Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trường Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Đức đã có hơn 17 năm kinh nghiệm về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.
Chụp cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh hiện đại, đây là một kỹ thuật tạo hình cắt lớp sử dụng từ trường và sóng radio để thực hiện. Chụp cộng hưởng từ có thể phát hiện được các bệnh về thần kinh, cơ xương khớp, ung thư, tim mạch, sản khoa và nhiều bệnh lý khác.
1. Chụp cộng hưởng từ là gì?
Chụp cộng hưởng từ hay còn gọi là chụp MRI là một phương pháp chẩn đoán bệnh bằng cách thu lại hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể. Đây là một kỹ thuật tạo hình cắt lớp sử dụng từ trường và sóng radio. Khi các nguyên tử hydrogen trong cơ thể người dưới tác động của từ trường và sóng radio hấp thụ và phóng thích năng lượng RF. Quá trình phóng thích này được máy thu nhận, xử lý và chuyển đổi các tín hiệu thành hình ảnh.
Hình ảnh cộng hưởng từ có độ tương phản cao, sắc nét và rõ ràng, cho ra hình ảnh chi tiết, giải phẫu tốt và có khả năng tái tạo 3D mang lại hiệu quả chẩn đoán cho bác sĩ đối với bệnh lý của bệnh nhân. Các kỹ thuật mới trong chụp cộng hưởng từ không những cho phép đánh giá về mặt hình ảnh mà còn đánh giá được về mặt chức năng, bản chất hóa học. Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ không sử dụng tia xạ, do đó phương pháp này rất an toàn và được các bác sĩ chuyên môn đánh giá cao trong chỉ định chụp và chẩn đoán bệnh.
Một số ưu điểm của phương pháp chụp cộng hưởng từ bao gồm:
- Nhiều chỉ định khảo sát hơn so với các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh khác
- Không sử dụng tia X hay bức xạ ion
- Hình ảnh có độ sắc nét cao, có khả năng tái tạo 3D sắc nét
- Đánh giá tốt tình trạng tưới máu não hoặc bản chất tổn thương trong u não.
- Đánh giá tốt tình trạng của các cơ quan rất nhỏ bên trong cơ thể như thần kinh, mạch máu.
Tuy nhiên, cần lưu ý chụp cộng hưởng từ không áp dụng cho bệnh nhân đang có thiết bị cấy ghép kim loại bên trong cơ thể. Bởi vì từ trường cao của máy có thể làm hỏng các thiết bị đó. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân phải thông báo tiền sử bệnh lý cho nhân viên y tế. Trước khi tiến hành bệnh nhân sẽ cần phải làm theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế như tháo bỏ trang sức, điện thoại di động,...
2. Chụp cộng hưởng từ phát hiện được những bệnh gì?
Chụp cộng hưởng từ có thể được sử dụng trong hầu hết các chẩn đoán trên các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này có giá trị đặc biệt trong việc chụp ảnh chi tiết não, cơ xương khớp, tim mạch và một số bệnh ung thư,...
2.1 Phát hiện các bệnh về não
Một số tình trạng bệnh lý của não có thể phát hiện bằng phương pháp chẩn đoán chụp cộng hưởng từ như: u nang, khối u não, xuất huyết, phù nề hay các cấu trúc bất thường ở não,... Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ có thể được thực hiện nhằm xác định thông động tĩnh mạch và các tổn thương não do chấn thương hoặc đột quỵ gây ra. Các kỹ thuật mới như cộng hưởng từ tưới máu, cộng hưởng từ phổ, cộng hưởng từ đánh giá sợi trục thần kinh giúp chẩn đoán chuyên sâu các bệnh lý thần kinh.
