22 câu hỏi thường gặp về X quang

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Như Tú - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chụp X quang là một thuật ngữ khá phổ biến và quen thuộc trong y học. Vậy X quang là gì và chụp X quang để làm gì? Dưới đây là 22 câu trả lời về các vấn đề liên quan đến bức xạ tia X, cũng như những lợi ích đi kèm rủi ro của chúng.

1. Bức xạ là gì?

Bức xạ điện từ là nguồn năng lượng di chuyển trong không gian, bao gồm ánh sáng, tia X, tia gamma, sóng vi ba và sóng vô tuyến. Bức có nhiều công dụng, chẳng hạn như khử trùng thực phẩm và thiết bị y tế, tạo ra hình ảnh chẩn đoán xét nghiệm, hay thậm chí là điều trị một số bệnh lý.

2. Bức xạ đến từ đâu?

Bức xạ hầu như có mặt ở khắp nơi. Có hai nguồn bức xạ chính là:

  • Bức xạ nền tự nhiên: đến từ mặt trời (bức xạ vũ trụ), trái đất ( khí Radon) và các chất phóng xạ tự nhiên trong cơ thể con người. Trung bình một người bị phơi nhiễm 3,1 mSv bức xạ nền tự nhiên mỗi năm tùy thuộc vào nơi họ sống.
  • Bức xạ phơi nhiễm y tế: chủ yếu xuất phát từ máy chụp X quangchụp CT scanner

3. X quang là gì? Chụp X quang để làm gì?

X quang là một loại bức xạ có lượng điện lớn, được dùng trong các thăm khám chẩn đoán hình ảnh y học như chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), PET/CT hay chụp mạch máu và điện quang can thiệp. Khi tia X đi xuyên qua cơ thể, các bộ phận nội tạng bên trong hấp thu một phần tia X, phần còn lại tạo ra hình ảnh. Chụp X quang giúp phát hiện những vấn đề sức khỏe bất thường và chẩn đoán một số bệnh lý.

4. Chụp X quang có làm tăng nguy cơ ung thư không?

Khi tia X hoặc bất kỳ nguồn bức xạ nào đi qua cơ thể sẽ gây tổn hại đến DNA, khiến DNA bị phá hủy trực tiếp bởi bức xạ. Nếu DNA bị hỏng, có thể xảy ra 3 trường hợp sau:

  • Tế bào chết: Chỉ xảy ra khi dùng bức xạ liều rất cao.
  • Tế bào tự sửa chữa hoàn hảo: Đây là trường hợp phổ biến nhất.
  • Tế bào tự sửa chữa không chính xác: Tuy hiếm gặp song điều này có thể khiến cho một tế bào đột nhiên hoạt động dữ dội hoặc phát triển thành ung thư. Quá trình từ khi tiếp xúc với bức xạ cho đến lúc hình thành căn bệnh ung thư kéo dài đến vài chục năm.

5. Rủi ro ung thư vì chụp X quang đã được chứng minh chưa?

Hiện này vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định nguy cơ ung thư có liên quan trực tiếp đến bức xạ liều thấp được sử dụng trong xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Để chứng minh một cách khoa học, cần theo dõi chặt chẽ gần một triệu bệnh nhân trong hàng chục năm mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.


Chưa có nghiên cứu cho thấy chụp X quang làm tăng nguy cơ ung thư
Chưa có nghiên cứu cho thấy chụp X quang làm tăng nguy cơ ung thư

6. Có phải bức xạ cũng dùng để điều trị ung thư?

Bức xạ có khả năng điều trị thành công một số căn bệnh ung thư dưới hình thức xạ trị. Bức xạ liều cao tiêu diệt tế bào, đặc biệt là các tế bào đang phát triển nhanh như: tế bào ung thư, tế bào tóc và niêm mạc đường tiêu hóa. Liều lượng phóng xạ dùng trong xạ trị cao hơn rất nhiều so với liều dùng để chụp hình xét nghiệm.

7. Đối với bệnh nhân ung thư, bức xạ từ chụp hình xét nghiệm có khiến cho bệnh càng trầm trọng hơn không?

Không. Bức xạ liều thấp từ chụp X quang không ảnh hưởng đến ung thư. Ngược lại, bức xạ liều cao còn được sử dụng để điều trị ung thư. Phơi nhiễm liều thấp chỉ làm tăng nguy cơ hình thành ung thư sau hàng chục năm tiếp xúc. Nhờ vào chụp X quang, rất nhiều bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh ung thư, từ đó có hướng điều trị sớm.

8. Vì sao nguy cơ mắc ung thư trung bình lại rất cao?

Dù không bị phơi nhiễm phóng xạ, nguy cơ mắc các bệnh ung thư ác tính trung bình vẫn là 37,5% đối với phụ nữ và 44,9% đối với nam giới. Tuy nhiên, tiên lượng thực tế của mỗi cá nhân còn phải dựa trên các yếu tố rủi ro khác, bao gồm:

  • Lối sống không lành mạnh: hút thuốc, ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý
  • Di truyền: tiền sử gia đình có người đã từng mắc ung thư
  • Phơi nhiễm phóng xạ

Phần lớn các loại ung thư xuất hiện khi con người già đi, nguy cơ tử vong trung bình do ung thư chiếm 25%.

9. Tuổi tác và giới tính ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ ung thư?

Về tuổi tác, trẻ em có nguy cơ mắc ung thư cao nhất nếu bị phơi nhiễm phóng xạ. Lý do đầu tiên là vì các tế bào của trẻ phân chia và phát triển nhanh chóng, nên dễ bị bức xạ tiêu diệt. Nguyên nhân thứ hai tính đến cuộc sống lâu dài của trẻ ở tương lai. Các tế bào chịu tác động bởi phóng xạ khi còn nhỏ có đủ thời gian vài chục năm sau nữa để hình thành ung thư. Chính vì vậy, nếu phải chụp X quang cho bệnh nhi, hầu hết các bệnh viện đều sử dụng liều bức xạ thấp hơn và che chắn cẩn thận các cơ quan không cần kiểm tra.

Về giới tính, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn một ít so với nam giới khi cùng tiếp xúc với một liều phóng xạ giống nhau. Kết luận này dựa trên dữ liệu phơi nhiễm liều cao từ những người sống sót sau bom nguyên tử, tai nạn hạt nhân và tiếp xúc với tia X sớm.

10. Nguy cơ của thai nhi khi tiếp xúc với bức xạ là như thế nào?

Dù chưa có kết luận chắc chắn về ảnh hưởng của tia X lên thai nhi, song trẻ em luôn là đối tượng nhạy cảm hơn so với người lớn, vì thế thai nhi cũng được mặc định là có nguy cơ rủi ro cao. Sản phụ phải thông báo với bác sĩ tình trạng mang thai của mình để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro hoặc làm thay thế các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh an toàn hơn, chẳng hạn như MRI và siêu âm.


Siêu âm và chụp cộng hưởng từ MRI an toàn với thai nhi hơn
Siêu âm và chụp cộng hưởng từ MRI an toàn với thai nhi hơn

11. Chụp MRI và siêu âm có gây ung thư không?

Phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến mạnh để thu được hình ảnh. Trong khi đó, siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh. Cả 2 hình thức này đều không dùng tia bức xạ và không liên quan đến rủi ro ung thư.

12. Có nên chụp X quang tuyến vú để sàng lọc ung thư?

Chụp X quang tuyến vú đã được chứng minh giúp làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú khoảng 30%. Phát hiện sớm ung thư vú bằng cách chụp X quang tuyến vú giúp cứu sống nhiều người bệnh. Do đó, phụ nữ trên 40 tuổi được khuyến cáo nên chụp X quang tuyến vú mỗi năm để sàng lọc ung thư vú.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng Hệ thống máy chụp x quang tuyến vú Mammomat Inspiration là hệ thống máy chụp X quang kỹ thuật số cho hình ảnh có độ phân giải cao giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán, máy còn có tính năng giúp thực hiện các thủ thuật can thiệp đối với tuyến vú.

13. Chụp quang tuyến vú có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp không?

Tuyến giáp nằm ở cổ và tiếp xúc rất ít với bức xạ khi chụp X quang tuyến vú. Nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp do chụp X quang tuyến vú trung bình là khoảng 1/158 triệu trường hợp. Đối với phụ nữ từ 40 - 80 tuổi có chụp X quang tuyến vú hàng năm thì nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp là 1/17 triệu ca.

14. Chụp X quang nha khoa có nguy hiểm không?

X quang nha khoa là một trong những hình thức xét nghiệm sử dụng liều bức xạ thấp nhất, chỉ khoảng 0,005 mSv / lần. Mức độ này thậm chí còn chưa bằng với lượng tiếp xúc với bức xạ nền tự nhiên một ngày, tương đương với phơi nhiễm phóng xạ từ một chuyến bay ngắn (khoảng 1-2 giờ). Chụp X quang nha khoa hai năm một lần không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Hơn thế nữa, việc che chắn đúng cách khiến rủi ro tiềm ẩn hầu như không tồn tại.

15. Tương quan giữa bức xạ y tế so với phơi nhiễm bức xạ nền ra sao?

  • Phơi nhiễm bức xạ nền tự nhiên chiếm trung bình: 3,1 mSv / năm / người.
  • Phơi nhiễm bức xạ từ các nguồn y tế (chủ yếu là chụp CT): 3,0 mSv / năm / người.
  • Tổng phơi nhiễm phóng xạ trung bình từ tất cả các nguồn: 6,2 mSv / năm/ người, tăng gần gấp đôi so với 20 năm về trước, khi mà chụp CT chưa phổ biến như hiện nay.
  • Một liều chụp CT ngực tiêu chuẩn: 7 mSv.
  • Một lần chụp X quang ngực tiêu chuẩn: 0,1 mSv.

Lưu ý đây chỉ là số liệu thống kê trung bình, mức phơi nhiễm phóng xạ sẽ rất khác nhau ở từng người.

16. Mức độ bức xạ từ các chuyến bay là bao nhiêu?

  • Mỗi hành khách tiếp xúc với 0,02 mSv phóng xạ sau một chuyến bay kéo dài 7 giờ (nhỏ hơn nhiều so với một lần chụp X quang ngực).
  • Các phi công tiếp xúc thêm 2,2 mSv bức xạ mỗi năm, tương đương với một liều chụp CT não.

Một chuyến bay dài có thể khiến hành khách phơi nhiễm một lượng bức xạ nhỏ
Một chuyến bay dài có thể khiến hành khách phơi nhiễm một lượng bức xạ nhỏ

17. Máy quét an ninh sân bay dành cho hành khách dùng bao nhiêu bức xạ?

Có hai loại máy quét an ninh toàn thân tại các sân bay, một loại dùng sóng vô tuyến nên loại máy quét an ninh sân bay này không gây ung thư, loại còn lại sử dụng tia X rất yếu với 0,0001 mSv trên mỗi lần quét. Có thể so sánh như sau:

  • 80 lần quét an ninh sân bay bằng 1 ngày tiếp xúc bức xạ nền tự nhiên
  • 200 lần tương ứng một chuyến bay kéo dài 7 giờ
  • 1000 lần quét an ninh bằng 1 lần chụp X quang ngực.

18. Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi phơi nhiễm phóng xạ?

Hầu như bức xạ nền tự nhiên là không thể tránh khỏi. Để hạn chế phơi nhiễm phóng xạ y tế, bệnh nhân nên cân nhắc trước khi tiến hành xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có dùng bức xạ. Trong trường hợp bắt buộc thực hiện, nên bảo hộ và che chắn các phần không cần chụp ảnh trên cơ thể để giảm diện tích tiếp xúc, kể cả khi chụp X quang răng. Tuy nhiên, vì rủi ro là không đáng kể, bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng khi được bác sĩ chỉ định chụp ảnh xét nghiệm.

19. Có giới hạn mức độ phơi nhiễm phóng xạ không?

Có, giới hạn này dành cho các nhân viên y tế như kỹ thuật viên X quang, bác sĩ X quang, công nhân làm việc trong môi trường có phóng xạ, và phụ nữ mang thai. Ví dụ cụ thể:

  • Công nhân nhà máy phóng xạ: khoảng từ 2-5 mSv/ năm/ người và được kiểm tra hàng tháng. Tổng liều giới hạn trong cơ thể là 50 mSv/ năm, tương đương 7 lần chụp CT ngực.
  • Phụ nữ mang thai: tối đa 5 mSv khi mang thai, tương đương 7 lần chụp X quang bụng.

20. Nhân viên y tế tiếp xúc với bao nhiêu bức xạ?

Mức giới hạn phơi nhiễm phóng xạ của nhân viên y tế là 20 mSv/ năm. Các thiết bị bảo hộ đóng vai trò chính trong việc giảm phơi nhiễm bức xạ cho nhân viên y tế và cả bệnh nhân. Họ có thể dùng kính có chì nhằm bảo vệ mắt tránh khỏi đục thủy tinh thể do bức xạ từ ống kính Lens. Ngoài ra, găng tay vô trùng cũng làm giảm phơi nhiễm phóng xạ đến bàn tay khi thực hiện các thủ thuật.


Thiết bị bảo hộ giúp bác sĩ và kỹ thuật viên X quang giảm phơi nhiễm phóng xạ
Thiết bị bảo hộ giúp bác sĩ và kỹ thuật viên X quang giảm phơi nhiễm phóng xạ

21. Điện thoại di động có gây ung thư không?

Chưa có nghiên cứu nào chứng minh được mối liên hệ giữa việc sử dụng điện thoại di động và ung thư não. Vì điện thoại di động phát ra tần số vô tuyến, đây là một dạng bức xạ không giống như tia X dùng trong chụp X quang và chụp CT. Trong 30 năm qua, số lượng người sử dụng điện thoại di động tăng lên rất cao nhưng nguy cơ bị u não hầu như không thay đổi.

22. Những cách để giảm tiếp xúc với bức xạ y tế là gì?

  • Tránh các cuộc kiểm tra chụp hình không cần thiết
  • Hỏi bác sĩ có thể chọn lựa siêu âm hoặc chụp MRI để thay thế hay không
  • Đến kiểm tra và thăm khám tại những bệnh viện lớn, uy tín
  • Lưu giữ kết quả xét nghiệm để hạn chế phải chụp hình lần nữa khi thay đổi nơi chẩn đoán
  • Tránh những phòng khám nhỏ hoặc cơ sở y tế quá đông đúc, nhân viên ở đây sẽ có xu hướng cho bệnh nhân chụp X quang hoặc CT để rút ngắn thời gian chẩn đoán.

Xung quanh vấn đề “Chụp X quang để làm gì?”, các chuyên gia y tế trên thế giới đều khẳng định rằng chụp X quang và các thăm khám hình ảnh tương tự khác đóng vai trò then chốt trong chẩn đoán, giúp phát hiện nhiều căn bệnh và cứu sống vô số bệnh nhân. Những ứng dụng tích cực mà tia X mang đến vượt xa mọi nguy cơ rủi ro tiềm tàng, không đáng kể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Xrayrisk.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe