Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Thụ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến sử dụng tia X với cường độ lớn hơn phim chụp X-quang để khảo sát hình ảnh các cấu trúc bên trong lồng ngực. Đây là phương tiện có nhiều ưu điểm và dần trở thành công cụ hỗ trợ trong việc chẩn đoán, phát hiện và theo dõi các bệnh lý tại lồng ngực, tim, phổi và trung thất. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc cản quang chụp CT lồng ngực khi cần đánh giá tình trạng bắt thuốc của các cấu trúc bất thường, từ đó đưa ra các nhận định chính xác hơn.
1. Tổng quan về chụp cắt lớp vi tính lồng ngực
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực còn được gọi là chụp CT lồng ngực là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X với cường độ cao chiếu trực tiếp vào lồng ngực. Hình ảnh thu được là kết quả của việc xử lý điện tử thực hiện qua hệ thống máy vi tính được cài đặt sẵn với chất lượng hình ảnh tốt và cung cấp nhiều thông tin chi tiết. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1972 do bác sĩ Allan Cormack và nhà vật lý học Godfrey Hounsfield. Từ đó đến nay, chụp CT lồng ngực ngày càng được chỉ định rộng rãi và thay thế dần phim chụp X-quang lồng ngực trong một số các bệnh lý.
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thời gian tiến hành khá nhanh và mang lại chất lượng hình ảnh chi tiết khi đánh giá các tổn thương tại thành ngực, xương sườn, màng phổi, phổi, hệ mạch máu phổi, tim và các cơ quan bên trong trung thất. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có ưu điểm vượt trội trong việc phát hiện ra các bệnh lý hay tổn thương bị bỏ sót trên phim chụp Xquang lồng ngực do các cơ quan chồng lấp lên nhau. Các bệnh lý ác tính nguyên phát tại lồng ngực hoặc di căn từ các cơ quan khác trong cơ thể, các trường hợp bệnh cấp tính như bóc tách động mạch, khối phồng mạch máu dọa vỡ cũng có thể được khảo sát tốt bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính lồng ngực.
2. Chỉ định và chống chỉ định của chụp cắt lớp vi tính lồng ngực
Bác sĩ chỉ định phương pháp chụp cắt lớp vi tính lồng ngực khi muốn khảo sát, đánh giá các bất thường liên quan các cấu trúc bên trong lồng ngực, bao gồm xương sườn, thành ngực, nhu mô phổi, màng phổi, hệ mạch máu phổi, tim và các đại động mạch, các cấu trúc bên trong trung thất. Một số các tình huống có thể cần chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thường thấy trên lâm sàng như:
● Người bệnh đau ngực âm ỉ, kéo dài không giải thích được hoặc đau nhức toàn bộ khung xương sườn.
● Khi mắc các bệnh lý ác tính ở các cơ quan khác trong cơ thể như tiêu hóa, gan, người bệnh thường được chỉ định chụp cắt lớp vi tính lồng ngực để phát hiện tình trạng di căn nếu có.
● Sau các chấn thương ngực kín, xuất hiện các mảng bầm tím lớn ở ngực do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt.
● Chấn thương ngực hở do súng đạn bắn hoặc dao chém
● Đánh giá tình trạng chèn ép khi có các khối u trong lồng ngực
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực là phương pháp chẩn đoán hình ảnh khá an toàn và không có trường hợp nào chống chỉ định thực hiện tuyệt đối. Tuy nhiên, kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính lồng ngực được khuyến cáo không nên được chỉ định ở một số các đối tượng như:
● Người có tiền sử dị ứng thuốc cản quang không nên được chỉ định tiêm thuốc cản quang chụp CT lồng ngực.
● Phụ nữ nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai trong ba tháng đầu vì tia X có nguy cơ gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi
● Người mắc bệnh thận mãn tính, suy thận không được sử dụng thuốc cản quang khi tiến hành chụp CT lồng ngực.
3. Cần chuẩn bị gì trước khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính lồng ngực?
Để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, người bệnh trước khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cần ghi nhớ và tuân thủ một vài lưu ý sau:
● Cần nhịn ăn uống ít nhất 4 giờ trước khi bắt đầu thực hiện kỹ thuật
● Báo ngay với nhân viên y tế nếu nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự phơi nhiễm tia X trong ba tháng đầu thai kỳ có nguy cơ làm tăng khả năng xuất hiện các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
● Khai báo về tình trạng mắc các bệnh lý nội khoa mãn tính như bệnh tim mạch, bệnh thận, đái tháo đường, hen phế quản, đặc biệt lưu ý về tiền sử dị ứng thuốc cản quang
● Tháo bỏ các trang sức và đồ dùng cá nhân làm bằng kim loại trước khi vào phòng chụp
● Thay đồng phục theo yêu cầu của nhân viên y tế
● Làm theo hướng dẫn của kỹ thuật của nhân viên tại phòng chụp trong việc giữ nguyên tư thế và hô hấp theo nhịp đếm.
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi vào phòng chụp cắt lớp vi tính lồng ngực giúp hạn chế được các biến chứng và tai biến trong và sau khi chụp như dị ứng với thuốc cản quang, suy thận cấp mặc dù tỷ lệ của chúng thường không cao.
4. Quy trình chụp cắt lớp vi tính lồng ngực
Các bước tiến hành của kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cần được diễn ra đúng theo thứ tự nhằm đảm bảo chất lượng hình ảnh thu được cũng như sự an toàn của người bệnh. Quy trình thực hiện chụp cắt lớp vi tính lồng ngực bao gồm các bước sau:
● Chuẩn bị phương tiện dụng cụ: bao gồm các máy móc cơ bản như máy chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt, hộp thuốc chống sốc, thuốc cản quang, nước muối sinh lý, bơm tiêm, bông gạc.
● Chuẩn bị người bệnh: rà soát hồ sơ người bệnh để đảm bảo đúng thông tin hành chính như họ tên, lứa tuổi, nghề nghiệp và quê quán. Người bệnh cần được giải thích và tư vấn về các bước được thực hiện tiếp theo. Bệnh nhân cần được hướng dẫn đặt ở tư thế nằm ngửa, 2 tay kê ngang đầu và bộc lộ vùng ngực cần khảo sát.
● Tiến hành chụp: thiết lập bề dày lát cắt trung bình từ 5 mm đến 10 mm. Quan sát lồng ngực của người bệnh từ hướng ngang và hướng trước sau với các cửa sổ ảnh khác nhau bao gồm cửa sổ xương, cửa sổ nhu mô và cửa sổ trung thất. Nếu tiến hành tiêm thuốc cản quang chụp CT lồng ngực, người bệnh sẽ được chuẩn bị đường truyền và thuốc cản quang được sử dụng theo đường tĩnh mạch. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc cản quang được chỉ định chủ yếu trong các bệnh lý ung thư phổi, màng phổi và các bất thường mạch máu.
● Đánh giá phim chụp: kết quả thu được sau cùng là phim chụp cắt lớp vi tính được đánh giá qua các thông số như độ rộng khu vực khảo sát, độ nét, độ tương phản và mức độ chi tiết của các cấu trúc trong lồng ngực.
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại cho phép các bác sĩ quan sát hình ảnh các cấu trúc bên trong lồng ngực hỗ trợ trong việc chẩn đoán, phát hiện và theo dõi các bệnh lý tại lồng ngực, tim, phổi và trung thất.