Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Chiến - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chụp cắt lớp vi tính mạch máu chi dưới là phương pháp chẩn đoán hình ảnh khảo sát hệ mạch máu ít xâm lấn và cho hiệu quả chẩn đoán cao.
Chụp CT mạch máu chi dưới có thể khảo sát được đầy đủ hệ động mạch ở hai chân và các nhánh của nó với 1 lần chụp. Phương pháp này thường được chỉ định khi bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ và những biểu hiện lâm sàng gợi ý các bệnh mạch máu chi dưới. Máy chụp cắt lớp vi tính được sử dụng trong trường hợp này nên là loại đa dãy với ít nhất 64 dãy do tốc độ dòng chảy của máu bên trong các mạch máu khá lớn.
1. Trường hợp nào nên được chụp cắt lớp vi tính mạch máu chi dưới?
Khi người bệnh là đối tượng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý mạch máu chi dưới hoặc có những biểu hiện lâm sàng gợi ý mắc bệnh, chụp cắt lớp vi tính mạch máu chi dưới nên được ưu tiên lựa chọn trong những bước chẩn đoán và đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh. Một số bệnh lý mạch máu chi dưới có thể được chẩn đoán nhờ vào chụp cắt lớp vi tính mạch máu chi dưới bao gồm:
● Thuyên tắc mạch cấp tính hoặc mãn tính gây hẹp lòng và thiếu máu nuôi dưỡng hai chi dưới.
● Dị dạng mạch máu – phình mạch.
● Đánh giá giải phẫu bình thường và bất thường của hệ động mạch chi dưới.
Ngoài ra, chụp cắt lớp vi tính mạch máu chi dưới còn được ứng dụng trong việc đánh giá hiệu quả của các phương pháp tái thông hệ mạch máu chi dưới trong bệnh thuyên tắc mạch chi cấp tính như sau khi đặt stent thông nối.
Chụp cắt lớp vi tính hệ mạch máu chi dưới là kỹ thuật không xâm lấn nên khá an toàn. Hiện nay, chụp cắt lớp vi tính hệ mạch máu chi dưới không có chống chỉ định tuyệt đối cho bất kỳ đối tượng nào. Một số người được khuyến cáo không nên tiến hành chụp cắt lớp vi tính nói chung và chụp cắt lớp vi tính hệ mạch máu chi dưới nói riêng bao gồm:
● Phụ nữ nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai những tháng đầu thai kỳ
● Người có tiền sử dị ứng thuốc cản quang
● Người mắc các bệnh lý nội khoa mãn tính như suy thận, hen phế quản, suy gan
2. Chụp cắt lớp vi tính hệ mạch máu chi dưới được tiến hành như thế nào?
Chụp cắt lớp vi tính hệ mạch máu chi dưới nên được thực hiện một cách tuần tự từ khâu chuẩn bị đến khâu chụp và đánh giá kết quả. Điều này giúp đảm bảo cả chất lượng hình ảnh thu được và sự an toàn của người bệnh. Quy trình thực hiện chụp cắt lớp vi tính hệ mạch máu chi dưới bao gồm các bước sau:
● Chuẩn bị phương tiện và dụng cụ: Máy chụp cắt lớp vi tính khảo sát hệ mạch máu chi dưới cần là máy đa dãy với ít nhất 64 dãy để phù hợp với tốc độ dòng chảy cao trong các động mạch. Ngoài ra, trước khi thực hiện cần chuẩn bị một số loại vật tư y tế khác như thuốc cản quang, nước muối sinh lý, cồn sát khuẩn, bơm tiêm, bông, gạc, hộp thuốc chống sốc sẵn sàng cho các trường hợp có tai biến xảy ra trong và sau khi kết thúc kỹ thuật.
● Chuẩn bị người bệnh: Đây là bước quan trọng không được bỏ sót trên lâm sàng. Người bệnh cần được hướng dẫn và tư vấn về các bước sẽ thực hiện cũng như những tai biến có thể xảy ra khi đồng ý tiến hành chụp cắt lớp vi tính hệ mạch máu chi dưới. Trước khi vào phòng chụp, người bệnh sẽ được yêu cầu tháo bỏ toàn bộ trang sức và vật dụng cá nhân, thay quần áo phòng chụp. Dặn dò người bệnh nhịn ăn 4 tiếng trước khi thực hiện kỹ thuật. Trong trường hợp người bệnh quá hồi hộp và lo lắng, một số cơ sở y tế có thể đồng ý cho một người nhà vào cùng với người bệnh (có mặc quần áo bảo hộ) hoặc sử dụng thuốc an thần để người bệnh hợp tác hơn trong suốt quá trình chụp cắt lớp vi tính.
● Cài đặt thông số cơ bản cho máy chụp cắt lớp vi tính bao gồm: Thông tin hành chính của người bệnh như họ tên, năm sinh, quê quán; thiết lập độ dày của từng lát cắt và khoảng cách tối thiểu giữa chúng. Cửa sổ quan sát hình ảnh phù hợp với mật độ mô của mạch máu.
● Đặt người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp với hai chân duỗi thẳng hướng về phía buồng chụp của máy và đầu ở phía ngược lại. Hai tay nên được đặt ở mức ngang đầu. Thiết lập hai đường truyền ở tĩnh mạch ngoại vi, nên tránh thao tác ở hai chi dưới. Điều khiển bàn chụp về phía máy và định vị vị trí cần chụp.
● Cắt các lát hình ảnh theo phương ngang và phương thẳng đứng với độ dày trung bình mỗi lát cắt khoảng 1mm. Thực hiện các lát cắt khi chưa tiêm thuốc cản quang trước, theo sau với những hình ảnh ở các thì khác nhau sau khi bơm thuốc cản quang qua đường tĩnh mạch.
● Đánh giá hình ảnh sau chụp: Hình sau chụp là hình được dựng lại trên không gian ba chiều dựa vào các lát cắt ngang đã chụp trước đó và quá trình xử lý thông qua hệ thống máy và các phần mềm chuyên dụng. Hình ảnh đạt chuẩn cần bao gồm đủ các thành phần cấu trúc giải phẫu của hệ mạch máu chi dưới. Các tổn thương dạng chít hẹp, thuyên tắc, xơ vữa, dị dạng, túi phình cần được tái hiện rõ trên phim chụp giúp chẩn đoán được nhiều bệnh mạch máu hai chi dưới.