Chứng run: Phân loại và cách điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Chứng run là một dạng rối loạn vận động khá thường gặp, người bệnh không thể kiểm soát được hành động của mình và hạn chế các cử động của bản thân. Việc phân loại chứng run theo từng nhóm là việc cần thiết để lựa chọn cách điều trị thích hợp cho người bệnh.

1. Chứng run là gì?

Chứng run là tình trạng của các cơn co thắt cơ bắp liên tục, có tần số và ngoài khả năng kiểm soát. Trình trạng này có thể xảy ra đơn độc trên một số vị trí của cơ thể như tay, chân, mắt, hàm hay diện rộng như một bên thân mình.

Chứng run là một trong các rối loạn vận động khá phổ biến, nhất ở người trung niên và người cao tuổi, mặc dù vẫn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính là như nhau. Hơn nữa, mặc dù thường xảy ra riêng lẻ, không kèm với bất kỳ triệu chứng nào khác, không gây nguy hiểm nhưng chứng run lại gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, làm hạn chế khả năng hòa nhập của người bệnh trong đời sống cộng đồng.

Chính vì vậy, việc điều trị chứng run một cách triệt để có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc sống người bệnh. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân có thể biểu hiện bởi run. Do đó, phân loại bệnh run một cách rõ ràng sẽ định hướng điều trị hiệu quả và an toàn cho người bệnh.


Chứng run làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh
Chứng run làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh

2. Phân loại bệnh run như thế nào?

Chứng run được phân loại theo nhiều cách khác nhau nhưng phổ biến nhất là cách phân loại theo sự xuất hiện và nguyên nhân hoặc nguồn gốc của nó. Sau đây là các dạng run thường gặp, bao gồm:

2.1 Chứng run cơ bản

Chứng run cơ bản, trước đây còn được gọi là chứng run vô căn lành tính hay chứng run gia đình, là một trong những rối loạn vận động phổ biến nhất. Nguyên nhân chính xác của chứng run cơ bản cho đến nay vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng.

Đối với một số người, cơn run này thường ở mức độ nhẹ và duy trì tính ổn định trong nhiều năm. Biểu hiện của chứng run cơ bản thường xuất hiện ở cả hai bên của cơ thể nhưng thường được chú ý nhiều hơn ở bàn tay vì đây là một cơn run theo hành động, tức chỉ xảy ra khi người bệnh làm việc, giảm và hết khi nghỉ. Các triệu chứng khác có thể bao gồm cả run đầu như người bệnh gật đầu hay lắc đầu liên tục, run rẩy khi nói nếu cơn run ảnh hưởng cả đến giây thanh.

Tần số của run có thể giảm khi người bệnh lớn tuổi hơn nhưng mức độ nghiêm trọng lại có thể tăng lên, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, các yếu tố như cảm xúc, căng thẳng, sốt , kiệt sức, hạ đường huyết có thể làm chứng run dễ bộc lộ hơn.


Hạ đường huyết là một yếu tố kích hoạt chứng run
Hạ đường huyết là một yếu tố kích hoạt chứng run

2.2 Chứng run do loạn trương lực cơ

Chứng run do loạn trương lực cơ là biểu hiện của các rối loạn vận động do các thông điệp không chính xác từ não khiến cơ bắp hoạt động quá mức, dẫn đến tư thế bất thường hoặc các cử động không mong muốn. Hiện tượng này có khuynh hướng xuất hiện ở người trẻ tuổi hoặc trung niên hơn là người cao tuổi và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ bắp nào trong cơ thể. Các triệu chứng đôi khi có thể thuyên giảm bằng cách thư giãn, nghỉ ngơi hoàn toàn.

Ngoài ra, mức độ nghiêm trọng của chứng run do loạn trương lực cơ còn nằm ở đặc điểm là cơn run cũng có thể kích phát khi chạm vào phần cơ thể hoặc cơ bắp dễ bị ảnh hưởng. Lúc này, các cơ bắp sẽ chuyển động run rẩy, rung giật theo một tần số và biên độ không đều thay vì nhịp điệu như chứng run cơ bản.

2.3 Chứng run do tiểu não

Chứng run do tiểu não thường là các cử động chậm, biên độ cao nên dễ nhìn thấy xảy ra tại các chi, như cánh tay, chân. Thời điểm xảy ra run dễ nhận thấy nhất là khi người bệnh cố gắng hoàn tất hành động, khác với các chứng run khác xảy ra khi bắt đầu hành động.

Nguyên nhân của chứng run do tiểu não được cho là do sự phá hủy tiểu não hay trên các con đường nối kết tiểu não trong chức năng kiểm soát hàng động đến các vùng não khác có chức năng chỉ huy hành động. Tổn thương thường gặp là do đột quỵ nhồi máu não hoặc có khối u chèn ép. Ngoài ra, chứng run do tiểu não cũng có thể gây ra trong các bệnh lý như đa xơ cứng, rối loạn thoái hóa di truyền như mất điều hòa trương lực cơ, tổn thương tiểu não mạn tính do nghiện rượu.


Tổn thương vùng tiểu não gây có thể gây ra bệnh đa xơ cứng
Tổn thương vùng tiểu não gây có thể gây ra bệnh đa xơ cứng

2.4 Chứng run tâm lý

Chứng run tâm lý, còn gọi là run chức năng, có thể xuất hiện dưới bất kỳ hình thức run nào. Biểu hiện run có thể thay đổi nhưng thường bắt đầu một cách đột ngột và có thể ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận trong cơ thể. Hoàn cảnh khởi phát và kích thích xảy ra chứng run tâm lý là khi người bệnh căng thẳng, run tay kèm hồi hộp và sẽ giảm hoặc biến mất khi bị phân tâm. Có một số người mắc chứng run tâm lý do có một tình trạng rối loạn tâm thần tiềm ẩn như trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

2.5. Chứng run sinh lý

Chứng run sinh lý là biểu hiện run xảy ra ở bất cứ ai, tất cả các cá nhân khỏe mạnh. Đôi khi không nhìn thấy được bằng mắt thường, người bệnh vẫn cảm nhận được sự xuất hiện rung lắc trên tay, chân, thân mình, vùng hàm mặt.

Đây hoàn toàn không là bệnh lý mà là một hiện tượng bình thường của con người, đáp ứng với các thay đổi vật lý trong cơ thể như khi lạnh, sốt cao, hoạt động mạnh.

Ngoài ra, khi chứng run sinh lý biểu hiện với mức độ cao hơn thì sẽ được phân loại thành chứng run sinh lý tăng cường. Trong đó, biểu hiện của chứng run sinh lý lúc này đã có thể dễ dàng được nhìn thấy. Nguyên nhân của chứng run sinh lý tăng cường thường không phải do một bệnh thần kinh gây ra mà là do phản ứng với một số loại thuốc, hiện tượng cai rượu hoặc các tình trạng bệnh lý khác như cường giáp hay hạ đường huyết. Một điều may mắn là chứng run sinh lý tăng cường có thể cải thiện triệt để khi nguyên nhân được khắc phục.


Cường giáp là một biểu hiện của chứng run sinh lý
Cường giáp là một biểu hiện của chứng run sinh lý

2.6 Chứng run của Parkinson

Chứng run của Parkinson là một triệu chứng phổ biến của bệnh Parkinson mặc dù không phải tất cả những người mắc bệnh Parkinson đều bị run. Nhìn chung, các triệu chứng của chứng run Parkinson thường là run ở một hoặc cả hai tay khi nghỉ ngơi. Những vị trí khác cũng có thể ảnh hưởng là cằm, môi, mặt và chân.

Biểu hiện của chứng run của Parkinson ban đầu có thể xuất hiện chỉ ở một chi hoặc chỉ ở một bên của cơ thể. Khi bệnh tiến triển, tình trạng này có thể lan sang cả hai bên của cơ thể và trở nên nặng nề hơn khi người bệnh căng thẳng hoặc khi có cảm xúc mạnh.


Bệnh Parkinson có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng run
Bệnh Parkinson có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng run

2.7 Chứng run do chấn động

Chứng run do chấn động là một rối loạn vận động hiếm gặp, đặc trưng bởi sự co cơ nhanh ở chân xảy ra khi đứng. Bệnh nhân mắc chứng run do chấn động thường có cảm giác không ổn định hoặc mất cân bằng, khiến họ ngay lập tức phải cố gắng ngồi dậy hoặc đi bộ thay vì ngồi yên.

Bởi vì chứng run do chấn động thường có tần số cao, có thể không nhìn thấy bằng mắt thường, thăm khám vẫn có thể cảm nhận được bằng cách sờ chạm vào đùi hoặc bắp chân hay kiểm tra các cơ bằng ống nghe. Trong một số trường hợp, cơn run có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian trong khi nguyên nhân của những cơn run do chấn động vẫn chưa rõ.

3. Làm cách nào để điều trị chứng run?

Mặc dù không có cách chữa trị cho hầu hết các dạng run, các lựa chọn điều trị hiện tại vẫn có thể giúp kiểm soát triệu chứng cho người bệnh. Trong một số trường hợp, các triệu chứng nếu ở mức độ nhẹ, không gây ảnh hưởng nhiều thì không cần điều trị.

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu, cần phải xác định phương pháp điều trị thích hợp là phụ thuộc vào chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Với các chứng run do những bệnh lý tiềm ẩn, đôi khi người bệnh có thể được cải thiện hoặc loại bỏ hoàn toàn với điều trị bệnh nguyên, ví dụ run do cường giáp sẽ cải thiện hoặc thậm chí giải quyết hoàn toàn khi được điều trị với thuốc kháng giáp. Ngoài ra, nếu run là do thuốc, việc ngừng sử dụng thuốc gây run có thể làm giảm hoặc loại bỏ chứng run.

Nếu không có nguyên nhân cơ bản gây run, các lựa chọn điều trị có sẵn cũng có thể hữu ích như dùng các loại thuốc chẹn beta, thuốc chống động kinh hay các thuốc an thần nhằm ức chế hoạt động thần kinh. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là một số loại thuốc này cũng có thể gây run.


Với những trường hợp run không có nguyên nhân, thuốc sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả
Với những trường hợp run không có nguyên nhân, thuốc sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả

Ngoài ra, một số cách thức điều trị khác có thể cần xem xét nếu chứng run vẫn chưa kiểm soát được như tiêm độc tố Botulinum, thủ thuật kích thích não sâu hay phẫu thuật.

Tóm lại, chứng run không bao giờ được xem là một tình trạng đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, trong khi một số người chỉ bị run nhẹ thoáng qua, một số khác lại gặp hạn chế đáng kể trong các hoạt động bình thường hàng ngày. Bằng cách phân loại run thường gặp trên đây và tích cực tìm kiếm, điều trị nguyên nhân gây ra run, người bệnh sẽ có hy vọng cải thiện hơn chất lượng cuộc sống của mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe