Chụp bàng quang trên xương mu là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chụp bàng quang trên xương mu hiện nay là phương pháp đánh giá cao và sử dụng phổ biến trong y học bởi kỹ thuật này tránh được nhiều tai biến do nhiễm khuẩn cũng như để lại ít biến chứng hơn nhiều so với phương pháp khác.

1. Chụp bàng quang trên xương mu là gì?

Nếu phương pháp chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng phải bơm thuốc đối quang qua ống luồn vào trong niệu đạo có thể xảy ra khả năng nhiễm khuẩn thì phương pháp kỹ thuật chụp bàng quang trên xương mu có thể hạn chế được nhược điểm này.

Theo đó, phương pháp này khảo sát bàng quang bằng cách chụp X quang, sử dụng thuốc đối quang iod tan trong nước nhưng thuốc được sử dụng sau khi chọc kim trực tiếp vào bàng quang qua da, trên vùng xương mu.

2. Chỉ định và chống chỉ định với phương pháp chụp bàng quang trên xương mu

Phương pháp chụp bàng quang trên xương mu được chỉ định và chống chỉ định trong các trường hợp sau:

Chỉ định với các trường hợp:

  • Kỹ thuật chụp bàng quang trên xương mu được sử dụng để chẩn đoán các bất thường về hình thái của bàng quangniệu đạo.
  • Khảo sát sự bất thường của chức năng bài xuất nước tiểu bàng quang và niệu đạo.
  • Kỹ thuật này giúp tránh được tai biến nhiễm khuẩn niệu đạo so với phương pháp chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng ở nam giới.

Chống chỉ định với các trường hợp:

Bệnh nhân bị rối loạn đông máu cũng không nên thực hiện kỹ thuật này.


Chụp bàng quang trên xương mu chống chỉ định với khách bị rối loạn đông máu
Chụp bàng quang trên xương mu chống chỉ định với khách bị rối loạn đông máu

3. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện chụp bàng quang trên xương mu?

  • Bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho thuốc an thần nhẹ 1 giờ trước thời gian xét nghiệm.
  • Phải đảm bảo bàng quang căng đầy, điều kiện chủ yếu và quan trọng nhất. Có thể cho thuốc lợi tiểu để kích thích bàng quang chóng đầy (sử dụng phương pháp tiêm tĩnh mạch 01 ống Lasilix có liều lượng 20mg).
  • Các phiếu thực hiện xét nghiệm cơ bản.

4. Các bước thực hiện chụp bàng quang trên xương mu

Các bước thực hiện chụp bàng quang trên xương mu như sau:

Chọc kim vào bàng quang

  • Điều chỉnh tư thế người bệnh nằm ngửa rồi tiến hành sát khuẩn da, trải khăn vô trùng
  • Chọc kim vào điểm trên đường giữa cách khớp mu 2 đốt ngón tay, theo dõi trên màn tăng sáng. Điều chỉnh hướng kim sao cho thẳng góc da hoặc chếch lên phía đầu 10o.
  • Sau khi cảm nhận kim đã đi qua thành bàng quang thì đẩy kim vào 2cm. Rút nòng, nước tiểu trào vào ống thông hoặc bơm vài ml thuốc đối quang để xác định xem ống thông đã vào bàng quang hay chưa.
  • Luồn dây dẫn vào bàng quang rồi đẩy ống thông vào theo đường của dây dẫn.

Tháo nước tiểu hết bàng quang

Cho bệnh nhân đi tiểu để tháo hết nước tiểu trong bàng quang. Hứng nước tiểu vào bô có vạch chia dung tích để đo lượng nước tiểu.

Bơm thuốc đối quang vào bàng quang

  • Kiểm tra xem lượng nước tiểu vừa bơm là bao nhiêu thì bơm lượng thuốc đối quang tương đương hoặc gần tương đương với giá trị đó.
  • Có thể truyền thuốc đối quang vào bàng quang.
  • Tư thế phim chụp trong quá trình đầy bàng quang: thẳng, chếch, đôi chụp khi nghiêng.
  • Phim chụp lúc bàng quang đầy (300-400ml thuốc đối quang và nước muối sinh lý).
  • Lúc người bệnh có cảm giác muốn tiểu tiến hành chụp các tư thế: thẳng, chếch hai bên và nghiêng.

Chụp thì đi tiểu

  • Giữ cố định và khóa ống thông, tuyệt đối không được rút ống thông lúc bàng quang đầy hoặc có áp lực cao để tránh nguy cơ thoát nước tiểu.
  • Tư thế chụp đứng chếch sau phải hoặc chếch sau trái, đối với bệnh nhân là nam giới thì có thể chụp nằm.
  • Tiến hành chụp lúc đi tiểu tự nhiên và lúc làm tắc niệu đạo bằng kẹp phần sau dương vật, kẹp với mức độ vừa đủ để làm tắc niệu đạo. Chụp các tư thế: thẳng, chếch hai bên, đôi khi nghiêng.

Chụp thì sau đi tiểu

  • Đầu tiên rút ống thông sau khi chụp xong ở thì đi tiểu.
  • Cho bệnh nhân đi tiểu hết ở nhà vệ sinh.
  • Sau khi bệnh nhân tiểu xong thì tiến hành chụp thẳng.

Sau khi bệnh nhân đi tiểu sẽ tiến hành chụp thẳng
Sau khi bệnh nhân đi tiểu sẽ tiến hành chụp thẳng

5. Đánh giá kết quả sau khi chụp bàng quang trên xương mu

  • Bàng quang bờ đều, đáy bàng quang bình thường ở sát bờ trên khớp mu
  • Khảo sát khẩu kính và bờ niệu đạo, ở niệu đạo nam bao gồm có 4 đoạn: đoạn tiền liệt, đoạn màng, đoạn hành và đoạn hang.
  • Ở niệu đạo của nữ giới là ống thẳng hướng từ trên xuống dưới và từ sau ra trước.
  • Không có hiện tượng trào ngược bàng quang niệu quản thụ động hoặc chủ động.
  • Không sa cổ bàng quang thì đi tiểu.
  • Không có nước tiểu tồn lưu.

6. Xử lý tai biến trong quá trình chụp bàng quang trên xương mu

  • Trường hợp tai biến hiếm khi gặp phải và không nặng nếu bàng quang đầy.
  • Bác sĩ không thể đưa được ống thông vào bàng quang.
  • Thủng trực tràng: hiện tượng này rất hiếm xảy ra
  • Nhiễm khuẩn: rất hiếm, do không đưa ống thông trực tiếp vào niệu đạo.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe