Chọn van tim nhân tạo như thế nào?

Bài viết được viết bởi bác sĩ tại Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City.

Khi phải thay van tim, nghĩa là bệnh nhân sẽ đánh đổi “bệnh van tim” với một bệnh khác là “bệnh van tim nhân tạo”. Van nhân tạo lý tưởng phải có những đặc điểm gần giống với van tim bình thường, có huyết động tốt, bền, tránh được nguy cơ tạo huyết khối và thuận lợi cho việc đặt vào tim.

1. Các loại van tim nhân tạo

Van cơ học

Van cơ học được làm từ vật liệu nhân tạo như titan, silicon... có độ bền 20 - 30 năm hoặc lâu hơn nữa. Van cơ học có tính tạo huyết khối rất mạnh nên bắt buộc phải dùng thuốc chống đông máu nhóm kháng vitamin K vĩnh viễn. Có 3 loại van cơ học đã từng được sử dụng là van hòn bi, van 1 cánh và van hai cánh. Ở Việt Nam chỉ còn loại van 2 cánh đang được sử dụng. Van gồm 2 lá van hình bán nguyệt gắn vào khung cứng qua một bản lề nhỏ. Góc mở của lá van so với mặt phẳng vòng van từ 75o đến 90o.


Các loại van cơ học: Van hòn bi (hình A), van 1 cánh (hình B và C) và van 2 cánh (hình D)
Các loại van cơ học: Van hòn bi (hình A), van 1 cánh (hình B và C) và van 2 cánh (hình D)

Van sinh học

Van sinh học được tạo ra từ các mô động vật như bò, lợn, ngựa hoặc từ van của những người hiến tạng, sử dụng được 10 - 15 năm hoặc ngắn hơn. Van sinh học cũng có nguy cơ tạo huyết khối nhưng ít hơn so với van cơ học nên thông thường chỉ cần dùng thuốc chống đông máu nhóm kháng vitamin K 3 tháng.

Các loại van sinh học:

  • Van sinh học có giá đỡ: Van được thiết kế giống như van động mạch chủ của người. Van có thể được làm từ van tim lợn sau đó cố định trên dung dịch Gutaraldehyde rồi gắn lên giá đỡ bằng kim loại và polymer. Vật liệu làm van cũng có thể từ màng tim bò đã cố định rồi gắn lên phía trong hoặc phía ngoài giá đỡ.
  • Van sinh học loại không có giá đỡ: Các hãng sản xuất đã cố gắng tăng hiệu quả huyết động và độ bền bằng cách loại bỏ giá đỡ trên van sinh học.
  • Van sinh học loại được đặt qua da: Thay van động mạch chủ qua da đang là phương pháp thay thế cho thay van động mạch chủ thông thường trên những bệnh nhân hẹp van động mạch chủ có nguy cơ phẫu thuật rất cao hoặc không còn có chỉ định phẫu thuật. Van được gắn vào một thiết bị luồn qua da vào động mạch đùi đưa lên gắn vào van động mạch chủ. Trong một số trường hợp, do động mạch nhỏ có thể đưa qua đường mở ngực nhỏ rồi đặt xuyên qua mỏm tim.

Van sinh học được tạo ra từ các mô động vật như bò, lợn, ngựa hoặc từ van của những người hiến tạng
Van sinh học được tạo ra từ các mô động vật như bò, lợn, ngựa hoặc từ van của những người hiến tạng

2. Lựa chọn van

Lựa chọn van: Không có một loại van tốt nhất cho tất cả các bệnh mà tùy bệnh nhân cụ thể mà chọn loại van phù hợp nhất. Việc lựa chọn bước đầu là van sinh học hay van cơ học, sau đó là trong nhóm sinh học hay cơ học, lựa chọn loại van cụ thể nào.
Khi lựa chọn giữa van cơ học và van sinh học cần đánh giá các yếu tố tuổi của bệnh nhân, tuổi thọ dự kiến, ý muốn của bản thân bệnh nhân, bệnh nhân có được dùng, phải dùng hay không thể dùng được thuốc chống đông nhóm kháng vitamin K, các bệnh phối hợp. Càng ngày, ý kiến của bệnh nhân càng quan trọng để quyết định.

Yếu tố hướng đến lựa chọn van cơ học

  • Bệnh nhân muốn dùng van cơ học và không có chống chỉ định dùng thuốc chống đông kháng vitamin K lâu dài.
  • Bệnh nhân đã có chỉ định dùng thuốc chống đông kháng vitamin K lâu dài. Việc có van cơ học chỉ là một yếu tố tăng nguy cơ biến chứng hình thành huyết khối (ví dụ bệnh nhân đã bị rung nhĩ).
  • Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ làm tăng quá trình thoái hóa van sinh học (ở tuối trẻ, cường tuyến cận giáp trạng hoặc suy thận) .
  • Bệnh nhân dưới 65 tuổi và sức khỏe tốt.

Yếu tố hướng đến lựa chọn van sinh học

  • Bệnh nhân muốn dùng van sinh học sau khi được giải thích kỹ về cả hai loại van.
  • Bệnh nhân không thể theo dõi tác dụng của thuốc chống đông tốt (vùng sâu, vùng xa..) hoặc do điều kiện công việc, sở thích không muốn dùng thuốc chống đông (như các cầu thủ bóng đá, vận động viên thể thao..)
  • Bệnh nhân trên 65 tuổi hoặc có bệnh hiểm nghèo.
  • Phụ nữ trẻ và muốn sinh con. Cần phải khuyến cáo thêm van sinh học thoái hóa nhanh hơn ở người trẻ và trong khi có thai.

Lựa chọn loại van và kích cỡ van

Đây là nhiệm vụ của bác sĩ phẫu thuật tim . Bác sĩ cần phải dựa trên những nghiên cứu lâu dài và tin cậy để lựa chọn loại van tốt nhất cho từng bệnh nhân.

  • Với van sinh học, yếu tố hàng đầu để lựa chọn là tuổi thọ của van.
  • Với van cơ học, yếu tố hàng đầu để lựa chọn là tính chất ít tạo thành huyết khối.
  • Bác sĩ cũng sẽ lựa chọn loại van có huyết động tốt nhất để hạn chế hiện tượng mất cân xứng giữa kích thước lỗ van và kích thước bệnh nhân. Hiện tượng này có thể được hiểu như việc thay thế một van nhân tạo có diện tích lỗ van quá nhỏ so với kích thước đủ để bệnh nhân hoạt động bình thường và hay gặp khi thay van động mạch chủ hơn là khi thay van hai lá. Trên siêu âm kiểm tra, sau mổ sẽ phát hiện chênh áp cao hơn mức cho phép qua van nhân tạo, đây có thể coi là hẹp van tương đối. Nhìn chung có một số yếu tố ảnh hưởng đến huyết động và qua đó ảnh hưởng đến hiện tượng mất cân xứng giữa kích thước lỗ van và kích thước bệnh nhân.
  • Cùng nhà sản xuất, các loại van đời mới hơn thì tốt hơn đời cũ.
  • Thông thường van cơ học có huyết động tốt hơn van sinh học.
  • Loại van đặt ở vị trí trên vòng van có huyết động tốt hơn loại đặt ở trong vòng van.
  • Trong các loại van sinh học, loại không có giá đỡ có huyết động tốt hơn loại có giá đỡ (nhưng đánh đổi là thời gian ngừng tim để phẫu thuật lâu hơn và kỹ thuật cũng khó hơn)
  • Yếu tố rất quan trọng khác khi lựa chọn loại van là yếu tố thuận lợi cho kỹ thuật mổ mà phẫu thuật viên thực hiện.

Ví dụ: Khi thay van hai lá, việc giữ lại lá sau và toàn bộ dây chằng là rất quan trọng trong việc loại bỏ biến chứng vỡ tim sau thay van và cải thiện chức năng tim sau mổ. Phẫu thuật viên sẽ chọn loại van nào để khi thay van các dây chằng và lá van để lại sẽ không gây cản trở hoạc kẹt lá van nhân tạo.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe