Chụp số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phấn - Trưởng đơn nguyên Chẩn đoán hình ảnh can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Nguyễn Văn Phấn là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp.

Can thiệp động mạch tá tụy có bản chất là các kỹ thuật nút mạch làm tắc nghẽn sự lưu thông của mạch máu trong lòng mạch. Chỉ định thực hiện là trong các bệnh lý có chảy máu đường tiêu hóa. Bằng cách sử dụng ống thông, vi ống thông siêu chọn lọc vào nhánh động mạch là gây chảy máu và làm tắc các nhánh mạch này để cầm máu, tình trạng của bệnh nhân sẽ nhanh chóng cải thiện.

1. Can thiệp mạch tá tụy là gì?

Động mạch tá tụy là một nhánh của động mạch dạ dày, thường phát sinh từ động mạch gan chung từ động mạch thân tạng. Động mạch tá tụy chia thành hai nhánh khi đi xuống, một nhánh trước và một nhánh sau. Mỗi nhánh lại được phân thành hai phần, phần trên và phần dưới.

Phần trên của các nhánh trước và sau di chuyển xung quanh đầu của tuyến tụy và tá tràng, cuối cùng kết hợp với các nhánh trước và sau của động mạch tá tụy dưới. Động mạch tụy dưới còn được xem là một nhánh nhỏ của động mạch mạc treo tràng trên. Các động mạch này, cùng với các nhánh tụy của động mạch lách, hình thành các vòng động mạch kết nối với nhau, cho phép máu tưới máu vùng tuyến tụy và tá tràng qua nhiều kênh.

Khi một trong các nhánh này vì bệnh lý gì gây tổn thương, thành mạch mất tính bền vững, tình trạng vỡ mạch máu sẽ xảy ra và xuất huyết vào trong ổ bụng. Các nguy cơ có thể gặp phải là thứ phát sau nhiễm trùng, chấn thương, viêm tụy hay cũng có thể là nguyên phát khi có các túi phình. Vì nằm sâu trong ổ bụng, dưới áp lực máu chi phối từ động mạch thân tạng, vốn là một nhánh quan trọng từ động mạch chủ bụng, lượng máu chảy ra từ vị trí vỡ mạch có thể tích tương đối lớn và tình trạng bệnh nhân nhanh chóng nguy kịch nếu không được can thiệp sớm.

Tuy nhiên, do vùng nội tạng này nằm sâu trong ổ bụng, phẫu thuật mở thành bụng khâu mạch là khó khăn trong khi huyết động bệnh nhân không ổn định. Trong bối cảnh này, can thiệp mạch tá tụy được xem là biện pháp tối ưu, mức độ xâm lấn tối thiểu, thời gian thực hiện nhanh nhưng hiệu quả đạt được khá cao.

Các chỉ định của chụp mạch số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy thường được sử dụng trên lâm sàng là:

  • Giả phình động mạch sau nhiễm trùng gan – đường mật
  • Giả phình động mạch sau viêm tụy cấp, viêm loét dạ dày – tá tràng
  • Giả phình động mạch sau thủ thuật can thiệp: dẫn lưu – đặt khung giá đỡ đường mật, dẫn lưu ổ bụng qua da, cắt cơ Oddi qua nội soi...
  • Chấn thương bụng kín có tổn thương mạch máu gây chảy máu ổ bụng
  • Các khối phình, giả phình động mạch
  • Dị dạng động tĩnh mạch.

Dị dạng động tĩnh mạch được chỉ định chụp số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy
Dị dạng động tĩnh mạch được chỉ định chụp số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy

Tuy nhiên, tương tự như các thủ thuật can thiệp qua da dưới màn hình chụp DSA và có sử dụng thuốc cản quang khác, chụp mạch số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy chỉ được thực hiện khi người bệnh không có các chống chỉ định như dị ứng thuốc cản quang có chứa I-ốt, suy gan, suy tim, suy thận nặng, rối loạn đông máu nặng và mất kiểm soát hay trên đối tượng là phụ nữ có thai do nguy cơ phơi nhiễm bức xạ. Mặc dù vậy, các chống chỉ định này chỉ có tính chất tương đối khi tình trạng nguy kịch của bệnh nhân mới là vấn đề ưu tiên.

2. Quy trình chụp số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy

Người bệnh và thân nhân cần được giải thích kỹ lưỡng về quy trình thủ thuật chuẩn bị xảy ra, cũng như các rủi ro đi kèm, để yêu cầu hợp tác. Kế tiếp, người bệnh cần phải nhịn ăn hoặc không cần nhịn ăn vì trong tình huống cấp cứu, thay trang phục phù hợp và sắp xếp nằm ngửa trên bàn can thiệp, đặt đường truyền tĩnh mạch với dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Các phương tiện theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp, điện tâm đồ, SpO2 được gắn trên người bệnh và các chỉ số hiện trên màn hình để dễ quan sát. Sau khi vệ sinh vùng bẹn hai bên, bác sĩ sẽ phủ khăn lỗ vô khuẩn tại vùng chuẩn bị can thiệp. Trong trường hợp người bệnh quá kích thích và hợp tác kém thì cần cân nhắc chỉ định thuốc an thần để quá trình thủ thuật thuận lợi; tuy nhiên, cần lưu ý tác động xấu của thuốc an thần trên tình trạng huyết động.

Tại vị trí can thiệp, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tại chỗ. Vị trí được chọn là từ động mạch đùi chung bên phải. Khi thuốc tê có tác dụng, bác sĩ sẽ chọc kim và đặt bộ mở động mạch vào động mạch đùi phải. Kế tiếp, dây dẫn, ống thông cũng sẽ được luồn vào lòng mạch, đưa vào động mạch thân tạng và động mạch tá tụy . Để xác định vị trí tổn thương chính xác và mức độ của miệng rách động mạch, bác sĩ sẽ dùng một lượng thuốc cản quang bơm vào mạch máu, toàn bộ hệ mạch chi phối cho tá tràng và tụy tạng sẽ được hiện rõ. Lúc này, một vi ống thông sẽ tiếp cận và chụp DSA chọn lọc động mạch có tổn thương.

Các đặc điểm của tổn thương trên mạch máu tá tụy sẽ được đánh giá đầy đủ một cách nhanh chóng. Bác sĩ sẽ dùng vi ống thông tiếp cận chọn lọc nhánh động mạch có tổn thương và tiến hành gây tắc mạch bằng các vật liệu phù hợp, có thể là cuộn dây kim loại hay keo sinh học. Khi các vật liệu này được bơm vào lòng mạch sẽ gây tắc mạch, tình trạng chảy máu sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, trước khi kết thúc, bác sĩ cần đánh giá sau can thiệp bằng cách chụp lại hệ thống động mạch chi phối tá tụy lại một lần nữa. Dưới màn hình chụp mạch số hóa xóa nền, các nhánh động mạch và tuần hoàn bàng hệ lưu thông bình thường, không có huyết khối. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ đánh giá tập trung nhất là vị trí chảy máu đã được can thiệp bít tắc hoàn toàn, không còn thông thương với hệ thống động mạch tá tụy hay không còn rỉ thuốc cản quang ra ngoài lòng mạch vào trong ổ bụng.

Đối với trường hợp can thiệp nút giả phình động mạch, túi giả phình cần xác định là đã bị loại bỏ hoàn toàn ra ngoài tuần hoàn động mạch tá tụy trong khi các tuần hoàn xung quanh túi giả phình còn bình thường. Ngoài ra, siêu âm sơ bộ kiểm tra cũng không thấy tụ máu quanh gan, ổ bụng.

Khi những yêu cầu trên đã đạt được, thủ thuật này sẽ kết thúc. Bác sĩ sẽ rút toàn bộ các ống thông, vi ống thông và dây dẫn ra ngoài. Vị trí động mạch chọc dò sẽ được đè ép trực tiếp bằng tay khoảng 15 phút để cầm máu và sau đó băng ép trong 8 giờ. Trong khoảng thời gian này, người bệnh chỉ được cử động hạn chế tại giường.


Kết quả của thủ thuật dựa trên hình ảnh của DSA
Kết quả của thủ thuật dựa trên hình ảnh của DSA

3. Các biến chứng có thể gặp phải trong chụp số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy

Cũng giống như bất kỳ thủ thuật can thiệp nội mạch nào, việc chụp mạch số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy cũng có thể ẩn chứa các rủi ro nhất định, nhất là khi hệ mạch tá tụy thường có kích thước nhỏ và nằm sâu trong nội tạng, tuần hoàn bàng hệ khá phong phú và đa dạng chi tiết giải phẫu.

Theo đó, các biến chứng có thể gặp phải trong chụp mạch số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy bao gồm:

  • Viêm ruột hoại tử do hình thành huyết khối gây tắc nhánh động mạch cấp máu cho ruột
  • Sang chấn rách động mạch gây chảy máu ổ bụng
  • Bóc tách thành động mạch
  • Máu tụ hay chảy máu tại vị trí chọc động mạch đùi
  • Nhiễm trùng tại vị trí chọc động mạch đùi
  • Các biến chứng liên quan đến việc gây tê, gây mê hay dùng thuốc cản quang.

Bệnh nhân có thể bị viêm ruột hoại tử trong chụp số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy
Bệnh nhân có thể bị viêm ruột hoại tử trong chụp số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy

Tóm lại, chụp mạch số hóa xóa nền và can thiệp mạch tá tụy là biện pháp tối ưu để kiểm soát chảy máu tại các vị trí trên động mạch này, nhất là khi tình trạng bệnh nhân không ổn định và việc chỉ định phẫu thuật gặp nhiều trở ngại. Mức độ can thiệp là tối thiểu, hiệu quả cầm máu cao, nút tắc qua can thiệp mạch tá tụy cầm máu tốt và huyết động người bệnh sẽ được phục hồi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe