Chụp CT Scanner phổi liều thấp trong tầm soát ung thư phổi

Bài viết được viết bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Tầm soát ung thư phổi có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất, hỗ trợ lớn cho việc điều trị bệnh hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Chụp CT Scanner phổi liều thấp là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được dùng trong tầm soát ung thư phổi hiệu quả. Kỹ thuật này giúp phát hiện ngay cả những nốt rất nhỏ trong phổi, giúp việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm hiệu quả.

1. Tầm soát ung thư phổi là gì?

Tầm soát hay sàng lọc (screening) là quá trình khám xét được thực hiện để phát hiện bệnh trước khi có các triệu chứng. Mục đích của tầm soát là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất và có thể điều trị được sớm nhất.

Các khám xét sàng lọc có thể bao gồm xét nghiệm để kiểm tra máu và các chất dịch cơ thể khác, xét nghiệm di truyền để tìm các dấu hiệu di truyền liên quan đến bệnh tật và chẩn đoán hình ảnh để tạo ra những hình ảnh bên trong cơ thể. Các xét nghiệm này thường có giá trị cho dân số chung. Tuy nhiên, do từng yêu cầu của mỗi cá nhân đối với một khám xét sàng lọc cụ thể còn phải dựa vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính và tiền sử gia đình.

Trong tầm soát ung thư phổi, những người có nguy cơ cao bị ung thư phổi nhưng chưa có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh thì sẽ được chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp (LDCT). Đây là một kỹ thuật chụp cắt lớp kết hợp thiết bị chụp X-quang đặc biệt với máy vi tính để tạo ra nhiều hình ảnh cắt ngang hoặc hình ảnh bên trong cơ thể. LDCT tạo ra hình ảnh có chất lượng đủ để phát hiện nhiều bất thường trong khi mức sử dụng bức xạ ion hóa ít hơn tới 90% so với chụp CT ngực thông thường.


Tầm soát ung thư phổi giúp sớm phát hiện bệnh và có phương án điều trị phù hợp
Tầm soát ung thư phổi giúp sớm phát hiện bệnh và có phương án điều trị phù hợp

Trước đây, hai kỹ thuật khác đã được sử dụng để kiểm tra ung thư phổi: chụp X-quang phổi và xét nghiệm tế bào trong đờm. Chụp X-quang phổi tạo ra hình ảnh của tim, phổi, đường thở, mạch máu và xương cột sống và ngực. Xét nghiệm tế bào trong đờm là một xét nghiệm trong đó lấy một mẫu đờm (lấy đờm khi bệnh nhân ho) được xem dưới kính hiển vi để phát hiện các tế bào ung thư. Tuy nhiên, việc sử dụng X-quang phổi và tế bào học trong đờm cũng không làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi.

2. Ai cần được xem xét tầm soát ung thư phổi?

  • Ung thư phổi là ung thư được hình thành trong các mô của phổi, thường là trong các tế bào biểu mô đường dẫn khí (khí-phế quản).
  • Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Khoảng 85% trường hợp tử vong do ung thư phổi xảy ra ở những người hút thuốc lá hiện tại hoặc đã từng hút trước đây.
  • Loại phổ biến nhất là ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (non-small cell lung cancer)
  • Ung thư phổi được phát hiện sớm (trước khi di căn sang các bộ phận khác của cơ thể) thường được điều trị thành công hơn. Nhưng thật không may, khi ung thư phổi được chẩn đoán, đôi khi bệnh đã lan ra ngoài phổi.

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi

3. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi

Bất cứ điều gì làm tăng cơ hội phát triển bệnh của một cá nhân đều được gọi là một yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ của ung thư phổi thường bao gồm:

  • Tiền sử hoặc hiện tại hút thuốc lá nặng;
  • Tiếp xúc với bụi amiăng, radon, chất phóng xạ hoặc các tác nhân gây ung thư khác;
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư phổi;
  • Một số bệnh phổi mãn tính;
  • Lớn tuổi.

4. Tại sao cần được sàng lọc ung thư phổi?

4.1 Thử nghiệm sàng lọc phổi quốc gia

Các khuyến cáo hiện tại về sàng lọc ung thư phổi được đưa ra sau khi công bố một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên và lớn do Viện Ung thư Quốc gia tài trợ được gọi là Thử nghiệm Sàng lọc Phổi Quốc gia (NLST).

NLST được thực hiện để xác định xem liệu chụp CT phổi liều thấp có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh hay không. Thử nghiệm đã nghiên cứu hơn 53.000 đàn ông và phụ nữ từ 55 đến 74 tuổi với hiện tại hoặc trước đây là người nghiện thuốc lá nặng tại 33 địa điểm trên khắp Hoa Kỳ. Mỗi người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên để được khám sàng lọc bằng CT liều thấp (LDCT) hoặc chụp X-quang phổi tiêu chuẩn mỗi năm một lần trong ba năm liên tiếp. Thử nghiệm cho thấy số ca tử vong do ung thư phổi giảm từ 15 đến 20 % trong số những người tham gia thử nghiệm được sàng lọc bằng LDCT.


Chụp CT phổi liều thấp giúp làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư ở người có nguy cơ cao mắc bệnh
Chụp CT phổi liều thấp giúp làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư ở người có nguy cơ cao mắc bệnh

4.2 Đề xuất sàng lọc mới

Dựa trên kết quả NLST này và những nghiên cứu khác, Mạng lưới Ung thư Quốc gia, Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, Hiệp hội Phẫu thuật Lồng ngực Hoa Kỳ, Hiệp hội Bác sĩ Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ, Trường Cao đẳng Bác sĩ Lồng ngực Hoa Kỳ, Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo các cá nhân có nguy cơ cao ung thư phổi nên xem xét sàng lọc hàng năm với chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp.

5. Lợi ích và nguy cơ của sàng lọc ung thư phổi là gì?

5.1 Lợi ích

  • Vì chụp cắt lớp vi tính có thể phát hiện ngay cả những nốt rất nhỏ trong phổi do đó chụp CLVT phổi liều thấp đặc biệt hiệu quả để chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm nhất và có thể điều trị được.
  • Chụp CLVT rất nhanh chóng, do vậy thích hợp đối với những bệnh nhân khó thở.
  • Chụp CLVT không gây đau và không xâm lấn. Không cần chất cản quang.
  • Không còn bức xạ nào trong cơ thể bệnh nhân sau khi chụp CLVT.
  • Tia X được sử dụng trong chụp CLVT phổi liều thấp không có tác dụng phụ tức thì và không ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận kim loại nào trong cơ thể bạn như máy tạo nhịp tim hoặc khớp nhân tạo.
  • Chụp CT ngực liều thấp tạo ra hình ảnh có chất lượng ảnh đủ để phát hiện nhiều bất thường bằng cách sử dụng bức xạ ion hóa ít hơn tới 90% so với chụp CLVT ngực thông thường.
  • Tầm soát ung thư phổi bằng CLVT phổi liều thấp đã được chứng minh là làm giảm số ca tử vong do ung thư phổi ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
  • Khi phát hiện ung thư bằng phương pháp sàng lọc, nó thường ở giai đoạn đầu và bệnh nhân có thể phải trải qua phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và cắt bỏ ít mô phổi hơn.

Chụp cắt lớp vi tính phổi rất nhanh chóng mà không gây đau đớn
Chụp cắt lớp vi tính phổi rất nhanh chóng mà không gây đau đớn

5.2 Nguy cơ

  • Kết quả dương tính giả xảy ra khi sàng lọc thấy có vẻ bất thường nhưng không tìm thấy ung thư phổi. Các phát hiện bất thường có thể yêu cầu khám xét bổ sung để xác định xem có ung thư hay không. Các xét nghiệm này, chẳng hạn như kiểm tra CLVT theo dõi hoặc làm các xét nghiệm xâm lấn hơn trong đó một phần mô phổi được lấy ra (gọi là sinh thiết phổi) .
  • Kết quả chụp CLVT có lẽ bình thường ngay cả khi bị ung thư phổi được gọi là kết quả âm tính giả. Một người nhận được kết quả xét nghiệm âm tính giả có thể trì hoãn việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
  • Không phải tất cả các bệnh ung thư được phát hiện bởi LDCT đều sẽ được phát hiện trong giai đoạn đầu của bệnh.
  • Tầm soát phát hiện ung thư phổi có thể không cải thiện sức khỏe của bạn hoặc giúp bạn sống lâu hơn nếu bệnh đã lan ra ngoài phổi đến các khu vực khác của cơ thể.
  • Có một nguy cơ ung thư nhỏ về mặt lý thuyết do tiếp xúc với bức xạ liều thấp. Xem trang An toàn để biết thêm thông tin về liều bức xạ.

6. Điều gì xảy ra nếu phát hiện bất thường trong chụp CLVT phổi liều thấp?

Ung thư phổi thường xảy ra dưới dạng nốt phổi hoặc một vùng mô bất thường trong phổi. Phần lớn (hơn 95%) các nốt này không đại diện cho ung thư mà thay vào đó là các vùng sẹo trong phổi do nhiễm trùng trước đó hoặc các hạch bạch huyết nhỏ. Nếu chụp CLVT phổi liều thấp của bạn phát hiện một nốt lớn hơn một kích thước nhất định, bác sĩ của bạn có thể sẽ đề nghị chụp CLVT liều thấp tiếp theo vài tháng sau để kiểm tra xem nốt có thay đổi về kích thước hay không. Trong trường hợp nốt phát triển lên hoặc nghi ngờ, bác sĩ có thể đề nghị đánh giá thêm bằng một khám xét tiên tiến hơn như chụp CLVT có tiêm thuốc cản quang và/hoặc cắt bỏ một phần nhỏ của nốt (gọi là sinh thiết phổi). Bác sĩ giải phẫu bệnh có thể phân tích các tế bào từ mẫu sinh thiết dưới kính hiển vi để xác định xem nốt này là ác tính (ung thư) hay lành tính.


Bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết phổi để hỗ trợ chẩn đoán bệnh được chính xác hơn
Bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết phổi để hỗ trợ chẩn đoán bệnh được chính xác hơn

Nếu nốt đó là ung thư, các xét nghiệm máu và các phương pháp hình ảnh bổ sung có thể được đề nghị để xác định giai đoạn của khối u. Các xét nghiệm hình ảnh bổ sung thường bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT) bổ sung của cơ thể và có thể bao gồm chụp xương hoặc chụp PET / CT. Các lựa chọn điều trị và kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của khối u.

Tầm soát ung thư phổi là biện pháp hữu hiệu nhất để bạn phát hiện và điều trị kịp thời ung thư phổi, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình. Hiện nay tại các bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec có gói Tầm soát ung thư phổi với nhiều ưu điểm vượt trội như: Đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; Có đầy đủ các phương tiện chuyên môn để chẩn đoán xác định bệnh và xếp giai đoạn trước điều trị: Nội soi, CT scan, PET-CT scan, MRI, chẩn đoán mô bệnh học, xét nghiệm gen - tế bào...Có đầy đủ các phương pháp điều trị chủ đạo bệnh ung thư: phẫu thuật, trị xạ, hóa chất, ghép Tế bào gốc.... Quý khách có nhu cầu đăng ký khám vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe