Bài viết bởi Bác sĩ Đặng Mạnh Cường - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn được sử dụng để chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau. MRI sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong cơ thể. MRI không sử dụng tia bức xạ (tia X).
1. Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối là gì?
Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) khớp gối sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cấu trúc trong khớp gối như sụn, xương, gân, dây chằng, cơ, mạch máu. Nó thường được sử dụng để chẩn đoán hoặc đánh giá đau, yếu, phù nề hoặc chảy máu trong và quanh khớp. MRI khớp gối có thể giúp xác định xem bạn có cần phẫu thuật hay không.
2. MRI khớp gối được chỉ định trong trường hợp nào?
Kết hợp với hình ảnh X quang thông thường, MRI là lựa chọn để đánh giá các khớp trong cơ thể trong đó có khớp gối.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối để chẩn đoán hoặc đánh giá trong các trường hợp:
- Đau đầu gối, yếu gối, sưng hoặc chảy máu trong các mô trong và xung quanh khớp gối
- Phá hủy sụn hyalin, sụn chêm, dây chằng hoặc gân
- Chấn thương gối liên quan đến thể thao (như bong gân và rách dây chằng, sụn hoặc gân)
- Gãy xương có thể không nhìn thấy trên X quang và các phương pháp hình ảnh khác
- Viêm khớp
- Tràn dịch khớp gối
- Nhiễm trùng (như viêm tủy xương)
- Khối u (khối u nguyên phát và di căn) liên quan đến xương và khớp
- Xương chết
- Giảm biên độ gập, duỗi khớp gối
- Chấn thương hoặc đau khớp gối
- Các biến chứng liên quan đến thiết bị phẫu thuật cấy ghép
- Đau hoặc chấn thương sau phẫu thuật khớp gối
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp MRI để xác định xem có cần phải nội soi khớp gối hoặc cần một phẫu thuật khác hay không, và để theo dõi quá trình sau phẫu thuật khớp gối.
Một MRI đặc biệt gọi là MR arthrogram, là tiêm chất tương phản từ vào trong khớp để bác sĩ điện quang có thể nhìn rõ hơn về cấu trúc bên trong của khớp gối.
3. Bệnh nhân có cần phải chuẩn bị gì không? Phải chuẩn bị như thế nào?
Bạn có thể cần phải mặc áo choàng của bệnh viện hoặc bạn có thể được mặc quần áo của riêng mình nếu nó rộng rãi và không có ốc vít kim loại.
Bạn được bác sỹ hướng dẫn cụ thể về việc ăn và uống trước khi chụp MRI.
Khi có chỉ định tiêm chất tương phản từ, bạn có thể được hỏi xem nếu bạn bị hen suyễn hay không hoặc có dị ứng với chất tương phản iốt, thuốc, thực phẩm hoặc môi trường hay không? Vì trong thuốc tương phản từ có chất tương phản gọi là gadolinium. Gadolinium có thể được sử dụng ở những bệnh nhân bị dị ứng tương phản iốt. Bệnh nhân ít có khả năng dị ứng với tương phản gadolinium hơn so với cản quang iốt. Tuy nhiên, ngay cả khi bệnh nhân đã biết dị ứng với gadolinium, có thể sử dụng nó sau khi báo cho bác sỹ để bác sỹ cân nhắc.
Nói với kỹ thuật viên hoặc bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc đã phẫu thuật gần đây. Một số tình trạng như bệnh thận nặng, có thể yêu cầu sử dụng các loại tương phản gadolinium đặc biệt được coi là an toàn cho bệnh nhân bị bệnh thận. Bạn có thể cần xét nghiệm chức năng thận để xác định xem thận của bạn có hoạt động bình thường không.
Phụ nữ nên luôn luôn nói với bác sĩ và kỹ thuật viên nếu họ đang mang thai. MRI đã được sử dụng từ những năm 1980 mà không có báo cáo về bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đối với phụ nữ đang mang thai hoặc thai nhi. Tuy nhiên, em bé sẽ ở trong một từ trường mạnh, do đó, phụ nữ mang thai không nên chụp MRI trong ba tháng đầu trừ khi lợi ích của việc chụp rõ ràng vượt xa các rủi ro tiềm ẩn. Phụ nữ mang thai không nên tiêm thuốc tương phản gadolinium trừ khi thực sự cần thiết.
Nếu bạn mắc chứng sợ phòng kín (sợ không gian kín) hoặc lo lắng, bạn có thể yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc an thần nhẹ trước khi khám.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường yêu cầu thuốc an thần hoặc gây mê để hoàn thành chụp MRI mà không di động. Điều này phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, sự phát triển trí tuệ và loại chụp. Bác sỹ chuyên khoa về an thần hoặc gây mê ở trẻ em sẽ có mặt trong quá trình chụp vì sự an toàn của con bạn. Bạn sẽ được cho biết làm thế nào để chuẩn bị cho con của bạn.
Để tất cả đồ trang sức và các phụ kiện khác ở nhà hoặc tháo chúng ra trước khi chụp MRI. Các đồ kim loại và điện tử có thể ảnh hưởng vào từ trường của máy MRI và chúng không được phép mang trong phòng chụp. Chúng có thể gây bỏng hoặc trở thành vật có hại trong phòng máy MRI. Những đồ này bao gồm:
- Đồ trang sức, đồng hồ, thẻ tín dụng và máy trợ thính => tất cả đều có thể bị hỏng
- Ghim, kẹp tóc, dây kéo kim loại và các vật kim loại tương tự, có thể làm biến dạng méo mó hình ảnh MRI.
- Răng giả có thể tháo lắp
- Bút, dao bỏ túi và kính mắt
- Khuyên trên cơ thể
- Điện thoại di động, đồng hồ điện tử và các thiết bị theo dõi.
Trong hầu hết các trường hợp, chụp MRI là an toàn cho bệnh nhân cấy ghép kim loại, ngoại trừ một số loại. Những người có cấy ghép sau đây có thể không được chụp và không nên vào khu vực chụp MRI mà không được đánh giá trước về sự an toàn:
- Một số vật liệu cấy ốc tai
- Một số loại clip được sử dụng cho phình động mạch não
- Một số loại coil kim loại được đặt trong các mạch máu
- Một số máy khử rung tim cũ và máy tạo nhịp tim
Nói với kỹ thuật viên nếu bạn có các thiết bị y tế hoặc thiết bị điện tử trong cơ thể. Các thiết bị này có thể ảnh hưởng vào quá trình chụp hoặc gây rủi ro. Nhiều thiết bị cấy ghép sẽ có một cuốn sách nhỏ giải thích về các rủi ro MRI cho thiết bị cụ thể đó. Nếu bạn có cuốn sách nhỏ, hãy mang nó đến đưa cho bác sỹ chụp cho bạn trước khi thực hiện chụp. MRI không thể được thực hiện mà không có xác nhận và tài liệu về loại cấy ghép (implant) và khả năng tương thích với MRI.
X quang có thể phát hiện và xác định bất kỳ vật kim loại nào. Các vật kim loại được sử dụng trong phẫu thuật chỉnh hình thường không gây rủi ro trong MRI. Tuy nhiên, một khớp nhân tạo được đặt gần đây có thể yêu cầu sử dụng một kỹ thuật hình ảnh khác.
Nói với kỹ thuật viên hoặc bác sĩ X quang về bất kỳ mảnh đạn, viên đạn hoặc kim loại khác có thể có trong cơ thể bạn. Các vật thể lạ ở gần và đặc biệt ở trong mắt là rất quan trọng vì chúng có thể di chuyển hoặc nóng lên trong quá trình quét và gây mù. Thuốc nhuộm (mực xăm) được sử dụng trong hình xăm có thể chứa sắt và có thể nóng lên trong quá trình chụp MRI và gây bỏng. Điều này là hiếm.
Trám răng, niềng răng, phấn mắt và mỹ phẩm khác thường không bị ảnh hưởng bởi từ trường. Tuy nhiên, chúng có thể làm biến dạng hình ảnh của vùng mặt hoặc não. Nói cho bác sĩ X quang về chúng.
4. Quy trình thực hiện thế nào?
Kỹ thuật này có thể thực hiện được với cả các bệnh nhân ngoại trú
- Bạn sẽ được định vị trên bàn di chuyển. Dây đeo và vòng đệm có thể được sử dụng để giúp bạn nằm yên và cố định vị trí của bạn.
- Khớp gối được đặt trong một thiết bị gọi là coil có chứa cuộn dây gửi và nhận xung tần số vô tuyến để thu nhận tín hiệu tạo ra hình ảnh.
- Nếu dùng chất tương phản từ, bác sỹ, y tá hoặc kỹ thuật viên sẽ đặt ống thông tĩnh mạch vào tĩnh mạch ở cánh tay của bạn để sử dụng để tiêm chất tương phản từ.
- Bạn sẽ được đặt vào trong khối nam châm của MRI máy. Kỹ thuật viên sẽ thực hiện chụp với một trạm máy tính bên ngoài phòng MRI.
- Khi quá trình chụp hoàn tất, bạn có thể được yêu cầu đợi trong khi bác sĩ X quang kiểm tra lại các hình ảnh chụp xem có đạt yêu cầu không.
- Đường truyền tĩnh mạch sẽ được rút ra khi quá trình chụp kết thúc.
- Toàn bộ quá trình chụp mất khoảng 30-40 phút.
- Nếu con bạn cần phải dùng thuốc an thần để chụp MRI, bạn có thể phải đến sớm để bác sỹ khám con bạn để đánh giá trước khi dùng thuốc an thần. Con bạn có thể cần phải ở lại thêm thời gian để được theo dõi khi thuốc an thần hết hiệu lực.
- Ở những bệnh nhân chỉ định tiêm thuốc tương phản nội khớp, chất tương phản được tiêm vào trong khớp và chụp MRI để hình ảnh các cấu trúc khớp được chi tiết hơn.
5. Bạn sẽ cảm nhận thế nào trong và sau khi chụp MRI?
Hầu hết các khám xét MRI là không đau. Tuy nhiên có một vài bệnh nhân khó chịu với những lý do sau:
- Cảm thấy ngột ngạt khi ở trong máy quét MRI (hội chứng buồng kín - clautrophobic). Vì vậy một số bệnh nhân lo lắng thì cần thấy phải dùng thuốc an thần
- Cảm thấy ồn ào khi máy MRI phát xung
- Khu vực bạn nằm bạn có thể cảm thấy hơi nóng, nhưng đó là điều bình thường. Nếu điều đó làm phiền bạn, hãy thông báo cho bác sĩ X quang hoặc kỹ thuật viên. Điều quan trọng là bạn vẫn phải hoàn toàn nằm yên trong chụp.
Bạn sẽ biết khi nào hình ảnh được ghi lại vì bạn sẽ nghe và cảm thấy tiếng gõ lớn phát ra khi các cuộn dây tạo ra các xung tần số vô tuyến được kích hoạt. Một số trung tâm cung cấp nút tai, trong khi những trung tâm khác sử dụng tai nghe để giảm cường độ âm thanh do máy MRI tạo ra. Bạn sẽ có thể thư giãn giữa các đợt phát xung, nhưng vẫn phải giữ nguyên vị trí của bạn mà không cần di chuyển nhiều nhất có thể.
Bạn thường sẽ ở một mình trong phòng MRI. Tuy nhiên, kỹ thuật viên vẫn có thể nhìn, nghe và nói chuyện với bạn mọi lúc bằng cách sử dụng máy liên lạc hai chiều. Nếu bạn lo lắng cần người thân bên cạnh, bạn có thể yêu cầu miễn là họ cũng được kiểm tra về an toàn trước khi vào phòng MRI.
Trẻ em sẽ được đeo nút tai hoặc tai nghe có kích thước phù hợp trong khám xét. Âm nhạc có thể được phát qua tai nghe để giúp bạn vượt qua thời gian nằm chụp lâu.
Nếu bạn có một chỉ định chụp có tiêm chất cản quang tiêm tĩnh mạch, bạn cảm thấy cảm giác nóng bừng trong một hoặc hai phút sau khi tiêm là bình thường.
Kim luồn đặt tĩnh mạch có thể gây cho bạn một số khó chịu khi nó được đưa vào và được lấy ra, bạn có thể gặp một số vết bầm tím. Cũng có thể có rất ít trường hợp gây kích ứng da của bạn tại vị trí đặt kim luồn tĩnh mạch.
Nếu bạn chưa được gây mê, không cần thời gian theo dõi sau chụp. Bạn có thể tiếp tục hoạt động và chế độ ăn uống bình thường ngay sau chụp.
Một số bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ từ chất tương phản từ, bao gồm buồn nôn và đau khu trú. Rất hiếm khi, bệnh nhân bị dị ứng với chất tương phản từ và bị nổi mề đay, ngứa mắt hoặc các phản ứng dị ứng khác. Nếu bạn gặp các triệu chứng dị ứng, bác sĩ X quang hoặc bác sĩ khác sẽ sẵn sàng xử trí ngay lập tức.
6. Lợi ích và nguy cơ của phương pháp này là gì?
Lợi ích:
- MRI là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn, không có phơi nhiễm bức xạ.
- MRI đã được chứng minh là có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý khớp, bao gồm gân, dây chằng, cơ, sụn và các bất thường xương không thể nhìn thấy trên X quang hoặc CT scan.
- MRI có thể giúp xác định bệnh nhân nào bị chấn thương đầu gối cần phẫu thuật.
- MRI có thể giúp chẩn đoán gãy xương khi chụp x-quang và các phương pháp không kết luận được.
- MRI cung cấp phương pháp không xâm lấn thay thế cho X-quang, chụp động mạch và CT scanner để chẩn đoán các bệnh lý mạch máu.
Nguy cơ:
- Việc chụp MRI hầu như không gây rủi ro cho bệnh nhân nếu tuân thủ các hướng dẫn an toàn phù hợp.
- Mặc dù bản thân từ trường mạnh không có hại, nhưng các thiết bị y tế cấy ghép có chứa kim loại có thể bị hỏng hoặc gây biến dạng hình ảnh trong khi chụp MRI.
- -Xơ hóa thận hệ thống là một biến chứng được công nhận nhưng hiếm gặp, có liên quan đến tiêm thuốc tương phản gadolinium. Nó thường xảy ra ở những bệnh nhân bị suy thận nặng. Bác sĩ sẽ đánh giá xét nghiệm chức năng thận của bạn trước khi xem xét tiêm thuốc tương phản từ.
- Bạn có thể bị phản ứng dị ứng nếu dùng thuốc tương phản từ. Phản ứng như vậy thường nhẹ và được kiểm soát bằng thuốc. Nếu bạn có phản ứng dị ứng, bác sĩ sẽ sẵn sàng hỗ trợ ngay lập tức.
- Các nhà sản xuất thuốc tương phản từ cho biết: các bà mẹ không nên cho con bú trong 24-48 giờ sau khi dùng chất tương phản từ. Tuy nhiên, cẩm nang hướng dẫn gần đây của Trường đại học điện quang Mỹ (ACR) nghiên cứu cho thấy chất tương phản từ được trẻ sơ sinh hấp thụ trong thời gian cho con bú là rất thấp.
7. Hạn chế của MRI khớp gối
- Muốn có hình ảnh chất lượng cao, không bị rung, bạn phải nằm yên trong khi hình ảnh đang được ghi lại. Nếu bạn đang đau hoặc lo lắng thì khó có thể nằm yên và hình ảnh sẽ bị mờ
- Những người quá nặng thì có thể không phù hợp với một số loại máy MRI thông thương. Có giới hạn trọng lượng trên máy chụp
- Cấy ghép và các vật kim loại khác có thể làm cho hình ảnh không được rõ ràng. Chuyển động của bệnh nhân có thể có tính chất tương tự. Trong một số trường hợp, giảm xảo ảnh kim loại được thực hiện ở những bệnh nhân có cấy ghép phẫu thuật kim loại ở đầu gối.
- Mặc dù không có bằng chứng nào về việc MRI gây hại cho thai nhi, nhưng phụ nữ mang thai không nên đi khám MRI trong ba tháng đầu trừ khi cần thiết về mặt y khoa.
- MRI thường tốn nhiều chi phí hơn và mất nhiều thời gian chụp hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org
XEM THÊM:
- Ứng dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) trong chẩn đoán chấn thương khớp gối
- Chụp MRI – phương pháp "vàng" chẩn đoán chính xác thoát vị đĩa đệm
- Lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Vinmec sử dụng máy chụp cộng hưởng từ công nghệ Silent