Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Đức Thanh - Bác sĩ Phẫu thuật u xương và phần mềm - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Sự phát triển hiện đại của Y học cho chúng ta quen dần với khái niệm các bộ phận cơ thể nhân tạo từ đơn giản đến phức tạp như da, tim, gan, phổi hay mạch máu... Trong đó, xương nhân tạo được biết đến là phương pháp thay thế hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.
1. Thay xương nhân tạo là gì?
Phẫu thuật thay xương nhân tạo là phẫu thuật loại bỏ đoạn xương chứa khối ung thư và thay thế vào đó vật liệu nhân tạo có cấu tạo như xương khớp thật, giúp bệnh nhân giữ được chi thể nguyên vẹn, tầm vận động và khả năng sinh hoạt ở mức chấp nhận được.
Các phương pháp điều trị ung thư xương trước đây đa số mang tính tàn phá cao (như đoạn chi thể, tháo bỏ khớp háng...), hệ quả là bệnh nhân phải tàn phế suốt đời. Tuy nhiên, hiện nay các bác sĩ ở Việt Nam đã hoàn toàn có thể đưa ra biện pháp điều trị thay thế bằng xương nhân tạo và mang lại hiệu quả rất cao.
Phẫu thuật thay xương nhân tạo đang trở thành một lựa chọn ngày càng phổ biến cho bệnh nhân ung thư xương. Phẫu thuật bao gồm cắt bỏ phần xương bị ung thư và thay thế bằng một đoạn xương khớp nhân tạo. Vật liệu cấy ghép được sử dụng là các kim loại trơ phù hợp với cơ thể, tránh các hiện tượng đào thải, phản ứng với cơ thể. Các vật liệu được sử dụng phổ biến nhất để cấy ghép xương nhân tạo là kim loại titan và vật liệu polimer sinh học PEEK.
2. Ưu nhược điểm của phương pháp cấy ghép xương nhân tạo trong điều trị ung thư xương
Có rất nhiều lợi ích khi sử dụng vật liệu xương nhân tạo trong phẫu thuật ung thư xương. Thứ nhất, thay xương nhân tạo giúp người bệnh giữ được hình thể của chi, đảm bảo khả năng vận động của xương khớp, từ đó duy trì các hoạt động sinh hoạt hằng ngày ngay lập tức. Bệnh nhân phẫu thuật thay đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày hay thậm chí toàn bộ xương đùi có thể đứng dậy đi lại chỉ 1 – 2 ngày sau phẫu thuật. Thứ hai, các bệnh nhân ung thư xương nhân tạo sẽ có cơ hội phục hồi sớm, cải thiện chất lượng cuộc sống, không bị áp lực, mặc cảm về tâm lí nếu điều trị theo phương pháp cũ như là cắt cụt chi.
Phẫu thuật thay xương nhân tạo cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên ngành sâu về phẫu thuật ung thư cơ xương khớp. Phẫu thuật thường bao gồm 2 giai đoạn phẫu thuật riêng biệt bao gồm cắt rộng rãi đoạn xương bị ung thư kèm sẹo sinh thiết trước đó và tạo hình, lắp xương khớp nhân tạo.
Thời gian phục hồi cụ thể sau phẫu thuật thay thế xương nhân tạo khác nhau tùy thuộc vào từng bệnh nhân và mức độ phẫu thuật. Nói chung, bệnh nhân có thể tiếp tục các hoạt động bình thường trong vòng vài tuần sau phẫu thuật. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là bệnh nhân cần tiếp tục liệu trình hóa chất sớm nhất có thể và cần duy trì các liệu pháp vật lý trị liệu hoặc phục hồi chức năng để lấy lại sức mạnh và khả năng vận động ở chi bị ảnh hưởng.
Do là một phẫu thuật lớn, cho nên có nhiều rủi ro liên quan đến phẫu thuật thay thế xương nhân tạo. Những rủi ro này có thể bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương thần kinh và thất bại trong phẫu thuật tạo hình thay thế xương. Tuy nhiên, những rủi ro này có thể được giảm thiểu bằng việc phẫu thuật được tiến hành bởi một đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm và người bệnh cần tuân theo các hướng dẫn và biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn, chăm sóc vết mổ, tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật.
3. Vật liệu được sử dụng để cấy ghép xương nhân tạo
Xương là bộ phận vô cùng đặc biệt, nếu xét về mặt kỹ thuật xương vừa đủ cứng để có thể chịu được sức nén, vừa đủ sự dẻo dai để chịu được những tác động đối kháng. Bên cạnh đó, các phân tử xương lại có khối lượng rất nhẹ, điều này khiến tất cả các nhà nghiên cứu về vật liệu trên thế giới phải ngả đầu thán phục trước sự hoàn hảo của tạo hóa. Vì những lý do đó mà trong quá trình tạo ra các vật liệu hay cơ quan nhân tạo, chúng ta đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm ra loại vật liệu tối ưu nhất để chế tạo nên xương nhân tạo cho cơ thể người. Với các tiến bộ của khoa học công nghệ, các loại xương nhân tạo đang từng bước đáp ứng được những yêu cầu khắt khe và dần đạt đến trình độ tương tự với các sản phẩm của tạo hóa.
Phương pháp thay xương nhân tạo hiện nay sử dụng một số loại vật liệu phổ biến sau đây:
- Vật liệu kim loại Titan: Loại vật liệu này được sử dụng phổ biến cho việc thay xương nhân tạo ở 2 chi dưới vì tính chất chịu lực tốt để chịu được tải trọng khá lớn của cơ thể;
- Vật liệu Polyether ether ketone (PEEK): vật liệu này có bản chất là một polime nhựa nhiệt dẻo hữu cơ, không màu, thuộc họ polyaryletherketone. PEEK được sử dụng trong quá trình phẫu thuật điều trị thay hay ghép xương nhân tạo khoảng 20 năm trở lại đây. Ưu điểm của loại vật liệu này là chi phí hợp lý, có độ bền và sự dẻo dai cao, phù hợp với quá trình vận động của cơ thể con người. Tuy nhiên, vì không có khả năng chịu lực nên vật liệu sinh học PEEK chủ yếu dùng cho thay xương nhân tạo chi trên, hạn chế sử dụng ở chi dưới.
Quá trình thay xương nhân tạo thường được phối hợp với công nghệ in 3D nên các phần xương cần được cấy ghép được thiết kế rất chuẩn xác, mang lại khả năng lấp đầy những khuyết hổng của cơ thể, đồng thời chúng được cố định vào các phần xương lành và từ đó duy trì khả năng vận động, chịu lực tương tự như các xương lành khác của cơ thể.
4. Chỉ định thay xương nhân tạo cho người bệnh ung thư xương
Hiện nay, theo nhiều nghiên cứu thống kê trên thế giới thì có đến 90% các trường hợp ung thư xương có thể tiến hành phẫu thuật thay xương nhân tạo giúp bảo tồn chi. Tại Việt Nam, do nhiều yếu tố, hoàn cảnh khách quan nên chỉ định phẫu thuật thay xương nhân tạo còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí xương nhân tạo còn tương đối cao. Do vậy, chỉ định phẫu thuật cần có sự cân nhắc kỹ càng giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Phẫu thuật thay xương nhân tạo thường được chỉ định trong các trường hợp khối u còn tương đối khu trú, chưa có dấu hiệu xâm lấn bó mạch thần kinh lân cận và chưa di căn xa. Tuy nhiên, một số trường hợp khối u đã xâm lấn mạch máu thì vẫn có thể phẫu thuật bảo tồn chi, thay xương nhân tạo với sự phối hợp của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để cắt nối đoạn mạch nhân tạo.
Phẫu thuật thay thế xương nhân tạo có thể được xem xét cho những bệnh nhân đang bị đau hoặc mất chức năng do ung thư di căn đến xương. Mục tiêu của phẫu thuật này là loại bỏ phần xương bị ảnh hưởng và thay thế bằng một bộ phận cấy ghép nhân tạo để giảm đau, chăm sóc giảm nhẹ, đồng thời duy trì khả năng vận động và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn.
Nhìn chung, quyết định phẫu thuật thay thế xương nhân tạo cho bệnh ung thư xương sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm vị trí và mức độ lan rộng của khối u, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, nguyện vọng cá nhân và mục tiêu điều trị của họ. Quyết định nên được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của một nhóm chuyên gia y tế, bao gồm bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, bác sĩ chuyên khoa ung thư và các chuyên gia khác nếu cần.
Tóm lại, phẫu thuật thay thế xương nhân tạo là một lựa chọn khả thi cho những bệnh nhân ung thư xương đã bị cắt bỏ một phần xương. Phẫu thuật này có thể giúp duy trì khả năng vận động và chức năng, giảm nguy cơ ung thư lan rộng và cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung. Nếu bạn là bệnh nhân ung thư xương đang cân nhắc phẫu thuật thay thế xương nhân tạo, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có kinh nghiệm để thảo luận về những rủi ro và lợi ích của thủ thuật
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.