Chỉ số PSA là gì và có ý nghĩa gì trong chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sử dụng các xét nghiệm sàng lọc ung thư nói chung hay sử dụng chỉ số PSA để nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt nói riêng là vấn đề nam giới ở độ tuổi trung niên nên cân nhắc.

1. Tổng quan về ung thư tiền liệt tuyến

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm dưới bàng quang của nam giới, phía trước ruột già. Nó bao quanh niệu đạo, tức ống dẫn nước tiểu nằm bên trong dương vật qua đó nước tiểu và tinh dịch được thoát ra ngoài. Ung thư tiền liệt tuyến là một căn bệnh khá phổ biến đối với nam giới trên toàn thế giới và có khả năng gây tử vong cao (tỷ lệ gây tử vong đứng thứ 2 sau ung thư phổi), tuy nhiên đa số người mắc ung thư tiền liệt tuyến ở mức nhẹ có thể sống nhiều năm nếu được phát hiện kịp thời.

Các yếu tố chính góp phần làm tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến bao gồm:

  • Tuổi tác: Nam giới càng lớn tuổi càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là sau 50 tuổi.
  • Chủng tộc: Người gốc Phi thường dễ mắc căn bệnh này hơn những đàn ông thuộc các chủng tộc khác, sau đó là người châu Âu, người châu Á có tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất.
  • Tiền sử gia đình: Hơn 50% nguy cơ người bệnh sẽ mắc ung thư tiền liệt tuyến nếu cha, chú hoặc anh trai của họ được chẩn đoán mắc căn bệnh này trước 65 tuổi.
  • Di truyền đột biến gen: Nên xét nghiệm di truyền nếu tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh ung thư hoặc nếu người có quan hệ huyết thống được chẩn đoán bị đột biến gen BRCA1 và BRCA2.
  • Chế độ ăn: Ăn nhiều chất béo động vật và ít rau quả có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Trên thực tế, không phải tất cả các trường hợp mắc ung thư tiền liệt tuyến đều cần phải can thiệp điều trị bằng phẫu thuật. Nguyên nhân là do căn bệnh này thường tiến triển chậm trong nhiều năm, có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng hay tác động xấu nào đến người bệnh trong suốt khoảng thời gian được chẩn đoán mắc ung thư tiền liệt tuyến – đó là thể ẩn của ung thư tiền liệt tuyến. Ung thư tiền liệt tuyến là loại ung thư duy nhất tồn tại dưới hai thể - thể ẩn và thể có biểu hiện lâm sàng. Yếu tố quyết định chỉ định điều trị bao gồm tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh, nguy cơ phát triển bệnh (nồng độ PSA huyết thanh, giai đoạn lâm sàng, điểm Gleason).

Ngoài ra, những rủi ro và tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình chữa bệnh như là: tiểu không tự chủ, rối loạn cương dương hoặc rối loạn chức năng ruột cũng là một lí do khác mà các bác sĩ và bệnh nhân phải cân nhắc.

2. Chỉ số PSA là gì?

2.1. Định nghĩa


Xét nghiệm PSA là một loại xét nghiệm máu, công cụ để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt.
Xét nghiệm PSA là một loại xét nghiệm máu, công cụ để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt.

Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) là một loại glycoprotein được mã hóa bởi gen KLK-3, được tiết ra bởi các tế bào biểu mô tuyến tiền liệt, một phần nhỏ PSA cũng được tiết ra bởi các tế bào trong các tuyến cận niệu đạo và hậu môn.

PSA chủ yếu được tìm thấy trong tinh dịch, một lượng nhỏ cũng lưu thông vào trong máu. Các tế bào ung thư tiền liệt tuyến thường tạo ra nhiều PSA hơn các tế bào lành tính, khiến nồng độ PSA trong máu của người bệnh tăng lên. Bình thường nồng độ PSA trong máu của nam giới khỏe mạnh rất thấp. Sự xuất hiện của PSA với nồng độ cao trong máu thường liên quan tới những rối loạn bất thường ở tuyến tiền liệt, cho thấy mức độ bệnh và sự tiến triển của khối u. Tuy nhiên một phần nhỏ nam giới nồng độ PSA có thể tăng trong cả khi không mắc ung thư tiền liệt tuyến (bệnh phì đại tuyến tiền liệt lành tính, viêm tuyến tiền liệt, kích thích tuyến tiền liệt ..) do đó cần định lượng thêm PSA tự do cũng như xác định tỷ số fPSA/TPSA để chẩn đoán phân biệt.

