Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Hậu - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chụp cắt lớp vi tính (CLVT) tai - xương đá là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có giá trị cao trong thăm khám cận lâm sàng các bệnh lý liên quan đến tai - xương đá, đặc biệt có giá trị rất lớn trong đánh giá cấu trúc tai trong trước khi đặt điện cực ốc tai ở trẻ em đối với những bé có điếc bẩm sinh, điếc đột ngột hoặc đánh giá các cấu trúc xương con của tai. Phương pháp này có thể đánh giá được hình thái, giải phẫu cũng như các bệnh lý liên quan đến các thành phần của tai như tai ngoài, tai giữa và tai trong, phát hiện được các bệnh lý thường gặp như viêm tai giữa, cholestetoma, viêm tai xuất ngoại ở trẻ em, ... cũng như các bệnh lý về xương như loạn sản xơ xương, u xương, vôi hóa ốc tai, tiền đình và các ống bán khuyên, có thể gây cản trở trong quá trình đặt điện cực.
Đối với các trường hợp sau đặt điện cực ốc tai, thường không thể đánh giá được bằng chụp MRI do từ lực của máy có thể ảnh hưởng tới điện cực. Vì vậy, chụp CLVT và chụp X quang thường quy là phương pháp tốt để đánh giá vị trí của điện cực sau đặt. X quang thường được áp dụng đặc biệt ở trẻ em do thời gian thực hiện ngắn và liều chiếu xạ thấp. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác vị trí của điện cực thì phim X quang còn hạn chế so với chụp CLVT. Đối với các trường hợp người lớn hoặc nghi ngờ lệch điện cực không đánh giá được bằng Xquang thì chụp CLVT là lựa chọn thích hợp.
1. Chỉ định và chống chỉ định chụp cắt lớp vi tính tai - xương đá
1.1. Chỉ định
- Những dấu hiệu bất thường bẩm sinh của tai về hình thái hoặc điếc bẩm sinh.
- Chấn thương, viêm, nhiễm trùng tai.
- Khả năng nghe kém, chóng mặt, ù tai.
- Tổn thương tai do u.
- Kiểm tra lại sau khi đặt điện cực ốc tai.
1.2. Chống chỉ định
Phương pháp chụp cắt lớp vi tính tai - xương đá không có chống chỉ định tuyệt đối mà chỉ có chống chỉ định tương đối do nguy cơ nhiễm xạ thấp. Nếu bệnh nhân không thể thực hiện kỹ thuật thì có thể thay thế bằng chụp cộng hưởng từ MRI.
- Phụ nữ có thai dưới 3 tháng cần cân nhắc trước khi chụp, nếu thực hiện cần có biện pháp bảo vệ vùng bụng.
- Trẻ nhỏ cần hạn chế, chỉ nên chụp trong trường hợp bắt buộc.
2. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi chụp cắt lớp vi tính tai - xương đá
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bệnh án, giấy chỉ định chụp cắt lớp vi tính tai - xương đá.
- Khai thác một số thông tin lâm sàng cơ bản liên quan đến việc khám chữa bệnh.
- Chuẩn bị tâm lý trước khi thực hiện phương pháp không nên quá lo lắng để ảnh hưởng đến tâm lý. Trong quá trình chụp cần nằm yên để hình ảnh chụp không bị gây nhiễu.
- Tháo bỏ những vật dụng kim loại làm ảnh hưởng đến hình ảnh chụp cắt lớp như kẹp tóc, khuyên tai, dây chuyền.
- Nên nhịn ăn trước khi chụp 4 tiếng đối với trường hợp cần tiêm thuốc. Nếu chụp để đánh giá trước hoặc sau khi đặt điện cực thì không cần thiết nhịn ăn.
3. Vật tư y tế chuẩn bị cho chụp cắt lớp vi tính tai - xương đá
- Máy chụp cắt lớp vi tính có dãy thích hợp (16 dãy trở lên)
- Máy bơm điện chuyên dụng để kiểm soát vận tốc tiêm thuốc.
- Hệ thống lưu trữ hình ảnh.
- Kim tiêm dung tích 10ml, 20ml. Mũi tiêm loại 18-20G (nếu cần tiêm thuốc). Những trường hợp cần tiêm thuốc là do bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đưa ra quyết định và bàn bạc với bác sĩ lâm sàng.
- Thuốc đối quang iod tan trong nước.
- Dung dịch sát khuẩn da và niêm mạc.
- Nước cất hoặc muối sinh lý.
- Găng tay, mũ, khẩu trang, bông gạc phẫu thuật
- Bộ khay quả đậu, kẹp phẫu thuật.
- Hộp dụng cụ cấp cứu trong trường hợp tai biến sau khi tiêm thuốc đối quang.
4. Các bước tiến hành chụp cắt lớp vi tính tai - xương đá
Đầu tiên, bệnh nhân được giải thích quá trình chụp, không cần nhịn ăn nếu chụp không tiêm thuốc cản quang.
Bệnh nhân vào phòng chụp, đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa trên bàn chụp, đầu đặt bên trong giá đỡ sọ hướng vào gantry, chân hướng ra bên ngoài.
Tiến hành nhập thông tin của bệnh nhân, chọn trình chụp dành riêng cho tai – xương đá và các thông số thích hợp.
Quá trình chụp đối với máy CLVT hiện đại đa dãy vùng tai xương đá chỉ trong vòng 1-2 phút là kết thúc. Các lát cắt được dựng hình theo các hướng axial và coronal để đánh giá giải phẫu và các tổn thương bệnh lý.
Kỹ thuật chụp
Chọn trường cắt ngang axial:
- Mặt phẳng cắt cần song song với khẩu cái cứng.
- Lấy từ mỏm trâm tới bờ trên của xương thái dương.
- Phần dưới từ bờ dưới nền sọ, phần trên kết thúc ở vị trí bờ trên vành tai hoặc hết phần xương chũm.
- Độ dày lớp cắt nhỏ hơn 1mm
Chụp hướng cắt đứng ngang:
- Đổi tư thế nằm của bệnh nhân thành nằm ngửa đầu tối đa hoặc sấp ngửa đầu tối đa.
- Chụp định vị mặt phẳng cắt vuông góc với mặt phẳng ngang, vị trí từ bờ trước tời bờ sau của xương đá.
- Độ dày mỗi lớp cắt cũng không được quá 1mm
- Nên thực hiện cắt xoắn ốc, bước nhảy bằng với độ dày xoắn ốc.
Trước kia đối với các máy CLVT 2 dãy thì phải cắt theo hai hướng, hiện nay cùng với sự phát triển của công nghệ, các máy CLVT đa dãy ra đời góp phần làm giảm bớt thời gian chụp, giảm mức độ nhiễm tia xạ cũng như đem lại chất lượng hình ảnh tốt nhất.
In phim
Nhận định kết quả chụp
- Trước khi đặt điện cực: Đánh giá các cấu trúc của tai là bình thường hay bất thường, có sự thay đổi nào ảnh hưởng tới quá trình phẫu thuật hay không.
- Sau khi đặt điện cực: vị trí của điện cực đặt như thế nào?
- Thông qua hình ảnh chụp mô tả vị trí, cấu trúc, kích thước, sự lan rộng của tổn thương.
- Đối chiếu kết quả chụp cắt lớp vi tính với thăm khám lâm sàng.
- Đưa các định hướng chẩn đoán và các phương pháp thăm khám phối hợp khác nếu cần.
5. Tai biến và xử trí
- Khi chụp cắt lớp vi tính tai - xương đá cho trẻ em gặp khá nhiều khó khăn do bé không chịu hợp tác trong quá trình chụp. Tùy từng trường hợp có thể sử dụng thuốc ngủ hoặc thuốc ăn thần theo liều lượng thích hợp.
- Trường hợp bệnh nhân không nằm ngửa để chụp lớp cắt đứng ngang thì có thể tái tạo hình ảnh từ hướng cắt ngang. Để việc tại tạo diễn ra dễ dàng thì nên chụp lớp cắt ngang mỏng nhất có thể.
- Bệnh nhân bị dị ứng hoặc sốc thuốc đối quang tùy theo mức độ mà có hướng xử trí khác nhau (chỉ đối với trường hợp chụp có tiêm thuốc cản quang đường tĩnh mạch).