Phương pháp chụp cộng hưởng từ cho ra hình ảnh các nhu mô não rõ nét, từ đó có thể giúp phát hiện các bệnh mãn tính của hệ thần kinh, phần mà không thể nhìn thấy rõ trên phim chụp X-quang, CT-scan hay siêu âm. Chụp cộng hưởng từ sẽ giúp chẩn đoán chính xác, ít gặp sai sót ở các bệnh lý tuyến yên và thân não.
2.2 Phát hiện các bệnh cơ xương khớp
Chụp cộng hưởng từ là phương pháp tạo ảnh tốt nhất về cơ xương khớp để đánh giá toàn bộ cấu trúc của vùng cơ quan này. Từ đó, những dấu hiệu liên quan tới tổn thương xương, cơ gân, sụn, dây chằng,... sẽ được phát hiện nhanh chóng. Hiện nay, chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp thường được chỉ định trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý sau:
- Viêm xương khớp và các mô mềm như cơ, gân, dây chằng,...
- Thoái hoá khớp, đứt dây chằng chéo, chấn thương khớp như rách sụn chêm, gãy xương,...
- Nhiễm trùng
- Viêm tủy xương
- Các khối u và di căn xương khớp
- Đau sưng phù nề vùng khớp tứ chi.
2.3 Phát hiện các bệnh ung thư
Chụp cộng hưởng từ vùng bụng - chậu để phát hiện các bệnh lý gan, đường mật như: u gan, u đường mật, sỏi mật,... Các bệnh lý tuyến tụy, lá lách, thận, tuyến thượng thận. Các bệnh lý vùng tiểu khung như: ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến, u tử cung, sa âm đạo, các khối u buồng trứng. Đặc biệt đánh giá chính xác giai đoạn của ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư tiền liệt tuyến,... Hơn nữa, chụp cộng hưởng từ tuyến vú sẽ giúp chẩn đoán sớm và chính xác các tổn thương ở tuyến vú như u lành tính, ác tính và các viêm nhiễm tại vú,...
2.4. Ứng dụng chụp cộng hưởng từ trong tim mạch
Giúp đánh giá về mặt hình ảnh giải phẫu và chức năng của các buồng tim, van tim, cơ tim. Đánh giá tưới máu cơ tim. Trong bệnh lý mạch, chụp cộng hưởng từ giúp tạo hình các hệ thống động mach như mạch não, mạch cảnh, mạch chi, mạch thận...
2.5. Một vài các chuỗi xung đặc biệt giúp định lượng sự lắng đọng sắt trong mô gan và tim, định lượng nhiễm mỡ trong gan.
Chụp cộng hưởng từ có độ phân giải tổ chức cao, chụp được nhiều bình diện, có nhiều chuỗi xung thăm khám. Qua đó, nó có thể dễ dàng phát hiện các tổn thương ở mức tế bào, đánh giá được sự thay đổi chức năng của tổ chức. Do vậy, phương pháp chẩn đoán này được xem là một trong những lựa chọn tốt nhất để phát hiện sớm các bệnh lý ung thư.
Ngoài ra, việc sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ còn giúp phát hiện và cảnh báo cũng như phân biệt tổn thương ác tính hay lành tính, những di căn nghiêm trọng hay thông thường của tế bào ung thư. Nhờ đó, các bác sĩ sẽ xây dựng chính xác nhất phác đồ điều trị bệnh cho bệnh nhân, giúp hạn chế tối đa những nguy hiểm do bệnh gây ra.
Tóm lại, chụp cộng hưởng từ là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh bằng cách thu lại hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể, là một kỹ thuật tạo hình cắt lớp sử dụng từ trường và sóng radio. Phương pháp này giúp chẩn đoán phát hiện được các bệnh lý thần kinh, cơ xương khớp, tim mạch, và các bệnh ung thư,... Hơn nữa, chụp cộng hưởng từ không sử dụng tia xạ, do đó phương pháp này rất an toàn và được các bác sĩ chuyên môn đánh giá cao trong chỉ định chụp và chẩn đoán bệnh.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cộng hưởng từ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.