Chứng cuồng ăn bulimia

Chứng cuồng ăn bulimia là một vấn đề khá nguy hiểm, bởi tình trạng này khiến cho bạn có thói quen ăn uống kém lành mạnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần và thể chất. Vậy khi mắc chứng cuồng ăn bulimia chúng ta cần làm gì?

1. Bulimia nervosa là gì?

Bulimia hay thường được gọi là chứng cuồng ăn - một chứng rối loạn ăn uống cực kỳ nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng. Những người mắc chứng bệnh này có thể tiêu thụ một lượng thức ăn vô cùng lớn mà không thể kiểm soát được vấn đề ăn uống của chính mình. Bulimia thường mắc ở cuối giai đoạn vị thành niên hoặc ở đầu độ tuổi trưởng thành.

Khi mắc hội chứng bulimia để ngăn ngừa tình trạng tăng cân người bệnh có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như: lạm dụng thuốc nhuận tràng, thực phẩm giảm cân, thuốc lợi tiểu, tập thể dục quá mức...

Hiện nay, giới khoa học đánh giá những người mắc chứng cuồng ăn bulimia thường rất khó có thể điều trị dứt điểm.

2. Nguyên nhân nào gây nên chứng cuồng ăn bulimia?

Có thể nói hiện nay việc điều trị bulimia nervosa thường trở lên khá khó khăn bởi bệnh chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây nên. Người ta phỏng đoán một vài nguy cơ làm gia tăng tình trạng mắc bulimia nervosa gồm có:

  • Vấn đề sinh học: Nếu trong gia đình bạn có người mắc hội chứng cuồng ăn thì khả năng cao con gái và những đời sau của bạn cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này. Ngoài ra, bệnh cũng có nguy cơ hình thành ở những trẻ mắc thừa cân béo phì. Những đánh giá cho thấy phụ nữ có tỉ lệ mắc chứng cuồng ăn bulimia nhiều hơn nam giới.
  • Vấn đề tâm lý và cảm xúc: Do có mối liên quan mật thiết nên những người mắc vấn đề về tâm lý, cảm xúc như: trầm cảm, rối loạn lo âu, lạm dụng thuốc, cảm thấy căng thẳng trong cuộc sống đều có nguy cơ mắc bệnh. Những đối tượng này họ luôn cảm thấy chán nản, tiêu cực về bản thân mình và có xu hướng tìm đến vấn đề ăn uống để vơi đi cảm giác buồn bực.
  • Ăn kiêng: Đã có nghiên cứu cho thấy rằng, những người đang ăn kiêng có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống cao hơn khi họ áp dụng chế độ ăn kiêng trong một thời gian dài lâu dần bản thân có thể khơi gợi, kích thích mong muốn được ăn thỏa thích. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ mắc chứng cuồng ăn bulimia.

3. Dấu hiệu phổ biến và biến chứng của chứng bulimia

Khi một người mắc chứng bulimia, họ thường có những biểu hiện điển hình như sau:

  • Luôn sợ bản thân tăng cân cũng như lo lắng ngoại hình của mình
  • Khẩu phần ăn tăng lên bất thường và có nhu cầu ăn nhiều hơn bình thường
  • Luôn ép bản thân thực hiện một chế độ ăn chay, ít calo nghiêm ngặt để tránh tình trạng tăng cân.
  • Chuộng sử dụng những thực phẩm giảm cân
  • Khó có thể kiểm soát lượng thức ăn đi vào cơ thể...

Nếu chỉ mắc bệnh ở thể nhẹ thì người bệnh gần như chưa gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, thông thường chỉ là tăng cân. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài thì một vài biến chứng nghiêm trọng sau đây bệnh nhân phải đối mặt, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

  • Vấn đề về tiêu hóa trong đó có dạ dày, ruột...
  • Có thể sẽ lạm dụng thêm rượu, ma túy
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng do việc tiêu thụ thức ăn nhiều
  • Ở nữ giới sẽ thường xuyên bị mất kinh hoặc kinh không đều
  • Bệnh có thể xuất hiện những suy nghĩ ý định tự tử hoặc mắc các vấn đề về tâm lý như: trầm cảm, rối loạn lo âu....
  • Gia tăng nguy cơ mắc vấn đề về tim mạch...

4. Có những biện pháp nào để điều trị chứng cuồng ăn bulimia?

Hiện nay có khá nhiều biện pháp được đề ra nhằm điều trị chứng cuồng ăn bulimia cho bệnh nhân. Người mắc chứng cuồng ăn sẽ được đưa tới gặp các chuyên gia, bác sĩ để trò chuyện và cùng nhau trao đổi về tình trạng sức khỏe hiện tại. Việc can thiệp trị liệu tâm lý giúp người bệnh cải thiện một vài vấn đề như:

  • Thay đổi được hành vi nhận thức: Giúp bạn thay đổi và bình thường hóa được thói quen ăn uống hàng ngày, giảm lượng thực phẩm dung nạp vào cơ thể trong mỗi lần ăn.
  • Tâm lý trị liệu gia đình: Người thân của người bệnh sẽ cùng can thiệp và hỗ trợ giúp người bệnh trong việc kiểm soát chế độ ăn uống cũng như lên phương án giảm khẩu phần ăn sao cho khoa học nhất.
  • Sử dụng thuốc: Sử dụng thuốc cũng là một biện pháp mà người bệnh có thể được chỉ định. Những loại thuốc chống trầm cảm khi kết hợp với trị liệu tâm lý có thể giúp giảm các triệu chứng của chứng cuồng ăn bulimia.

Đa phần việc điều trị cho người mắc chứng cuồng ăn bulimia là đều thực hiện tại nhà. Tuy nhiên trong một vài trường hợp nghiêm trọng, biến chứng nặng, người bệnh cần được bác sĩ chỉ định nhập viện để việc chữa trị thuận lợi hơn.

Trên đây là những thông tin quan trọng giải thích cho bạn hiểu bulimia là gì cũng như làm rõ những ảnh hưởng của tình trạng bệnh lý này tới sức khỏe. Từ đó chúng ta có thể lên cho mình một kế hoạch ăn uống và sinh hoạt điều độ để đảm bảo cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe