thương hoặc nhiễm khuẩn. Triệu chứng lâm sàng có thể nhận biết là:
- Phần chi bên dưới túi phồng: Thường có các biểu hiện đau, tê, vận động chóng mỏi và hay bị chuột rút. Khám thấy mạch đập yếu hơn so với bên lành, có các hiện tượng thiểu dưỡng như: đau nhức tăng lên khi cho vận động, phù nề, tím, giảm khả năng vận động, có các vết loét...
- Khối phồng: Nằm ngay trên đường đi của động mạch, có ranh giới thường rõ, đập nẩy và có thể thấy khối đập co giãn theo nhịp tim. Có thể nghe trên khối phồng thấy có tiếng thổi tâm thu, khi ép lên đoạn động mạch ở phần đầu trung tâm của khối phồng thì thấy khối phồng nhỏ lại, hết đập nẩy và không còn tiếng thổi.
Các cận lâm sàng có thể nhận biết phồng động mạch chủ gồm:
- Chụp X-quang thường có thể thấy hình lắng đọng canxi ở túi phồng động mạch
- Siêu âm và nghiên cứu Doppler động mạch để xác định hình dáng, kích thước, độ dày thành túi, tình trạng cục máu trong lòng túi phồng, đồng thời xác định tốc độ, lưu lượng, kiểu dòng chảy của dòng máu lưu thông trong túi phồng
- Chụp động mạch nhằm xác định chính xác các đặc điểm về hình thái của túi phồng. Bên cạnh đó, cho biết rõ ràng tình trạng tuần hoàn bên, hình toàn bộ động mạch ở trên và dưới túi phồng và cả hệ tĩnh mạch song hành với động mạch đó.
- Chụp cắt lớp vi tính hoặc MRI đánh giá giá chính xác đặc điểm của khối phồng, xác định tương quan giải phẫu của túi phồng với các cơ quan xung quanh túi phồng.
2. Biến chứng của phồng động mạch chủ
Túi phồng động mạch chủ nếu không được điều trị kịp thời sẽ dần to lên gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Vỡ túi phồng: là biến chứng nguy hiểm và luôn luôn có nguy cơ xảy ra. Túi phồng càng ở đoạn động mạch gần tim thì mức độ cấp tính và đe doạ tính mạng bệnh nhân của biến chứng vỡ túi phồng càng nặng.
- Chèn ép các cơ quan xung quanh: khối phồng to ra sẽ tăng mức độ chèn ép.Ngoài việc ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của các cơ quan xung quanh, sự chèn ép của khối phồng còn làm thiếu máu nuôi dưỡng vùng tổ chức phía ngoại vi của khối phồng.
- Nhiễm khuẩn: khối phồng bị nhiễm khuẩn có thể gây vỡ khối phồng đột ngột.
- Tắc mạch phía ngoại vi: do cục máu đông trong túi phồng bị tách ra và theo dòng máu động mạch đến gây tắc các động mạch ở phía ngoại vi khối phồng.
3. Điều trị phồng động mạch chủ
Để điều trị phình động mạch chủ, người bệnh cần phẫu thuật để cắt bỏ khối phồng và ghép mạch. Có hai cách ghép mạch là ghép tự thân và ghép mạch đồng loại. Ghép mạch tự thân là dùng một đoạn tĩnh mạch của chính bệnh nhân để ghép. Ghép mạch đồng loại là dùng động mạch của người khác để ghép.
4. Phòng ngừa phồng động mạch chủ
Phẫu thuật điều trị phình động mạch chủ khá phức tạp, khó khăn và có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nên việc phòng tránh bệnh cần được lưu ý đặc biệt là đối với các trường hợp:
- Người bệnh xơ cứng động mạch, hoại tử thành động mạch do tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh, bệnh loạn sản tổ chức xơ, thoái hoá thành động mạch do thai nghén...;
- Người bệnh nhiễm khuẩn thông thường, giang mai, nhiễm virus;
- Người bị hẹp động mạch, sau chấn thương và vết thương, sau phẫu thuật nối thông mạch máu, ghép đoạn động mạch;
- Người có bệnh bẩm sinh như hội chứng Ehlers-Danlos, hội chứng Marfan, phồng động mạch não...
Bên cạnh đó chúng ta cần chú ý thực hiện các biện pháp để phòng ngừa bệnh như:
- Thường xuyên tập thể dục để giúp lưu thông khí huyết, làm dẻo dai thành mạch máu, hạn chế nguy cơ bị phồng mạch;
- Không ăn mỡ động vật vì có thể bị vỡ xơ mạch máu gây ra chỗ xơ cứng chỗ yếu dễ bị phồng mạch;
- Nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh bị hoại tử thành động mạch do thuốc;
- Giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, phòng các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus;
- Phụ nữ có thai cần khám định kỳ để được bác sĩ theo dõi, tránh bị thoái hoá thành động mạch liên quan đến thai nghén.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.