2.2. Khi nào nên thực hiện xét nghiệm PSA

Hầu hết các tổ chức y tế khuyến khích nam giới ở độ tuổi 50 nên cân nhắc về việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt. Có thể tiến hành sớm hơn trên nam giới từ 40 tuổi trở lên nếu có yếu tố gia đình (bố hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt). Tuy nhiên, cần trao đổi với bác sĩ để nắm rõ các thông tin cần thiết trước khi tiến hành xét nghiệm. Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, nam giới từ 70 tuổi trở đi không cần thiết kiểm tra xem mình có bị mắc căn bệnh này hay không, đặc biệt là khi đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe khác và triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt không rõ ràng.

Đối với những nam giới đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến, tiếp tục kiểm tra chỉ số PSA định kỳ còn giúp các bác sĩ đánh giá nguy cơ tử vong của các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt thể khu trú, theo dõi mức độ hiệu quả của quá trình điều trị cũng như sự phát triển hay tái phát của tế bào ung thư tùy theo mức độ nguy cơ của bệnh.

3. Phương pháp đo chỉ số PSA

Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch, mẫu bệnh phẩm sẽ được phân tích trong phòng thí nghiệm để định lượng nồng độ PSA của bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm PSA được tính theo đơn vị ng (nanogam) /mL và không có giá trị trung bình của người khỏe mạnh. Để đánh giá chỉ số PSA của người bệnh, các bác sĩ sẽ cần xem xét đến một số yếu tố khác như:

  • Tuổi
  • Kích thước của tuyến tiền liệt
  • Mức độ thay đổi nhanh của PSA
  • Các loại thuốc bệnh nhân đang dùng có ảnh hưởng để kết quả đo PSA

Bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết tiền liệt tuyến (lấy mẫu tế bào hoặc mô ở vùng này để kiểm tra hóa học) dựa trên kết quả xét nghiệm PSA. Đây là xét nghiệm mang tính quyết định trong chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt. Xét nghiệm này đôi khi còn phải kết hợp với kiểm tra trực tràng kỹ thuật số (DRE) để cảm nhận những bất thường ở tuyến tiền liệt, ví dụ như khối u hoặc cục bất thường.

4. Ý nghĩa của công cụ sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến

4.1. Ưu điểm

  • Sàng lọc bằng xét nghiệm PSA giúp phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến, từ đó giúp người bệnh có được biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời, hay thậm chí là có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu mắc bệnh.
  • Tương tự như các loại xét nghiệm máu thông thường khác, thực hiện xét nghiệm PSA đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao hay máy móc hiện đại.
  • Xét nghiệm PSA mang tính khách quan, không phụ thuộc người khám, tránh tâm lý e ngại của người bệnh, mang đến sự yên tâm nhất định, giúp nam giới chủ động nắm được tình trạng sức khỏe của bản thân.
  • Số ca tử vong do ung thư tuyến tiền liệt đã giảm kể từ khi xuất hiện xét nghiệm PSA và xét nghiệm này được Cục quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ FDA đưa vào khuyến cáo tầm soát ung thư với nam giới độ tuổi từ 50 trở lên.

4.2. Nhược điểm

Nhiều người cho rằng những nhược điểm của sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt lớn hơn những ích lợi mà nó mang lại. Đó là


Tế bào ung thư ở tuyến tiền liệt đôi khi phát triển chậm và không sản nhiều PSA
Tế bào ung thư ở tuyến tiền liệt đôi khi phát triển chậm và không sản nhiều PSA
  • Đôi khi ung thư tiền liệt tuyến phát triển chậm và không bao giờ lan ra ngoài tuyến tiền liệt. Điều này khiến khó phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thông qua xét nghiệm máu thông thường.
  • Các xét nghiệm PSA không hoàn toàn chính xác. Mức PSA của bệnh nhân có thể "âm tính giả" nếu như mô ung thư lại không tạo ra nhiều PSA do sự tác động của béo phì hoặc một số loại thuốc hóa trị.
  • Ngược lại, “dương tính giả” cũng xảy ra khi họ bị phì đại tuyến tiền liệt lành tính hoặc viêm tuyến tiền liệt chứ không phải là do ung thư.
  • Kết quả cho chỉ số PSA cao nhưng lại không tìm ra tế bào ung thư tiền liệt tuyến có thể gây lo lắng và hoang mang hơn cho người bệnh.
  • Chi phí xét nghiệm tốn kém cũng là một nhược điểm khác của phương pháp xét nghiệm PSA.

Do đó cần có sự tư vấn của các chuyên gia y tế về việc có nên kiểm tra PSA hay sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến trên một đối tượng nam giới nhất định hay không. Người bệnh cũng nên được trao đổi với bác sĩ về sự cần thiết và những rủi ro có thể gặp nếu tiến hành đo chỉ số PSA là điều bệnh nhân nên làm trước khi đưa ra quyết định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe