Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Chứng ợ nóng thường xảy ở người lớn, đặc biệt sau khi ăn no hoặc ăn thức ăn cay. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ em cũng có thể có triệu chứng nóng rát ở ngực. Theo một số nghiên cứu, có khoảng 2% trẻ từ 3 đến 9 tuổi và 5% trẻ từ 10 đến 17 tuổi bị ợ nóng. Các triệu chứng thậm chí có thể bắt đầu ở giai đoạn sơ sinh.
1. Nguyên nhân gây ợ nóng ở trẻ sơ sinh và trẻ em?
Chứng ợ nóng ở trẻ em và trẻ sơ sinh là dấu hiệu của trào ngược acid (tên tiếng Anh là gastroesophageal reflux và viết tắt là GER). Tình trạng này xảy ra khi axit của dạ dày trào ngược lên thực quản, đây là một đường ống nối giữa miệng và dạ dày. Bình thường cơ thắt dưới của thực quản sẽ giữ cho axit trong dạ dày không bị trào ngược lên thực quản, nhưng nếu cơ này bị giãn quá nhiều dẫn đến mất đồng bộ giữa đóng – mở cơ thắt dưới của thực quản và sự co bóp của dạ dày, tạo điều kiện cho các axit của dạ dày có thể trào lên và kích thích niêm mạc thực quản. Hậu quả, dẫn đến ợ nóng và các triệu chứng khác.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Tên tiếng Anh là Gastroesophageal reflux và viết tắt là: GERD), cũng là một dạng của GER nhưng nghiêm trọng hơn, chỉ ảnh hưởng đến hơn 1% trẻ sơ sinh. Trẻ bị nhỏ nước dãi nhiều hơn bình thường và diễn ra thường xuyên, trẻ cảm thấy khó chịu khi bị ợ nóng, quấy khóc trong khi cho ăn.
Ở trẻ nhỏ, nguyên nhân gây ợ nóng thường là do đường tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ. Ở trẻ lớn hơn, yếu tố nguy cơ bao gồm thừa cân, tiếp xúc với khói thuốc và ăn một số loại thực phẩm nhất định (ví dụ, thực phẩm cay).
2. Triệu chứng
Nếu nguyên nhân gây ợ nóng là bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ cũng có thể gặp các triệu chứng khác, như:
- Trẻ có hiện tượng còng lưng trong khi cho ăn
- Đau ngực
- Ho
- Giọng hơi khàn
- Nuốt đau
- Ăn uống kém
- Viêm họng
- Nôn
- Khò khè
Những triệu chứng này có thể bắt gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau, vì vậy có thể không nhất thiết là dấu hiệu của GER hoặc GERD.
Ngoài cảm thấy khó chịu, trẻ sơ sinh bị ợ nóng có thể không tăng cân theo đúng lứa tuổi. Các vết loét có thể hình thành trong thực quản do acid bị trào ngược liên tục, do đó nếu không được điều trị, GERD có thể dẫn đến hẹp thực quản hoặc xuất hiện các tế bào bất thường trong niêm mạc thực quản, các vấn đề về hô hấp và ăn uống.
3. Chẩn đoán
Do trẻ em và trẻ sơ sinh rất khó có thể diễn đạt được các triệu chứng nên bác sĩ cũng gặp khó khăn trong quá trình chẩn đoán.
Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào của ợ nóng hoặc GERD, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám với bác sĩ nhi khoa chuyên khoa tiêu hóa. Bác sĩ sẽ khám trẻ và hỏi bố mẹ về các triệu chứng của trẻ ở nhà như thế nào. Các xét nghiệm về chứng ợ nóng do GERD gây ra bao gồm:
- Chụp X quang đường tiêu hóa trên (Upper GI series). Sau khi trẻ uống một loại dung dịch có chứa chất cản quang (barium) và sau đó kỹ thuật viên sẽ sử dụng tia X để chụp hình ảnh của thực quản, dạ dày và một phần của ruột.
- Nội soi. Trong kỹ thuật này, trẻ sẽ được gây mê để bác sĩ đưa ống nội soi có gắn một camera đi qua miệng vào thực quản và dạ dày. Thiết bị này cho phép bác sĩ xem trực tiếp đường tiêu hóa trên và lấy mẫu mô để sinh thiết.
- Theo dõi độ pH thực quản. Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống mềm mỏng đi từ mũi của trẻ vào thực quản để kiểm tra nồng độ axit trong thực quản.
- Chụp rửa dạ dày (Gastric emptying study). Sau khi trẻ uống sữa có chứa một loại chất phóng xạ đặc biệt, bác sĩ tiến hành quét dạ dày để theo dõi chuyển động của thức ăn khi đi qua dạ dày diễn ra như thế nào.
4. Điều trị
Điều trị sẽ phụ thuộc vào tuổi của trẻ và nguyên nhân gây ợ nóng. Mặc dù một vài trường hợp các triệu chứng ợ nóng có thể tự cải thiện khi trẻ đến sinh nhật đầu tiên, nhưng một số trường hợp khác thì khó điều trị hơn. Các nghiên cứu trên thế giới đã xem xét một số phương pháp để làm giảm ợ nóng tại nhà nhưng hầu hết đều không hiệu quả như: trẻ sơ sinh ngủ ở tư thế thẳng đứng, uống sữa đặc hơn, sử dụng núm vú giả, giữ cho bé đứng thẳng trong khoảng 30 phút sau khi cho ăn.
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng ợ nóng, nhưng không nên xem là biện pháp điều trị đầu tiên để thực hiện. Thuốc điều trị chứng ợ nóng bao gồm:
- Thuốc kháng histamin H2 (Tagamet, Zantac, Pepcid)
- Thuốc ức chế bơm proton (như Dexilant, Nexium, Prevacid và Prilosec)
Cả hai loại thuốc này đều làm giảm lượng axit dạ dày, do đó có ít axit để trảo ngược lên thực quản.
Bạn cũng có thể thử các phương pháp này để giúp giảm chứng ợ nóng thường xuyên ở trẻ:
- Chia nhỏ các bữa ăn, thay vì ăn ba bữa lớn trong ngày.
- Cho trẻ ăn xong trước hai hoặc ba giờ rồi mới được đi ngủ.
- Không cho trẻ uống caffeine và thức ăn cay, chiên hoặc nhiều axit. Những thực phẩm cần tránh nếu trẻ bị ợ nóng thường xuyên bao gồm socola, soda chứa caffein, bạc hà, cam và các loại trái cây có múi khác và cà chua.
- Nâng đầu giường của trẻ lên từ 15 đến 20cm bằng cách đặt các khối gỗ dưới chân giường.
Nếu thực hiện các biện pháp trên mà triệu chứng vẫn không thuyên giảm thì trẻ nên sử dụng thuốc. Trong một số trường hợp hiếm hơn, trẻ có thể cần phải phẫu thuật bằng phương pháp khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản (fundoplication). Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ lấy phần trên của dạ dày để bọc lại khu vực xung quanh cơ thắt thực quản dưới, tạo ra một dải ngăn chặn axit của dạ dày chạy lên thực quản.
Chứng ợ nóng mặc dù không gây nguy hiểm nhưng lại là nguyên nhân khiến bé không tăng cân, gặp các vấn đề về ăn uống, hô hấp, tổn thương thực quản. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của bé, gây sợ hãi cho bé. Khi áp dụng những phương pháp điều trị nêu trên mà tình trạng bệnh vẫn không khả quan thì bạn nên đưa bé đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn điều trị sớm.
Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong