Chớ đánh chung bàn chải đánh răng với người khác

Dùng chung bàn chải đánh răng là hành động vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng và cơ thể của bạn. Nó có thể gây ra tình trạng lây nhiễm các loại bệnh khó lường. Chính vì vậy, chớ đánh chung bàn chải đánh răng với người khác.

1. Chớ đánh chung bàn chải đánh răng với người khác

Dù là vô tình hay cố ý thì việc sử dụng bàn chải của người khác để sử dụng có thể khiến cho răng, nướu và miệng của bạn có thể phải tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, dẫn đến các loại bệnh tật và nhiễm trùng.

Vì các loại thức ăn thường bị kẹt trong lông bàn chải, ngay cả khi bạn không nhìn thấy chúng. Chính vì vậy, khi sử dụng chung bàn chải với người khác, sẽ dẫn đến tình trạng mất vệ sinh vì các mảnh thức ăn này sẽ là nơi sản sinh ra các loại vi khuẩn có hại, chúng phát triển và xâm nhập vào miệng của bạn.

Trên thực tế, khi sử dụng bàn chải càng nhiều thì nó sẽ càng nhanh hỏng. Vì vậy, khi nhiều người cùng sử dụng một chiếc bàn chải đánh răng thì nó sẽ nhanh hỏng hơn, gây ra tình trạng gãy lông bàn chải khiến cho việc đánh răng kém hiệu quả, không làm sạch răng và thậm chí còn có thể gây xước nướu và gây chảy máu chân răng.

Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe răng miệng của mình và mọi người xung quanh thì không được sử dụng chung bàn chải đánh răng. Điều này sẽ ngăn chặn được sự lây lan của vi khuẩn, virus, bảo vệ được sức khỏe răng miệng của bạn.

2. Một số bệnh có thể lây nhiễm khi sử dụng chung bàn chải đánh răng

Bệnh nướu răng:

Nếu bàn chải đánh răng của người khác có chứa các loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus thì khi sử dụng chung bàn chải sẽ dẫn đến tình trạng mắc bệnh nướu răng. Nếu bạn có các biểu hiện loét miệng, chảy máu khi đánh răng, ... thì cần phải thay bàn chải ngay lập tức.

Bệnh Herpes:

Nếu bạn sử dụng chung bàn chải đánh răng với người bị nhiễm virus Herpes Simplex thì bạn sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng và lây bệnh Herpes.

Bệnh viêm gan:

Theo báo cáo nghiên cứu, bệnh viêm gan C có thể lây truyền thông qua việc sử dụng chung bàn chải đánh răng với người bị nhiễm. Triệu chứng của viêm gan C là buồn nôn, chán ăn và vàng da.

Bệnh bạch cầu đơn nhân:

Bạch cầu đơn thân là loại bệnh nhiễm virus, gây đau họng, sốt và nổi hạch. Bệnh này do virus Epstein-Barr virus gây ra và có khả năng lây nhiễm cao thông qua đường nước bọt và máu. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, đau đầu, sốt và thường bị nhầm lẫn với tình trạng sốt virus.

3. Dùng chung bàn chải đánh răng có bị lây HIV không?

Nhiều người thắc mắc rằng sử dụng chung bàn chải đánh răng với người bị nhiễm HIV thì có bị nhiễm không? Theo như một số nghiên cứu thì những người bị nhiễm HIV đã điều trị ARV và đạt được mục tiêu giảm tải virus có trong máu dưới mức phát hiện thì khả năng lây nhiễm gần như là không có. Virus HIV không thể sống trong môi trường không khí, nước, các loại thức ăn, chúng chỉ sống được ở trong các dịch của cơ thể.

Vì vậy, khi sử dụng chung bàn chải đánh răng với người bị nhiễm HIV là một trong những hành vi có nguy cơ lây nhiễm nhưng tỷ lệ rất thấp. Chính vì vậy, bạn không nên chủ quan vì trong quá trình đánh răng, người bị HIV có thể bị chảy máu, sau đó bạn sử dụng bàn chải của họ thì nguy cơ nhiễm vẫn có thể xảy ra. Vì thế, không nên sử dụng chung bàn chải đánh răng với người khác.

