Cơ chế hình thành bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu hay còn gọi tên đầy đủ là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là bệnh lý thuộc nhóm miễn dịch, tức là tình trạng giảm tiểu cầu do nguyên nhân kháng thể có khả năng tự sinh ra và bám lên kháng nguyên màng tiểu cầu gây ra triệu chứng giảm tiểu cầu ở máu ngoại vi. Bệnh cần được phát hiện và điều trị đúng phương pháp để tránh gây ra một số biến chứng nguy hiểm.

1. Tiểu cầu giảm bao nhiêu là nguy hiểm?

Máu là được định nghĩa là một loại dịch trong cơ thể, bao gồm 2 thành phần chính là huyết tương và những tế bào. Trong số các tế bào như hồng cầu và bạch cầu, tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, nếu cơ thể tồn tại vết thương thì tiểu cầu sẽ ngăn chặn sự chảy máu từ vết thương. Trên thực tế lâm sàng, có rất nhiều trường hợp số lượng tế bào tiểu cầu trong máu giảm đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nhiều bệnh lý phức tạp, trong đó có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.

Khi lượng tế bào tiểu cầu trong máu giảm thì sẽ bị rối loạn chức năng đông cầm máu khi có một tổn thương mạch máu nào đó xuất hiện trong cơ thể. Một người có lượng tiểu cầu dưới 150000 tế bào/mL sẽ được chẩn đoán là giảm tiểu cầu, gây ra một số nguy hiểm nhất định cho cơ thể người bệnh.


Lượng tiểu cầu giảm mạnh ảnh hưởng đến chức năng đông máu
Lượng tiểu cầu giảm mạnh ảnh hưởng đến chức năng đông máu

2. Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu hay có tên gọi khác là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là bệnh lý bị gây ra do tình trạng tiểu cầu ở máu ngoại vi bị phá hủy, giảm số lượng tại hệ liên võng nội mô với nguyên nhân do tự kháng thể kháng tiểu cầu gây nên.

Bình thường thì nếu cơ thể con người có tác nhân lạ xâm nhập vào, chẳng hạn như vi trùng, virus hoặc ký sinh trùng thì bạch cầu sẽ tạo ra kháng thể có chức năng chống lại sự xâm nhập này. Nhưng đối với những bệnh nhân mắc bệnh tự miễn như bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch thì cơ thể sẽ có sự bất thường, sai sót khi nhận diện một cơ quan trong cơ thể là tác nhân lạ xâm nhập nên đã tự động sinh ra kháng thể để chống lại chính những tế bào tiểu cầu trong máu.

Cơ chế hoạt động của những kháng thể này được giải thích đó là tự kháng thể sẽ được gắn vào tế bào tiểu cầu, làm cho tiểu cầu bị vỡ ra ở lách, dẫn đến số lượng tiểu cầu trong máu giảm dưới mức cho phép, gây nên hiện tượng chảy máu và không hình thành cục máu đông khi bệnh nhân có những tác động cực kỳ nhẹ. Ngoài ra, một số trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch không có sự hiện diện của tự kháng thể thì đó là trường hợp tế bào lympho T đã gây nên tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu này.


Tế bào lympho T là nguyên nhân gây xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch
Tế bào lympho T là nguyên nhân gây xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể gặp ở người lớn hay trẻ nhỏ, trong đó tỷ lệ gặp xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em nhiều hơn, nhất là trong độ tuổi 2- 5 tuổi. Ngoài ra, khi xét vấn đề giới tính thì tỷ lệ người nữ mắc bệnh thường cao hơn người nam. Bệnh lý này có thể được tình cờ phát hiện khi thực hiện xét nghiệm máu hoặc có một số triệu chứng như dễ bị chảy máu, có thể nhẹ hoặc nặng, biểu hiện cụ thể như xuất hiện xuất huyết dưới da dạng chấm, bầm tím, xuất huyết não, chảy máu nướu, chảy máu mũi, có dấu hiệu rong kinh, đái máu, nôn ra máu,...

Đặc biệt, khi bệnh nhân bị xuất huyết giảm tiểu cầu thì sẽ có hội chứng thiếu máu xảy ra, bao gồm các dấu hiệu như da xanh xao, niêm mạc nhợt, đau đầu chóng mặt... Ngoài ra, để khẳng định một bệnh nhân có bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hay không thì các kết quả xét nghiệm lâm sàng là cực kỳ quan trọng.

Cụ thể, khi thực hiện xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi thì sẽ thấy số lượng tiểu cầu trong máu giảm dưới mức 100G/L, hồng cầu và huyết sắc tố cũng có thể giảm nếu xuất huyết nặng, bạch cầu trong trị số bình thường.

Đối với tủy đồ, bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch sẽ có mật độ tế bào tủy tăng lên hoặc trong giới hạn bình thường, mẫu tiểu cầu cũng sẽ tăng lên hoặc bình thường, không có sự hiện diện của tế bào ác tính. Ngoài ra, khi xét nghiệm về thời gian chảy máu sẽ kéo dài hơn bình thường, cục máu không có khả năng co hoặc có co nhưng không hoàn toàn. Đặc biệt, xét nghiệm kháng thể đặc hiệu kháng lại GPIIb – IIIa trong tiểu cầu hoặc huyết thanh sẽ cho kết quả dương tính. Bác sĩ điều trị cần kết hợp những kết quả cận lâm sàng khác nhau và những triệu chứng lâm sàng có trên bệnh nhân để loại trừ những bệnh lý khác, từ đó có thể khẳng định chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.


Xét nghiệm kháng thể chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu
Xét nghiệm kháng thể chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

3. Phác đồ điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

Phụ thuộc và mức độ xuất huyết của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch phù hợp. Đối với xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em thì hầu như không phải điều trị ở đa số các trường hợp. Còn đối với người lớn thì thuốc điều trị phổ biến trong những phác đồ đó là thuốc Steroid, bên cạnh đó có thể sử dụng thêm thuốc Globulin miễn dịch tiêm đường tĩnh mạch cho bệnh nhân nếu thuốc Steroid không hiệu quả. Đối với những trường hợp nặng nề hơn, bệnh nhân có thể phải trải qua phẫu thuật cắt lách nếu cả 2 loại thuốc trên đều không có hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân thuộc nhóm người lớn không cần điều trị mà xuất huyết giảm tiểu cầu sẽ tự động được chữa khỏi

Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là bệnh lý tự miễn phổ biến với tất cả mọi người, tuy nhiên hay gặp nhất là xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu cần được khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và đánh giá mức độ để có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Để được tư vấn chi tiết về bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe