Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Minh Phúc - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có trên 18 năm làm việc trong lĩnh vực sản phụ khoa.
Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, đa số là lành tính. Tuy nhiên nếu không được khám và điều trị sớm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
1. Chửa trứng là gì?
Chửa trứng còn được gọi là thai trứng - là một biến chứng hiếm gặp của thai kỳ được đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của trophoblasts, các tế bào thường phát triển thành nhau thai.
Chửa trứng có vẻ giống như một thai kỳ bình thường lúc đầu, nhưng hầu hết các thai trứng đều gây ra các dấu hiệu chửa trứng nguy hiểm và triệu chứng cụ thể, bao gồm:
- Chảy máu âm đạo màu nâu sẫm đến đỏ tươi trong ba tháng đầu
- Buồn nôn và nôn nhiều
- Bụng to nhanh, tử cung quá lớn so với giai đoạn mang thai bình thường
- Áp lực vùng chậu hoặc đau vùng chậu.
2. Nguyên nhân gây chửa trứng
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do một phần hoặc toàn bộ gai nhau (lớp màng đệm bao quanh phôi thai) bị thoái hóa biến thành các túi dịch với nhiều kích thước lớn nhỏ. Chúng kết lại từng chùm và xâm chiếm buồng tử cung. Có hai loại chửa trứng là chửa trứng toàn phần và chửa trứng bán phần.
Khi tử cung thai phụ chỉ chứa túi dịch, không có sự hình thành mô bào thai, người ta gọi đó là chửa trứng toàn phần. Với chửa trứng bán phần, có thể có mô nhau thai bình thường cùng với túi dịch. Cũng có thể có sự hình thành của thai nhi, nhưng thai nhi không thể sống sót và thường bị sảy thai sớm trong thai kỳ.
Chửa trứng được gây ra bởi một trứng thụ tinh bất thường. Tế bào người thường chứa 23 cặp nhiễm sắc thể. Một nhiễm sắc thể trong mỗi cặp đến từ cha, còn lại từ mẹ.
- Trong chửa trứng hoàn toàn: Một trứng được thụ tinh bởi một hoặc hai tinh trùng, và tất cả các vật liệu di truyền là từ người cha. Trong tình huống này, nhiễm sắc thể từ trứng của mẹ bị mất hoặc bất hoạt và nhiễm sắc thể của người cha được nhân đôi. Chính sự khiếm khuyết về hệ thống di truyền nên nó không thể phát triển thành một thai nhi bình thường được, mà thay vào đó là sự phát triển của một thai trứng không có phôi thai.
- Trong một chửa trứng bán phần: Nhiễm sắc thể của người mẹ vẫn còn nhưng người cha cung cấp hai bộ nhiễm sắc thể. Kết quả là, phôi có 69 nhiễm sắc thể thay vì 46. Điều này thường xảy ra khi hai tinh trùng thụ tinh với trứng, dẫn đến một bản sao thêm của vật liệu di truyền của người cha.
3. Biến chứng chửa trứng
- Sau khi chửa trứng được loại bỏ mô trứng bất thường có thể vẫn còn và tiếp tục phát triển. Hay còn được gọi là tăng sản nguyên bào nuôi (Gestational Trophoblastic Neoplasia - GTN). Khoảng trên 80% các trường hợp sau hút thai trứng sẽ trở về bình thường, có đến 15 đến 20% của thai trứng hoàn toàn có biến chứng tăng sản nguyên bào nuôi, và khoảng 5% của thai trứng bán phần. Một dấu hiệu của tăng sản nguyên bào nuôi là sự tăng nồng độ HCG (một loại hormone thai kỳ).
- Trong một số trường hợp, chửa trứng xâm lấn sâu vào lớp giữa của thành tử cung, gây chảy máu âm đạo.
- GTN có thể được điều trị thành công, thường xuyên nhất là bằng hóa trị. Một lựa chọn điều trị khác là cắt bỏ tử cung. Hiếm khi, một dạng tăng sản nguyên bào nuôi gây ung thư biểu mô, phát triển và lan sang các cơ quan khác. Ung thư biểu mô có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng nhiều loại thuốc ung thư. Chửa trứng hoàn toàn có nhiều khả năng có biến chứng này hơn so với chửa trứng bán phần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.