4. Một số điều cần nhớ khi sử dụng bàn chải đánh răng

Không nên đặt bàn chải đánh răng quá gần bồn cầu:

Việc đặt bàn chải đánh răng quá gần với bồn cầu sẽ khiến cho các loại vi khuẩn từ bồn cầu, đặc biệt là khi bồn cầu mở nắp thường xuyên có thể bám tới bàn chải. Và khi bạn đánh răng thì vi khuẩn sẽ di chuyển vào bàn chải, vào cơ thể và gây hại cho sức khỏe.

Chính vì vậy, để có thể hạn chế tối đa việc vi khuẩn tiếp xúc với bàn chải đánh răng, bạn nên để chúng cách xa bồn cầu ít nhất 1m. Nếu không thể đảm bảo được khoảng cách đó, bạn nên bảo quản bàn chải đánh răng trong một chiếc hộp kín để hạn chế tối đa trường hợp vi khuẩn bám vào bàn chải.

Thay bàn chải đánh răng đúng định kỳ: 3 tháng một lần:

Các bác sĩ nha khoa khuyến cáo rằng, cần phải thay bàn chải đánh răng sau 3 tháng sử dụng. Vì bàn chải đánh răng là dụng cụ vệ sinh cá nhân hàng ngày, sử dụng ít nhất 1 lần/ngày nên với tần suất sử dụng cao như vậy thì nó sẽ nhanh bị mài mòn, dẫn đến khả năng làm sạch răng miệng giảm dần theo thời gian. Chính vì vậy, bạn cần phải thay mới đúng lúc để phòng ngừa được bệnh sâu răng, bảo vệ tối ưu răng miệng.

Nếu chọn bàn chải cho các bé, cha mẹ nên lựa chọn các loại bàn chải có đầu nhỏ, lông mềm, thưa để không gây đau miệng cho bé.

Tạo khoảng cách giữa các bàn chải đánh răng với nhau:

Thực tế, mọi người thường đặt bàn chải đánh răng của tất cả các thành viên trong gia đình chung 1 chỗ và để đầu bàn chải tiếp xúc gần hoặc bị sát vào nhau. Điều này sẽ khiến cho các bàn chải lâu khô, vi khuẩn dễ lây lan từ bàn chải này qua bàn chải khác, tăng nguy cơ mắc bệnh sâu răng, các bệnh về nướu cho toàn bộ thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, cần phải đặt bàn chải tách riêng nhau trong khay đựng chuyên nghiệp hoặc đặt trong cốc nhưng các đầu bàn chải cần phải cách xa nhau.

Không được bảo quản bàn chải đánh răng trong hộp nhựa nhỏ kín:

Việc bảo quản bàn chải đánh răng trong một hộp kín, nhỏ khi bàn chải vẫn còn ướt sẽ khiến cho bàn trải khó khô, đồng thời môi trường ẩm ướt sẽ khiến cho các vi khuẩn nhanh chóng sinh sôi và phát triển.

Chính vì vậy, sau khi sử dụng xong, bạn nên đặt bàn chải đánh răng ở nơi khô ráo, có thể bảo quản ở trong một chiếc hộp kín nhưng phải roojng và bằng chất liệu thủy tinh. Hoặc khi để trần thì nên phủ một chiếc khăn vải sạch sẽ phủ lên đầu bàn chải để chúng được khô ráo và hạn chế được tình trạng vi khuẩn, bụi bẩn bám vào bàn chải.

Cần làm sạch bàn chải đánh răng sau khi sử dụng:

Việc vệ sinh bàn chải đánh răng không chỉ là làm sạch các bọt kem đánh răng và các chất bản trên bàn chải . Mà sau khi sử dụng xong, bạn cần phải tiêu diệt các loại vi khuẩn và chất bẩn sâu để bàn chải luôn được sạch sẽ để đánh răng được hiệu quả và an toàn hơn.

Cách giúp cho bàn chải đánh răng trở nên sạch khá đơn giản, bạn chỉ cần nhúng đầu bàn chải đánh răng vào cốc nước sôi hoặc ngâm chúng với giấm ăn một vài phút, sau đó rửa đem lại sạch bằng nước ấm. Thực hiện mỗi tuần một lần để bàn chải đánh răng đảm bảo được vệ sinh.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho người đọc có thêm kiến thức trong việc sử dụng bàn chải đánh răng. Từ đó, chớ đánh chung bàn chải với người khác để đảm bảo được sức khỏe cho chính bản thân và người khác. Đồng thời biết thêm được nhiều điều trong quá trình sử dụng bàn chải đánh răng, giúp cho răng miệng luôn được khỏe mạnh, giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe