Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Phương pháp chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng hiện là phương pháp hiện đại có giá trị cao phục vụ chẩn đoán và trình điều trị các bệnh lý liên quan đến niệu đạo, đảm bảo sinh lý nam giới hoạt động tốt.
1. Thế nào là chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng?
Chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh, dựa vào hình chụp chiều thu được mà ta tiến hành khảo sát hình thái và chức năng bài xuất nước tiểu của đường dẫn niệu thấp nam giới.
Nguyên lý của phương pháp này là sử dụng thuốc đối quang iod tan trong nước qua dụng cụ đưa bơm vào niệu đạo. Do thuốc đối quang được đưa vào niệu đạo ngược chiều với nước tiểu nên chúng có tên là chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng.
2. Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng
Phương pháp chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng được chỉ định và chống chỉ định trong một số trường hợp sau đây:
Chỉ định với các đối tượng:
- Chẩn đoán các tình trạng bất thường của hình thái bàng quang và niệu đạo nam.
- Chức năng bài xuất nước tiểu của bàng quang và niệu đạo.
- Túi thừa, u, lao, vỡ bàng quang, bàng quang thần kinh.
- Các vấn đề như hẹp, túi thừa, rò niệu đạo.
- Hiện tượng trào ngược bàng quang niệu quản.
- Tìm nguyên nhân nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại
- Tìm kiếm chấn thương bàng quang hoặc niệu đạo
- Tìm nguyên nhân tiểu không tự chủ
- Kiểm tra sự phì đại của tuyến tiền liệt hoặc hẹp niệu đạo ở nam giới
Chống chỉ định với các đối tượng:
Bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu tuyệt đối không sử dụng phương pháp này. Nếu có nghi ngờ nhiễm khuẩn thì cần phải xét nghiệm nước tiểu để xác định rõ ràng.
Chuẩn bị bệnh nhân
- Bệnh nhân cần báo cho bác sỹ biết nếu:
- Đang hoặc có thể mang thai
- Có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu: đau, rát khi đi tiểu...
- Bị dị ứng với thuốc tương phản, các loại thuốc khác hoặc đã từng có phản ứng dị ứng ngiêm trọng (sau khi bị ong chích, ăn động vật có vỏ...)
- Có dụng cụ tử cung tại chỗ
- Trong 4 ngày trước khi tiến hành có được kiểm tra bằng tia X với chất tương phản hoặc đã dùng 1 loại thuốc có chứa Bismuth.
- Khi thực hiện cho trẻ nhi cần chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ, giảm bớt nỗi sợ hãi, giúp trẻ hợp tác tốt
- Có thể được yêu cầu lý vào một mẫu đơn đồng ý thực hiên sau khi được giải thích rõ lợi ích và các rủi ro
Cảm giác của bệnh nhân khi chụp
- Sẽ cảm thấy muốn đi tiểu nhiều lần trong thủ thuật. Hơi khó chịu khi đặt ống thông vào đúng vị trí.
- Có cảm giác đầy trong bàng quang và muốn đi tiểu khi bơm chất cản quang. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau sau đó.
- Bệnh nhân thường thấy xấu hổ khi đi tiểu trước mặt người khác. Cần động viên để bệnh nhân hiểu đây là phản xạ thường gặp trong lúc chụp
- Có thể cảm thấy nóng rát khi đi tiểu
3. Các bước tiến hành chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng
Phim hệ tiết niệu không chuẩn bị được chụp ngay sau khi bệnh nhân đi tiểu. Theo đó, các thao tác lần lượt khi chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng như sau:
Đặt ống thẳng
- Sát khuẩn cẩn thận lỗ sáo của bệnh nhân bằng các dụng cụ vô khuẩn, như găng tay bông gạc phẫu thuật
- Đuổi bọt khí khỏi ống thông và các dụng cụ.
- Bác sĩ điều chỉnh tư thế nằm thẳng cho bệnh nhân.
- Phần bóng cao su của ống thông được đưa vào cửa niệu đạo trước, cách hố thuyền khoảng 2 đến 3 cm. Bơm phồng bóng cao su bằng nước muối sinh lý (sử dụng 2 đến 3ml). Bơm từ từ nhẹ nhàng đồng thời theo dõi phản ứng của bệnh nhân. Hoặc có thể dùng dụng cụ gắn trực tiếp với bơm tiêm để đưa vào bít kín lỗ sáo.
Bơm thuốc đối quang
- Có thể cho truyền thuốc đối quang hoặc bơm trực tiếp bằng bơm tiêm, vừa bơm vừa kéo nhẹ niệu đạo.
- Trong quá trình bơm luôn theo dõi dưới màn tăng sáng, khi người bệnh có cảm giác đau nhiều thì ngừng bơm thuốc ngay
- Bơm từ đầu 60 đến 100ml thuốc đối quang.
- Phản ứng co thắt của cơ vòng ở niệu đạo sau có thể xảy ra. Nếu có thì bác sĩ nên bảo người bệnh thở sâu hoặc thử đi tiểu.
- Thực hiện chụp phim ngay trong quá trình bơm, yêu cầu bệnh nhân nín thở. Chụp các tấm phim thẳng và phim chếch
Chụp bàng quang
- Chụp lúc bàng quang đầy khi mà người bệnh có cảm giác muốn đi tiểu.
- Co thể làm đầy bàng quang bằng cách cho người bệnh uống nước hoặc bơm thêm nước muối sinh lý (khoảng 200ml là vừa đủ).
- Chụp phim thẳng với kích thước phim 30x40cm để lấy hết hình ảnh bàng quang và hai thận tìm trào ngược.
- Thực hiện chụp phim chếch và phim nghiêng.
Chụp thì đi tiểu
- Chụp khi người bệnh đứng, chụp cả phim chếch sau phải hoặc chếch sau trái.
- Đặt dương vật bệnh nhân nằm ngang, cho tia X chiếu ngang hay chếch lên 100, vùng khu trú điểm giữa rốn và khớp mu. Chụp chếch và tối thiểu 2 phim để quan sát được toàn bộ niệu đạo, lỗ sáo và tia nước tiểu.
Chụp thì sau đi tiểu
- Sau khi người bệnh đi tiểu thì tiến hành chụp với tư thế thẳng, phim chụp có kích thước 30x40cm.
Ngoài ra, khi thực hiện chụp thì đi tiểu đối với người bệnh nam có thể thực hiện ở tư thế nằm. Người bệnh có thể tự bơm thuốc đối quang để chụp niệu đạo bằng cách giữ cố định ống thông Foley đã đưa vào niệu đạo bằng băng dính. Người bệnh nằm chếch và tự bơm thuốc đối quang vào niệu đạo của mình. Cần bơm từ từ và có thể tự điều chỉnh áp lực bơm. Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng cho người bệnh hợp tác tốt vì tăng khả năng thành công, giảm tai biến do bơm không đúng áp lực thích hợp.
4. Đánh giá kết quả sau khi chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng
- Bàng quang bờ đều, đáy bàng quang ở sát bờ trên khớp mu, nước tiểu chảy bình thường từ bàng quang
- Khảo sát khẩu kính và bờ niệu đạo, niệu đạo ở nam giới có 4 đoạn là đoạn tiền liệt, đoạn màng, đoạn hành và đoạn hang.
- Không có hiện tượng trào ngược bàng quang niệu quản thụ động và chủ động.
- Không có hiện tượng sa cổ bàng quang ở thì đi tiểu.
- Không có nước tiểu tồn lưu
5. Tai biến và xử lý tai biến khi chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng
- Không hiện hình đầy niệu đạo do hiện tượng co thắt cơ vòng niệu đạo như đã nói ở trên khắc phục hiện tượng này bằng cách bảo bệnh nhân thở sâu hoặc đi tiểu.
- Tổn thương niêm mạc gây trào ngược thuốc đối quang vào tĩnh mạch tuy nhiên ít quan trọng.
- Chảy máu niệu đạo là triệu chứng có có thể xảy ra, bác sĩ cần cảnh báo trước cho người bệnh để tránh hoảng loạn. Chỉ cần bệnh nhân nằm nghỉ ngơi thì sẽ cầm máu.
- Nhiễm trùng là tai biến nguy hiểm có thể xảy ra ngay cả khi sát khuẩn cẩn thận. Cần điều trị bằng kháng sinh trước và cả sau khi thực hiện chụp.
XEM THÊM: