Hiện nay ở nước ta đang có khoảng 8 - 10% dân số mắc căn bệnh suy thận vào giai đoạn cuối, vì thế nhu cầu sử dụng các phương pháp điều trị thay thế ngày càng lớn. Trong đó phương pháp lọc màng bụng là một trong những phương pháp điều trị thuận lợi nhất, đảm bảo hiệu quả cao. Vậy đối tượng chỉ định và chống chỉ định lọc màng bụng là ai?
1. Lọc màng bụng là gì ?
Màng bụng là thanh mạc bao phủ khoang bụng. Theo đó, màng bụng được chia làm hai phần là: lá tạng che phủ ruột và lá thành che phủ thành bụng .
Lọc màng bụng là phương pháp sử dụng màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận suy, để lọc các chất chuyển hóa, nước, điện giải ra khỏi cơ thể người bệnh và giúp cân bằng nội môi hoặc có thể là truyền dịch lọc chứa số lượng cần thiết vào trong khoang màng bụng rồi lại rút ra sau vài giờ đồng hồ.
Nguyên tắc lọc màng bụng là sử dụng màng bụng như một màng bán thẩm ngăn cách giữa hai khoang, bên là các mao mạch quanh màng bụng, bên là khoang bụng chứa dịch lọc màng bụng. Khi lọc màng bụng có ba quá trình xảy ra: khuếch tán, siêu lọc, hấp thụ.
2. Phương pháp lọc màng bụng
Có hai phương pháp lọc màng bụng:
- Lọc màng bụng liên tục ngoại trú là phương pháp điều trị thay thế cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối để đào thải một số sản phẩm chuyển hóa ra khỏi cơ thế, và đây cũng là phương pháp bệnh nhân có thể tự lọc tại nhà thay hàng ngày và liên tục trong tuần thay vì phải đến viện. Phương pháp này đơn giản và phù hợp với điều kiện kinh tế thấp đối với người bệnh.
- Lọc màng bụng chu kỳ tự động là phương pháp điều trị được thực hiện với sự giúp đỡ bằng máy móc để trao đổi dịch lọc chủ yếu vào ban đêm . Với tần suất năm lần trong một đêm .
3. Ưu điểm và nhược điểm lọc màng bụng
3.1.Ưu điểm
- Đơn giản dễ thực hiện ở những nơi không có máy và không lệ thuộc vào máy móc.
- Phù hợp với người cao tuổi , trẻ em và kể cả những người đang đi học và đi làm.
- Kiểm soát được việc thiếu máu và thiếu sắt không phải sử dụng đến các loại thuốc chống đông vì thế tránh được nguy cơ đột quỵ.
- Lọc màng bụng làm thay đổi các chất hòa tan lượng nước trong cơ thể cho người bệnh và cũng là phương pháp chọn lựa cho người bị huyết động không ổn định.
- Lọc màng bụng giúp bệnh nhân có sự tự do có thể thực hiện tại nhà khi có người hỗ trợ cùng và chế độ ăn uống ít bị hạn chế.
3.2. Nhược điểm
- Có thể làm tăng lượng đường máu, rò rỉ dịch ổ bụng, dễ nhiễm khuẩn , rối loạn nhịp dễ bị hạ thân nhiệt. Ngoài ra không thay được chức năng thận nội tiết.
- Khả năng nhiễm trùng cao nếu như bệnh nhân không thực hiện đúng lời chỉ dẫn của bác sĩ khi thực hiện tại nhà.
4. Chỉ định và chống chỉ định lọc màng bụng
4.1. Chỉ định lọc màng bụng
- Bệnh nhân có chỉ định lọc màng bụng khi suy thận cấp và suy thận mạn và không thực hiện được các kỹ thuật nhân tạo.
- Bệnh nhân không tạo được đường vào mạch máu cho chạy thận nhân tạo.
- Trạng thái của tim mạch không ổn định dễ bị tai biến khi chạy thận nhân tạo.
4.2. Chống chỉ định lọc màng bụng
- Bệnh nhân không lọc màng bụng khi khoang màng bụng bị nhiễm trùng, dính màng bụng nhiều, cơ hoành không kín để dịch tràn lên khoang ngực, thoát vị bẹn rộng hoặc do khả năng thanh lọc của màng bụng.
- Khi có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vì lọc màng bụng gây khó khăn trong việc kiểm soát phổi.
- Bệnh nhân không tự thực hiện được, không có người hỗ trợ lọc màng bụng và không có khả năng tự chăm sóc bản thân.
- Bệnh nhân bị đại tràng mãn tính, viêm ruột, rối loạn tâm thần, hoặc vừa trải qua các phẫu thuật khác ở ổ bụng
- Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng hoặc bị béo phì.
5.Các bước kỹ thuật tiến hành lọc màng bụng
Các bước tiến hành lọc màng bụng như sau:
- Bước 1: chuẩn bị các trang thiết bị, dụng cụ máy móc cần thiết để lọc màng bụng
- Bước 2: Bác sĩ thăm khám lâm sàng và lập hồ sơ chọn phương pháp thực hiện cho bệnh nhân
- Bước 3: Thực hiện các quy trình đặt ổ bụng
- Bước 4: Chăm sóc bệnh nhân sau khi đặt ổ bụng
- Bước 5: Hướng dẫn các cách lọc màng bụng cho bệnh nhân và người bệnh
- Bước 6: Quy trình thay dịch (chọn nơi thay dịch, chuẩn bị các dụng cụ để thay, trong khi thay dịch đảm bảo được độ chính xác)
Sau khi thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng cần tiến hành theo dõi như sau:
- Kiểm tra các chất dịch trong ổ bụng sau khi lọc.
- Thay băng thường xuyên và cắt chỉ vết mổ cho bệnh nhân; thay dịch thường xuyên cho bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân điều trị tại nhà thì phải hướng dẫn tư vấn cho bệnh nhân thật kỹ và đề nghị tái khám đúng theo quy định của bác sĩ.
Để hạn chế tối đa sau khi thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng, bệnh nhân cần duy trì chế độ dinh dưỡng đáp ứng đủ năng lượng nhu cầu theo khuyến nghị, bằng cách bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu theo mức độ vừa phải quy định. Ngoài ra, bệnh nhân cần ăn nhạt, uống ít nước, đồng thời tránh các thực phẩm nhiều kali nhiều đường và nhiều muối.
Với những bệnh nhân không thể thực hiện lọc màng bụng sẽ được xem xét chỉ định các phương pháp điều trị thay thế thận khác như ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo. Những bệnh nhân được chỉ định lọc màng bụng sẽ được phẫu thuật đặt catheter chuyên biệt vào khoang phúc mạc. Trong quá trình lọc màng bụng, người bệnh cần thực hiện đúng kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra, đặc biệt là nhiễm trùng phúc mạc.