Chốc lở ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng da rất thường gặp, xảy ra đặc biệt phổ biến ở trường học, nhà trẻ,...khi thời tiết ấm áp, ẩm ướt. Chốc lở ở trẻ em thường là dạng nhiễm trùng da lành tính, tuy nhiên nếu không điều trị từ sớm có thể gây các biến chứng như để lại sẹo, viêm thận,...
1. Chốc lở ở trẻ em là gì?
Chốc lở là bệnh nhiễm trùng da rất thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em từ 2 đến 6 tuổi. Chốc lở xảy ra khi các vi khuẩn như tụ cầu hoặc liên cầu xâm nhập vào da qua các thương hở như vết cắt hoặc vết xước. Bệnh thường xuất hiện vào mùa hè, ở những nơi điều kiện sống thiếu vệ sinh, dân cư đông. Tỷ lệ bệnh gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái.
2. Triệu chứng của chốc lở
Trẻ bị chốc lở thường có các triệu chứng như:
- Trên da xuất hiện một đám mụn nước nhỏ màu đỏ phồng rộp, hóa mủ nhanh sau đó các mụn nước này vỡ ra và lan rộng. Tùy thuộc vào loại vi khuẩn nào gây chốc lở ở trẻ mà tính chất các mụn nước có thể to nhỏ khác nhau. Phần da xung quanh các mụn nước có thể trở nên mẩn đỏ.
- Các vết phồng rộp thường xuất hiện quanh mũi và miệng nhưng cũng có thể cũng có thể xuất hiện trên cánh tay, chân hoặc các khu vực khác của cơ thể. Bệnh xuất hiện với một thương tổn đơn độc hoặc nhiều thương tổn. Người bệnh có thể sốt, mệt mỏi, nổi hạch.
- Các mụn nước sau khi vỡ, mủ khô đi sẽ tạo thành một lớp vảy màu vàng mật ong. Tình trạng nhiễm trùng da có thể lan rộng sang các vùng khác do trẻ cào, gãi.
3. Vì sao trẻ bị chốc lở?
Chốc lở ở trẻ em là bệnh rất dễ lây. Trẻ có thể bị chốc lở do chạm vào vết chốc của trẻ bị bệnh trước đó hoặc tiếp xúc với những đồ vật mà trẻ bị bệnh đã chạm vào như đồ chơi, khăn tắm, quần áo, khăn trải giường,..Trường học và các cơ sở chăm sóc trẻ em là nơi dễ lây bệnh chốc nhất, đặc biệt là khi thời tiết ấm áp, ẩm ướt.
Trẻ bị chốc lở còn có thể do vi khuẩn đã có sẵn trên bề mặt da của trẻ, khi da trẻ có các vết trầy xước, vi khuẩn sẽ có điều kiện thuận lợi xâm nhập và gây nhiễm trùng. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập thông qua vết chàm, vết côn trùng cắn, vết loét,...
4. Trẻ bị chốc có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?
“Trẻ chị chốc có nguy hiểm không?”. Chốc lở ở trẻ thường không nguy hiểm, các vết loét ở dạng nhiễm trùng nhẹ thường lành tính và không để lại sẹo. Tuy nhiên, một số ít trường hợp trẻ bị chốc lở có thể xảy ra các biến chứng như:
- Viêm mô tế bào: Nhiễm trùng da trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các mô dưới da, lan đến hạch bạch huyết và máu. Nếu không được điều trị tích cực có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
- Sẹo: Thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào da, gây các vết loét sâu chứa đầy mủ, sau khi được điều trị có thể để lại sẹo.
- Viêm thận: Các loại vi khuẩn gây chốc lở ở trẻ em có thể xâm nhập và ảnh hưởng chức năng thận.
Do đó, điều trị chốc lở ở trẻ em kịp thời là rất quan trọng. Nếu nhiễm trùng mức độ rất nhẹ, bác sĩ có thể khuyên bạn chỉ cần giữ cho khu vực da nhiễm trùng của trẻ sạch sẽ và để nó tự khỏi. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh dạng uống và dạng bôi tại chỗ để điều trị nhiễm trùng. Sử dụng kháng sinh nên chú ý đến 5 nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh an toàn để đạt hiệu quả điều trị và ngăn vi khuẩn quay trở lại.
Cần giữ sạch vùng da bị chốc bằng cách rửa sạch bằng xà phòng và nước ấm, sau đó dùng khăn sạch thấm cho khô. Có thể dùng khăn giấy, sau đó vứt khăn giấy vào thùng rác sau mỗi lần sử dụng.
Trẻ bị chốc lở cần được cắt móng tay để tránh gãi vào vùng da bị tổn thương, việc cào gãi sẽ làm nhiễm khuẩn da lan ra các vùng khác của cơ thể hoặc lây cho người khác. Sau khi bôi kháng sinh, có thể che vùng da nhiễm trùng bằng băng gạc (nên băng lỏng) để hạn chế nhiễm khuẩn lây lan.
Nếu sau 3 ngày, các phương pháp điều trị tỏ ra không hiệu quả, trẻ bị sốt hoặc tình trạng nhiễm trùng da trở nên nghiêm trọng hơn, bạn hãy cho trẻ tái khám để bác sĩ thay đổi hướng điều trị.
5. Làm sao để ngăn ngừa trẻ bị chốc lở lây bệnh cho người khác?
- Nếu trẻ bị chốc lở không được điều trị, trẻ rất dễ lây cho những người xung quanh. Khi trẻ được điều trị bằng kháng sinh, các tổn thương ở da bắt đầu khỏi, trẻ sẽ không còn nguy cơ lây nhiễm.
- Trong thời gian chờ trẻ lành bệnh, hãy tránh các tình huống trẻ tiếp xúc gần với người khác.
- Cho trẻ nghỉ học trong thời gian trẻ bị chốc lở. Các thành viên trong gia đình không dùng chung xà phòng, khăn tắm, bàn chải tóc hoặc các vật dụng cá nhân khác với trẻ. Khi bôi thuốc cho trẻ, mẹ hãy đeo găng tay sau đó rửa tay sạch sẽ.
- Giặt quần áo, ga trải giường và khăn tắm của trẻ hàng ngày.
- Giữ cho làn da sạch sẽ là phương pháp tốt nhất để tránh bị bệnh chốc lở. Khi có các vết trầy xước trên da, vết côn trùng cắn,... hãy rửa sạch bằng các dung dịch sát khuẩn. Đảm bảo các thành viên trong gia đình phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, sau đó lau khô tay bằng khăn sạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com