Bài viết được viết bởi Ths.Bs. Phạm Mạnh Chung- trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Hạ Long.
Thuốc cản quang là những chất chứa iodine được sử dụng để tăng cường mức độ tương phản của cấu trúc hoặc dịch cơ thể khi thăm khám chẩn đoán hình ảnh. Bên cạnh các lợi ích đem lại trong chẩn đoán, việc sử dụng thuốc tương phản có thể kèm theo một số tác dụng phụ không mong muốn.
1. Tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn của thuốc cản quang
- Phản ứng quá mẫn
Các phản ứng quá mẫn hầu hết xảy ra trong vòng 30 phút sau khi dùng thuốc tương phản, tuy nhiên các phản ứng cũng có thể xảy ra muộn sau vài giờ đến vài ngày.
Nguy cơ xảy ra các phản ứng quá mẫn cao hơn trong các trường hợp sau: đã từng có phản ứng với thuốc cản quang. Tiền sử hen phế quản hoặc các rối loạn dị ứng khác.
Các phản ứng nghiêm trọng cũng như tử vong rất hiếm xảy ra.
Phản ứng phản vệ có thể xảy ra không phụ thuộc vào liều dùng hay đường dùng hay tốc độ tiêm. Các triệu chứng quá mẫn nhẹ có thể là dấu hiệu ban đầu của một phản ứng nghiêm trọng.
Trong các phản ứng quá mẫn nặng, bệnh nhân có các bệnh tim mạch thường có nguy cơ gặp phải nghiêm trọng hơn.
Do có khả năng xảy ra các phản ứng quá mẫn sau khi dùng, nên theo dõi bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc ít nhất là 30 phút. Cần chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu cho tất cả bệnh nhân.
- Rối loạn chức năng tuyến giáp
Cần đánh giá thận trọng nguy cơ/ lợi ích trên những bệnh nhân biết hoặc nghi ngờ có tăng năng tuyến giáp hay bướu giáp, vì thuốc cản quang có thể gây nên tình trạng cường giáp và cơn độc giáp ở những bệnh nhân này. Việc kiểm tra chức năng tuyến giáp nên được thực hiện ở những bệnh nhân nghi ngờ tăng năng tuyến giáp.
- Rối loạn thần kinh trung ương
Nguy cơ gặp các biến chứng thần kinh có liên quan đến thuốc cản quang tăng lên ở các bệnh nhân có rối loạn thần kinh trung ương. Biến chứng thần kinh thường gặp hơn ở các bệnh nhân chụp X-quang mạch não và các thủ thuật liên quan.
Cần thận trọng trong các tình trạng trong đó ngưỡng động kinh có thể giảm như bệnh nhân có tiền sử động kinh.
Các yếu tố làm tăng tính thấm của thuốc qua hàng rào máu não sẽ làm tăng khả năng vận chuyển của thuốc cản quang vào mô não, có thể dẫn đến các phản ứng trên hệ thần kinh trung ương.
- Tình trạng lo âu
Tình trạng hưng phấn, lo âu và đau rõ rệt có thể làm tăng nguy cơ các tác dụng phụ hoặc làm nặng thêm các phản ứng liên quan đến thuốc cản quang. Cần quan tâm đến các bệnh nhân này để giảm tối đa tình trạng lo âu.
Độc tính trên thận do thuốc cản quang, biểu hiện tổn thương chức năng thận thoáng qua sau khi dùng thuốc cản quang có thể xảy ra.
Suy thận cấp tính có thể xảy ra ở một số trường hợp: bệnh nhân đã có suy chức năng thận. Mất nước. Đái tháo đường. Đa u tủy/Paraprotein máu. Liều thuốc cản quang nhắc lại và hoặc cao.
Tất cả những bệnh nhân sử dụng thuốc cản quang phải đảm bảo được thêm nước đầy đủ.
- Các bệnh về tim mạch
Nguy cơ phát triển các dấu hiệu lâm sàng liên quan đến các thay đổi huyết động học và loạn nhịp tăng lên ở những bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch hoặc bệnh mạch vành trầm trọng. Sử dụng thuốc cản quang theo đường tĩnh mạch có thể thúc đẩy tình trạng phù phổi cấp ở những bệnh nhân suy tim.
- Chứng nhược cơ nặng: thuốc cản quang có thể làm tăng triệu chứng của chứng nhược cơ nặng.
- U tế bào ưu Crôm: bệnh nhân có u tế bào ưa crôm có thể tăng nguy cơ phát triển cơn cao huyết áp.
- Biến cố thuyên tắc mạch:
Ngoài thuốc cản quang, nhiều yếu tố bao gồm thời gian tiến hành thủ thuật, số lần tiêm truyền, chất liệu của catheter và xy lanh, tình trạng bệnh lý tiềm ẩn và việc sử dụng đồng thời các thuốc khác có thể góp phần vào biến cố huyết khối thuyên tắc mạch.
Phụ nữ có thai: việc sử dụng các thuốc cản quang không chứa i-on chưa được chứng minh đầy đủ là an toàn đối với phụ nữ có thai. Không nên sử dụng thuốc cản quang cho phụ nữ có thai trừ khi lợi ích vượt trội nguy cơ và cần phải do bác sĩ quyết định.
Bà mẹ cho con bú: Thuốc cản quang tiết vào sữa mẹ là rất thấp. Sự gây hại đối với trẻ bú mẹ có khả năng không sảy ra. Nên ngưng ít nhất 24 giờ sau khi chụp có cản quang mới cho trẻ bú lại.
2. Cách sử dụng thuốc cản quang an toàn cho bệnh nhân
2.1 Trước khi chụp
- Khách hàng sẽ được các bác sĩ kiểm tra các vấn đề an toàn (check list) trước tiêm thuốc cản quang như: tiền sử dị ứng thuốc, tiền sử hen phế quản, có bị tiêu chảy, mất nước không, có bị tiểu đường và đang dùng thuốc Metformin, có bị suy thận không.
- Chỉ định kiểm tra chức năng thận: Cần thiết được đánh giá trước khi sử dụng thuốc cản quang. Một số trường hợp như đang chạy thận nhân tạo định kỳ, chấn thương thận cấp hoặc yêu cầu chụp khẩn cấp cho các trường hợp đe dọa tính mạng (ví dụ: nghi ngờ chấn thương nặng, đe dọa bóc tách động mạch chủ) có thể cân nhắc tiến hành chụp CT scan có thuốc cản quang mà không cần chờ kết quả creatinine.
- Ngưng các thuốc có nguy cơ độc cho thận đang sử dụng, đặc biệt lưu ý: các thuốc chống viêm nonsteroid, lợi tiểu ngưng trước 24 giờ, metformin ngưng trước 48 giờ. Các thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể không bắt buộc ngưng nghiêm ngặt.
- Khách hàng cần nhịn ăn ít nhất 4 giờ trước khi tiêm thuốc cản quang.
- Nếu khách hàng có tiền sử dị ứng thuốc, hen phế quản thì sẽ được dự phòng phản ứng trước khi đưa xuống khoa chẩn đoán hình ảnh để tiêm thuốc cản quang.
2.2 Trong quá trình chụp
- Khách hàng bình tĩnh, thở nhẹ nhàng, tránh lo âu, hồi hộp và được hướng dẫn tập thở.
2.3 Sau khi chụp
- Khách hàng được theo dõi tại phòng chụp hoặc phòng hồi tỉnh ít nhất 30 phút để xem có phản ứng bất thường gì không.
- Nếu không có bất thường gì, khách hàng được hướng dẫn quay lại phòng khám.
- Nếu bệnh nhân đang điều trị nội trú, bác sĩ sẽ có chế độ theo dõi phù hợp với tình trạng hiện tại của bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân ngoại trú, không có các yếu tố nguy cơ thì có thể về nhà. Uống nhiều nước, theo dõi lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ. Nếu thấy lượng nước tiểu ít đi so với bình thường thì đến lại bệnh viện kiểm tra chức năng thận.
- Quay lại bệnh viện khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường.
- Chế độ dinh dưỡng giống các ngày bình thường khác.