Bưởi là nguồn cung cấp kali và vitamin C dồi dào, cả hai đều là những chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe tốt. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo không nên ăn bưởi hoặc uống nước bưởi khi đang dùng một số loại thuốc. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ xem xét liệu bưởi có tương tác với metformin hay không và những điều cần tránh khi dùng metformin.
1. Metformin là gì?
Metformin là một loại thuốc được kê đơn để điều trị bệnh tiểu đường loại 2. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 không thể sử dụng insulin bình thường. Điều này có nghĩa là họ không thể kiểm soát lượng đường trong máu. Metformin giúp những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 kiểm soát lượng đường trong máu của họ theo một số cách; bao gồm giảm lượng đường mà cơ thể hấp thụ từ thức ăn, giảm lượng đường do gan sản xuất và tăng phản ứng của cơ thể với insulin mà cơ thể tự tạo ra.
Mặc dù rất hiếm nhưng Metformin có thể gây ra một tình trạng rất nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, được gọi là nhiễm axit lactic. Vì vậy, những người có vấn đề về gan, thận hoặc tim nên tránh dùng metformin.
Các bác sĩ kê đơn metformin như một phương pháp điều trị đầu tiên cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 để giảm lượng đường trong máu. Các bác sĩ đôi khi cũng khuyến nghị điều trị metformin cho những người bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Một số loại thuốc có khả năng tương tác với metformin và có thể làm giảm hiệu quả hoặc tăng nguy cơ tác dụng có hại. Những loại thuốc này bao gồm:
- Thuốc tránh thai.
- Thuốc lợi tiểu và các thiazide khác.
- Thuốc corticosteroid.
- Phenytoin.
- Axit nicotinic.
- Thuốc thần kinh giao cảm.
- Phenothiazines.
- Glyburide.
- Thuốc chặn canxi.
- Thuốc động kinh, chẳng hạn như topiramate.
- Thuốc tuyến giáp.
- Isoniazid.
- Nifedipine.
- Furosemide.
Do có nhiều loại thuốc có thể tương tác nó nên trước khi dùng metformin, bệnh nhân cần thông báo cho các bác sĩ và dược sĩ về bất kỳ loại thuốc nào mình đang dùng. Sử dụng rượu khi dùng metformin có thể làm tăng nguy cơ lượng đường trong máu thấp. Những người dùng metformin nên tránh uống rượu hoặc chỉ uống có chừng mực.
2. Tương tác thuốc với bưởi
Có hơn 85 loại thuốc có tương tác với bưởi. Trong số các loại thuốc này, có 43 loại tương tác với tất cả các dạng thành phẩm từ bưởi bao gồm nước ép tươi, bưởi cô đặc đông lạnh.
Một số hóa chất được tìm thấy trong bưởi có thể liên kết và vô hiệu hóa một loại enzyme có trong ruột và gan, enzyme này giúp phân hủy thuốc. Thông thường, khi dùng một loại thuốc bằng đường uống, nó sẽ bị phân hủy một chút bởi các enzyme trước khi đến máu. Điều này có nghĩa là máu của cơ thể nhận được lượng thuốc ít hơn một chút so với lượng đã uống ban đầu. Nhưng khi enzyme bị ức chế cũng như khi nó tương tác với các chất hóa học trong bưởi thì sẽ có một lượng thuốc lớn hơn đi vào máu. Điều này dẫn đến nguy cơ quá liều cao hơn. Do đó, hãy để ý kỹ hơn về tương tác giữa bưởi và thuốc.
Các hợp chất trong bưởi được gọi là furanocoumarins có thể ngăn chặn chức năng của CYP3A4, một loại enzyme tiêu hóa giúp cơ thể chuyển hóa khoảng 50% thuốc.
Việc ngăn chặn enzyme này đồng nghĩa với việc sẽ có một số loại thuốc ở trong cơ thể lâu hơn bình thường và tích tụ trong máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tác dụng có hại và trong một số trường hợp, có thể gây tử vong.
Tác dụng của furanocoumarins trên CYP3A4 là không thể đảo ngược và cơ thể có thể mất khoảng 3 ngày để sản xuất CYP3A4 mới. Chỉ cần 200ml nước bưởi, tức là chưa đến 1 cốc, cũng có thể đủ để gây ra tương tác này.
Nước bưởi cũng chứa flavonoid, bao gồm naringin và hesperidin. Nghiên cứu cho thấy rằng những flavonoid này có thể ngăn chặn một loại protein được gọi là polypeptide vận chuyển anion hữu cơ, hoặc OATP. Protein này giúp cơ thể di chuyển thuốc vào tế bào. Điều này có nghĩa là ăn bưởi có thể làm giảm sự hấp thụ của cơ thể đối với một số loại thuốc, khiến chúng kém hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tương tác này chỉ là tạm thời, kéo dài khoảng 4 giờ. Vì vậy, những người đang dùng thuốc dựa vào OATP để hấp thu có thể vẫn có thể tiêu thụ các sản phẩm bưởi nếu họ để khoảng cách 4 giờ giữa việc uống thuốc và ăn quả.
3. Bưởi ảnh hưởng đến Metformin như thế nào?
Điều quan trọng cần biết là Metformin không bị phân hủy bởi cùng một loại enzyme như một số các loại thuốc khác. Nó không được cơ thể xử lý và thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Hiện tại, không có nhiều thông tin về việc ăn bưởi trong khi dùng metformin có gây ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 hay không.
Một bài báo năm 2009 đã nói về tác dụng của bưởi với metformin trên chuột không mắc bệnh tiểu đường. Một số con chuột đã được cho dùng cả nước bưởi và metformin, những con khác chỉ tiếp xúc với metformin. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, có sự gia tăng lượng sản xuất axit lactic ở những con chuột được tiếp xúc với nước bưởi và metformin. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nước ép bưởi giúp tăng cường sự tích tụ metformin trong gan. Điều này làm tăng sản xuất axit lactic. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, uống nước bưởi có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm axit lactic ở những người dùng metformin. Tuy nhiên, những kết quả này được quan sát thấy ở chuột không bị tiểu đường, không phải ở người bị tiểu đường loại 2. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào ở người chỉ ra rằng, uống metformin với nước bưởi dẫn đến nhiễm axit lactic.
4. Tác dụng của bưởi đối với bệnh nhân tiểu đường
Uống nước bưởi thực sự có thể có lợi nếu bạn bị tiểu đường. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng, uống các chế phẩm từ nước ép bưởi đã làm giảm cả lượng đường lúc đói giúp giảm tăng cân. Quan sát này cũng không thấy tác dụng tăng cường khi bưởi và metformin được sử dụng cùng nhau. Điều quan trọng là những quan sát này được thực hiện trên mô hình chuột mắc bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu tổng quan về vai trò của bưởi trong chế độ ăn kiêng và tương tác thuốc cũng cho thấy, bưởi có liên quan đến việc giảm cân, cải thiện tình trạng kháng insulin. Một hợp chất trong nước ép bưởi (naringin) đã được cho là có cải thiện tình trạng tăng đường huyết và cholesterol cao ở mô hình động vật mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Bưởi là một nguồn dinh dưỡng lành mạnh nhưng nó cũng chứa các hợp chất có thể ảnh hưởng đến cách hoạt động của một số loại thuốc. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy ăn bưởi có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng metformin.
Mặc dù bưởi có chứa đường nhưng có một số bằng chứng cho thấy, tiêu thụ loại quả này có thể tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu không hoàn toàn hiểu tại sao nhưng các hợp chất trong bưởi có thể giúp giảm lượng đường trong máu.
Trong một nghiên cứu năm 2014, các nhà nghiên cứu đã cho 25 đến 50% các chế phẩm nước ép bưởi ngọt cho những con chuột khỏe mạnh đang theo chế độ ăn giàu chất béo hoặc chế độ ăn ít chất béo. Nghiên cứu cho thấy, những con chuột trong chế độ ăn nhiều chất béo có mức đường huyết lúc đói, lượng insulin trong máu lúc đói và trọng lượng cơ thể giảm so với những con chuột không uống nước bưởi. Tuy nhiên, những con chuột trong chế độ ăn ít chất béo chỉ giảm nồng độ insulin trong máu lúc đói. Các nhà nghiên cứu tin rằng, kết quả này là do các hợp chất trong nước bưởi ngăn chặn sự sản xuất glucose trong gan chuột.
Mặc dù những nghiên cứu này cho thấy những lợi ích tiềm năng của việc uống nước ép bưởi đối với những người mắc bệnh tiểu đường nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận những phát hiện này ở người.
Bưởi có thể dẫn đến tương tác tiêu cực với một số loại thuốc. Tuy nhiên, không có nghiên cứu trường hợp nào cho thấy uống nước bưởi trong khi dùng metformin dẫn đến tác dụng phụ ở người. Có một vài nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, việc bao gồm bưởi trong chế độ ăn uống của bạn có thể giúp thúc đẩy giảm cân và giảm mức đường huyết lúc đói. Nếu bạn đang dùng metformin và lo ngại về tương tác thuốc với thực phẩm, hãy nói chuyện với bác sĩ để được giải đáp thắc mắc của mình.
Bạn đọc hãy theo dõi trang web Vinmec.com để biết thêm nhiều thông tin hữu ích khác về dinh dưỡng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com, nhs.uk