Choáng do phân phối dịch là gì?

Choáng do phân phối dịch là kháng lực mạch máu giảm nặng, vượt quá sự bù trừ của tình trạng tăng cung lượng tim. Choáng sẽ gây giảm tưới máu mô hệ thống, mất cân bằng cung và cầu oxy của mô, thiếu oxy cho mô.

1. Choáng là gì?

Choáng được xem là tình trạng tưới máu cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho các mô và cơ quan trong cơ thể con người không đủ. Cuối cùng, choáng sẽ rối loạn chức năng màng tế bào, rối loạn chuyển hóa tế bào và chết tế bào.

Choáng thường gây giảm tưới máu mô hệ thống, thiếu oxy cho mô, mất cân bằng cung và cầu oxy của mô. Các giai đoạn của choáng bao gồm:

  • Choáng giai đoạn 1: Hay còn gọi là choáng còn bù. Choáng còn bù khó có thể nhận biết triệu chứng. Nếu phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ hồi phục được. Một số biểu hiện có thể có như nhịp tim nhanh, huyết áp giảm nhẹ, bứt rứt...
  • Choáng giai đoạn 2: Đây là dạng choáng mất bù, gây tình trạng giảm tưới máu lên các cơ quan trong cơ thể người bệnh như: Não (rối loạn tri giác); thận (thiểu niệu); tim (thiếu máu cơ tim). Các triệu chứng dễ nhận biết như mạch nhanh và khó bắt, tụt huyết áp, co mạch ngoại biên, đầu chi tím, mồ hôi vã.
  • Choáng giai đoạn 3: Choáng không hồi phục. Đây là tình trạng giảm tưới máu mô kéo dài dẫn đến thay đổi chức năng màng tế bào, kết tập tế bào máu trong vi tuần hoàn gây nghẽn mao mạch và tổn thương tế bào.

2. Choáng do phân phối dịch là gì?

Choáng do phân phối dịch là kháng lực mạch máu giảm nặng, vượt quá sự bù trừ của tình trạng tăng cung lượng tim. Ngoài choáng do phân phối dịch còn có các loại choáng như sau:

  • Choáng giảm thể tích: Choáng giảm thể tích thường hay gặp nhất. Nguyên nhân là do giảm số lượng dịch nội mạch tuyệt đối so với dung tích của hệ mạch máu, làm giảm lượng máu về thất phải dẫn đến cung lượng tim giảm. Nếu choáng giảm thể tích kéo dài trong vài giờ thì nguy cơ tử vong cho người bệnh cao. Đặc biệt, trường hợp người bệnh có bệnh lý tim mạch, hô hấp, thận, não đi kèm thì tình trạng choáng sẽ nguy hiểm hơn nhiều.
  • Choáng tim: Choang tim do các bệnh như nhồi máu cơ tim cấp, bệnh van tim nặng, hẹp khít van động mạch chủ.
  • Choáng do tắc nghẽn: Sự tắc nghẽn dòng máu sẽ gây giảm áp lực đổ đầy tâm trương hoặc do tăng hậu tải quá mức. Nguyên nhân là do tràn khí màng phổi áp lực, chèn ép tim, viêm màng ngoài tim co thắt, thuyên tắc phổi.

3. Biến chứng của choáng


Choáng có thể gây ra tình trạng bị đông máu nội mạch lan tỏa
Choáng có thể gây ra tình trạng bị đông máu nội mạch lan tỏa

Biến chứng choáng do phân phối dịch và các loại choáng khác gây ra các biến chứng như sau:

  • Choáng gây đông máu nội mạch lan tỏa: Đây là biến chứng thường gặp trong choáng. Nguyên nhân là do tình trạng đông máu nội mạch và tiêu fibrin xảy ra đồng thời. Triệu chứng lâm sàng là xuất huyết, gây hoại tử vỏ thận, tổn thương các cơ quan.
  • Choáng phổi: Choáng phổi là tình trạng phù phổi cấp không do tim, suy hô hấp cấp giảm oxy máu nặng. Khi chụp X quang thì thấy hình ảnh thâm nhiễm phổi lan rộng.
  • Suy thận cấp: Nguyên nhân chủ yếu do giảm tưới máu thận trong tình trạng tụt huyết áp. Các chẩn đoán lâm sàng là thiểu niệu, vô niệu, ure và creatinin máu tăng.
  • Choáng gây biến chứng trên gan, tim, não: Tại gan gây tổn thương gan cấp với dấu hiệu tăng men gan, tăng bilirubin... Đối với tim nếu huyết áp giảm < 60 mmHg, toan máu nặng sẽ gây giảm co bóp cơ tim dẫn đến cung lượng tim giảm. Với não, khi huyết áp giảm nặng, toan máu nặng, oxy máu giảm và đường huyết hạ thì người bệnh sẽ có dấu hiệu bứt rứt, lơ mơ, lú lẫn, hôn mê.

Sử dụng thuốc vận mạch giúp điều trị choáng
Sử dụng thuốc vận mạch giúp điều trị choáng

Khi có biến chứng này xảy ra, các biện pháp điều trị choáng chung là:

  • Cho người bệnh thở oxy
  • Thở máy khi cần.
  • Bù đủ thể tích tuần hoàn.
  • Dùng thuốc vận mạch.
  • Điều chỉnh rối loạn điện giải, kiềm-toan...
  • Theo dõi huyết áp, nhịp thở, Sp02, lượng nước tiểu,..

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe