Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Chụp cắt lớp (hay còn gọi là chụp CT) chia làm hai cách chụp, gồm chụp có dùng thuốc cản quang hoặc chụp không dùng thuốc cản quang. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và sức khỏe người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định có sử dụng có sử dụng thuốc cản quang hay không. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chụp cắt lớp có tiêm thuốc cản quang.
1. Tìm hiểu về thuốc cản quang dùng trong chụp CT
Thuốc cản quang là những dung dịch có chứa Iod, được bác sĩ chỉ định đưa vào cơ thể khi chụp CT. Loại thuốc này làm tăng cường mức độ tương phản giữa tổn thương và mô lành xung quanh khi tiến hành chụp cắt lớp. Nói một cách dễ hiểu hơn, thuốc cản quang làm cho cấu trúc hoặc tổn thương bắt thuốc sẽ có màu trắng sáng trên hình chụp CT, nhờ vậy các bác sĩ dễ quan sát hơn trên hình ảnh thu về.
Vì thế, chụp CT có thuốc cản quang sẽ giúp làm rõ hơn một mô hoặc tổn thương, từ đó nâng cao tính chính xác trong chẩn đoán chụp cắt lớp. Việc sử dụng loại thuốc này rất hiệu quả bởi nó không giới hạn khu vực mô hoặc tổn thương cần kiểm tra của người bệnh.
Ngoài những ưu điểm thì việc sử dụng thuốc cản quang trong chụp cắt lớp cũng có một số nhược điểm nhất định, đó là sau khi thuốc được đưa vào cơ thể bệnh nhân có thể sẽ gây ra một số phản ứng phụ. Tuy nhiên, các tác dụng phụ xảy ra do sử dụng thuốc cản quang về cơ bản chỉ gây ra một số khó chịu và bất tiện cho cơ thể bệnh nhân nhưng thường không đe dọa về tính mạng cho người bệnh. Các triệu chứng do tác dụng phụ của thuốc thường xuất hiện như buồn nôn, sốt nhẹ hoặc mẩn ngứa, nổi mề đay, đỏ da,...
Trải qua quá trình thăm khám trước khi chụp CT, nếu bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị dị ứng với thuốc cản quang nghiêm trọng hơn mức bình thường thì bệnh nhân sẽ không được chỉ định dùng loại thuốc này. Bác sĩ thường xem xét thông qua việc bệnh nhân có dị ứng với i-ốt hay không để nhận biết bệnh nhân có hay không dị ứng với thuốc cản quang.
2. Những trường hợp chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc cản quang khi chụp CT?
2.1. Chỉ định dùng thuốc cản quang khi chụp CT
Dưới đây là những trường hợp được chỉ định sử dụng thuốc cản quang trong quá trình chụp cắt lớp:
- Để chẩn đoán chính xác hơn cho các bệnh nhân bị viêm nhiễm nội tạng hoặc bị áp xe thì bác sĩ sẽ tiến hành đưa thuốc cản quang vào cơ thể người bệnh.
- Một số các bệnh lý liên quan đến mạch máu như bị phình mạch, dị dạng mạch máu hoặc bóc tách mạch máu đều cần được chẩn đoán kỹ càng thông qua phương pháp chụp CT.
- Đối với những bệnh nhân đang nghi ngờ có khối u thì bác sĩ sẽ phải đánh giá một cách rõ ràng hơn về cấu trúc và tính chất của khối u, vậy nên tiêm thuốc cản quang là điều cần thiết.
- Vì khoang bụng rộng và khó để quan sát nên bệnh nhân cần chụp cắt lớp bộ phận này sẽ được yêu cầu sử dụng thêm thuốc cản quang để làm đơn giản hóa quá trình quan sát vùng tổn thương sau khi thu được ảnh chụp CT.
Ngoài ra những trường hợp bệnh đặc biệt yêu cầu độ chính xác cao trong hình ảnh chẩn đoán như kiểm tra mức độ vôi hóa, tìm nguồn mạch nuôi hay xác định vùng cần tưới máu,... đều cần chụp CT để kiểm tra.
2.2. Chống chỉ định dùng thuốc cản quang khi chụp CT
Thuốc cản quang sẽ được chống chỉ định sử dụng khi chụp CT với các trường hợp sau:
- Phụ nữ đang trong thời kì mang thai.
- Bệnh nhân dị ứng với thuốc cản quang hoặc cơ địa dị ứng. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc cản quang thì bệnh nhân cần dùng thuốc kháng histamin hoặc steroid trước khi chụp, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn phương tiện hồi sức.
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý mãn tính như cường giáp, đái tháo đường, hồng cầu hình liềm, hen suyễn.
- Bệnh nhân bị đa u tủy.
- Bệnh nhân bị suy tim mất bù hoặc suy gan.
- Bệnh nhân suy thận nặng cấp độ 3, 4. Trường hợp buộc phải dùng thuốc cản quang thì ngay sau khi tiêm thuốc bệnh nhân cần được chạy thận nhân tạo.
3. Tổng liều lượng và tốc độ tiêm thuốc cản quang được tiêm vào cơ thể khi chụp CT
3.1. Tổng liều thuốc cản quang được tiêm vào cơ thể
Liều chuẩn sử dụng thuốc cản quang khi chụp cắt lớp thường được quy chiếu theo cân nặng của bệnh nhân:
- Dưới 75kg: 100cc
- Từ 75-90kg: 120cc
- Trên 90kg: 150cc
Tuy nhiên trong vài trường hợp bệnh nhân chụp CT nhằm mục đích tìm ung thư tuyến tụy hay tìm di căn gan thì các bác sĩ có thể sử dụng liều tối đa là 150cc.
3.2. Tốc độ tiêm thuốc cản quang vào cơ thể
- 5cc/giây nếu dùng kim tiêm 18G trong hầu hết các chỉ định.
- 3-4cc/giây nếu dùng kim tiêm 20G trong trường hợp không thể tiêm nhanh 5cc/giây hoặc khi không cần (ví như trường hợp bác sĩ chỉ muốn xem thì tĩnh mạch cửa muộn).
4. Những điều cần lưu ý khi chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang
4.1. Trước khi chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang cần lưu ý điều gì?
Trước khi thực hiện chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang, bác sĩ và người bệnh cần trao đổi một cách tỉ mỉ về các nguy cơ có thể gặp phải, khai thác tiền sử bệnh, khám lâm sàng. Đồng thời, bệnh nhân phải chủ động báo với bác sĩ về tình trạng của mình nếu ở trong các trường hợp dưới đây:
- Tiền sử bệnh: Đặc biệt là bệnh thận, bệnh hen suyễn, bệnh tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp, bệnh tuyến giáp, ..., các loại thuốc đang sử dụng, các can thiệp tim mạch hoặc các loại máy cấy ghép trong cơ thể hiện tại.
- Có tiền sử dị ứng thuốc từ trước cần thông báo chi tiết cho bác sĩ.
- Hiện tại bệnh nhân có tiêu chảy mất nước không?
- Nếu bệnh nhân là phụ nữ thì phải đảm bảo rằng mình không đang trong thời kì mang thai, vì phụ nữ mang thai thường được chống chỉ định cho phương pháp kiểm tra này.
- Cho bác sĩ biết liệu mình đã từng chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang lần nào chưa. Nếu có thì lần trước cơ thể xuất hiện biểu hiện gì bất thường hay không?
Sau khi hoàn tất quá trình trên và được bác sĩ chỉ định đưa thuốc cản quang vào cơ thể, bệnh nhân hoặc thân nhân sẽ đọc và kí vào mẫu cam kết tự nguyện sử dụng loại thuốc này. Trước khi chụp CT tiêm thuốc cản quang, người bệnh sẽ được bác sĩ yêu cầu nhịn ăn tối thiểu 4-6 tiếng. Tuy nhiên, trong thời gian đó bạn vẫn có thể uống nước với một lượng vừa phải nhưng nên ngưng hoàn toàn trước khi vào phòng chụp cắt lớp 2 tiếng.
4.2. Trong khi chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang cần lưu ý điều gì?
Tư thế nằm khi chụp CT tiêm thuốc cản quang còn tùy thuộc vào yêu cầu của việc chẩn đoán bệnh lý. Thông thường, tư thế cơ bản mà bạn được nhân viên y tế hướng dẫn là nằm ngửa trên mặt bàn chụp.
Chụp CT có cản quang không đau nên lưu ý quan trọng nhất đó là bệnh nhân phải giữ tư thế nằm yên tuyệt đối trong suốt quá trình chụp cắt lớp. Hãy cứ thoải mái thả lỏng tinh thần và tập trung làm theo các hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu thấy xuất hiện cảm giác nóng bừng toàn thân hoặc có cảm giác khó chịu nhẹ sau khi tiêm thuốc cản quang thì đây hoàn toàn là điều bình thường.
4.3 Sau khi chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang cần lưu ý điều gì?
Với các bệnh nhân thực hiện chụp CT có bổ sung thêm thuốc cản quang, sau khi quá trình chụp kết thúc thì nhân viên y tế giúp đưa bạn xuống và kiểm tra tình trạng cơ thể. Bệnh nhân sẽ nghỉ ngơi và theo dõi thêm trong 30 phút, việc theo dõi này để đảm bảo rằng bạn không phải đối mặt với bất cứ vấn đề bất thường nào do sử dụng thuốc. Nếu tình trạng bệnh nhân ổn định thì trở về và đến tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Sau khi kết thúc quá trình chụp cắt lớp, cơ thể người bệnh sẽ dần đào thải thuốc cản quang đã tiêm. Ở những người có chức năng thận bình thường thì khoảng 2 tiếng là thời gian bán hủy của hầu hết các thuốc cản quang đang được sử dụng hiện tại, và về cơ bản thì thuốc sẽ được đào thải hết ra khỏi cơ thể sau 20-24 tiếng.
Phương pháp chụp cắt lớp tiêm thuốc cản quang phát huy tác dụng của nó khi được tiến hành bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cùng với sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị máy móc hiện đại và tiên tiến.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.