Thai trứng là bệnh lý sản khoa có thể gặp ở bất kỳ phụ nữ nào. Nạo hút thai trứng nguy hiểm hơn nạo hút thai thường do tử cung mềm và to, nguy cơ chảy máu tử cung, thủng tử cung trong quá trình nạo hút cao.
1. Thai trứng là gì?
Thai trứng là tình trạng rau thai phát triển không bình thường. Trong đó, một phần hoặc toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành những túi dịch. Các túi dịch này bám dính vào nhau, có hình dáng tương tự như chùm nho.
Phần bánh rau thoái hóa có xu hướng phát triển, dần lấn chiếm toàn bộ diện tích tử cung, ngăn cản sự phát triển của bào thai. Nhau thai thoái hóa nên không thể đưa dưỡng chất từ máu của mẹ truyền sang con.
Ước tính cứ 1000 phụ nữ mang thai thì có 1 người mắc thai trứng. Bất kỳ ai cũng có thể chửa trứng ngay cả khi những lần mang thai trước bình thường.
Có hai loại chửa trứng, bao gồm:
- Chửa trứng một phần (bán phần): Nhau thai và một số bộ phận của thai nhi không phát triển, thai nhi không có đầy đủ các cơ quan như người bình thường
- Chửa trứng hoàn toàn (toàn phần): Là tình trạng trong tử cung không có thai nhi, chỉ có nhau thai phát triển
Cả hai loại chửa trứng này thường lành tính, không phát triển thành ung thư.
2. Nguyên nhân gây ra thai trứng?
Hiện nay, vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây ra thai trứng. Phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi, môi trường sống nào đểu có thể mắc thai trứng. Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố nguy cơ cao dẫn đến thai trứng như:
- Mắc thai trứng do di truyền DNA trong quá trình thụ tinh: Thai nhi được thụ tinh bởi trứng có chất lượng thấp, trứng không hoàn thiện hoặc tinh trùng không hoàn thiện
- Phụ nữ dưới 20 tuổi và trên 35 tuổi có nguy cơ mắc thai trứng nhiều hơn
- Phụ nữ đã từng chửa trứng có nguy cơ mắc thai trứng thêm lần nữa.
3. Điều trị thai trứng bằng phương pháp nạo hút
Thai trứng khiến thai nhi không thể phát triển bình thường. Do đó, thai phụ cần được điều trị để phòng ngừa các biến chứng. Nếu được điều trị đúng cách, thai phụ có thể khỏe mạnh và mang thai bình thường ở những lần tiếp theo.
Nạo hút thai trứng là phương pháp điều trị thai trứng phổ biến. Các bước nạo hút thai trứng bao gồm:
Sản phụ nằm ở tư thế phụ khoa
- Bác sĩ tiến hành sát khuẩn vùng âm đạo và âm hộ
- Đặt van âm đạo, sát khuẩn lại âm đạo và cổ tử cung
- Dùng kẹp kẹp cổ tử cung và đo buồng trứng
- Dùng bơm hút hoặc máy hút hút trứng trong tử cung
- Đo lại buồng tử cung
- Làm sạch và sát khuẩn lại âm đạo, cổ tử cung
- Tháo dụng cụ kẹp
- Lấy mẫu bệnh phẩm vừa hút ra đi xét nghiệm làm giải phẫu bệnh.
Trường hợp phải nạo hút lại lần 2 sẽ được thực hiện sau nạo hút lần 1 khoảng 2 - 3 ngày, tùy tình trạng bệnh nhân. Nếu thai trứng đã xâm lấn làm thủng tử cung hoặc người bệnh không muốn có con nữa thì có thể phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
4. Theo dõi sau nạo hút thai trứng
Sau nạo hút thai trứng, bệnh nhân cần kết hợp điều trị bằng kháng sinh và thuốc co tử cung. Bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ để kiểm soát tình trạng phục hồi, đề phòng nguy cơ biến chứng ác tính. Trường hợp bị biến chứng sẽ phải điều trị bằng hóa chất, thậm chí là cắt bỏ tử cung.
Thời gian có thể mang thai lại sau nạo hút thai trứng là 12 tháng. Sau hai tuần kể từ ngày nạo hút thai trứng, người bệnh cần đến bệnh viện 2 lần/tuần trong 3 tháng đầu để thực hiện xét nghiệm định lượng beta hCG. Sau 3 tháng, bệnh nhân có thể giãn cách thời gian thực hiện xét nghiệm thành 6 tháng/lần cho đến hết 12 tháng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.