Xơ phổi xảy ra khi các mô phổi bị tổn thương nhiều lần và dẫn tới tình trạng xơ hoá, từ đó có thể làm ảnh hưởng hoặc giảm chức năng của phổi. Tuỳ theo mức độ xơ phổi ở giai đoạn nào sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp kết hợp khác. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về chỉ định dùng thuốc chống xơ phổi phù hợp.
1. Mức độ nguy hiểm của xơ phổi
Xơ phổi là bệnh lý nguy hiểm, dù ở giai đoạn nào thì bệnh cũng không được điều trị một cách triệt để. Nguyên nhân của tình trạng này là do có những tổn thương kéo dài dẫn tới xơ hoá khó phục hồi. Nếu điều trị sớm thì có thể kéo dài sự sống cho người bệnh, nhưng nếu phát hiện muộn thì sức khoẻ của người bệnh có thể suy kiệt và nguy cơ tử vong cao do các biến chứng xảy ra.
Xơ phổi không điều trị kịp thời có thể gây ra:
- Giảm nồng độ oxy máu: Đây là một trong những biến chứng đầu tiên của xơ phổi, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc hít thở cũng như lọc oxy trong không khí. Tất cả đều làm cho lượng oxy vào máu ít hơn nhu cầu sử dụng. Từ đó làm ảnh hưởng đến hàm lượng máu chứa oxy cần thiết cho nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thển bao gồm não và tim mạch. Khi hàm lượng máu giảm đi thì hàm lượng oxy cung cấp cho các cơ quan này giảm và ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của nó. Nồng độ oxy trong máu giảm có thể khiến người bệnh tử vong.
- Tăng áp động mạch phổi: Khi các mô sẹo trong phổi chèn ép vào động mạch hoặc mao mạch máu nhỏ ở cơ quan này thì sẽ làm tăng nguy cơ tăng áp động mạch phổi. Lúc này tình trạng bệnh đã ở mức nguy hiểm đáng báo động. Người bệnh có thể gặp tình trạng vỡ mạch máu bất kỳ lúc nào và nhanh chóng tử vong.
- Suy tim phải. Tình trạng xơ phổi có thể khiến mạch máu bị chặn lại, tâm thất phải bơm máu mạnh hơn để máu có thể di chuyển qua động mạch phổi. Với tình trạng này thì suy tim phải ngày càng nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
- Suy hô hấp: Thường xảy ra ở giai đoạn cuối của xơ phổi và là biến chứng đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Khi hàm lượng oxy trong máu giảm xuống mức thấp báo động và dẫn đến rối loạn nhịp tim.
Những biến chứng của xơ phổi có thể khiến cho người bệnh tử vong hoặc suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy ngoài việc điều trị kịp thời thì phòng ngừa biến chứng có vai trò quan trọng.
2. Thuốc điều trị bệnh xơ phổi
Tình trạng xơ phổi kéo dài hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị giúp mô phổi được phục hồi chức năng cũng như khả năng co giãn ban đầu. Phương pháp điều trị chủ yếu là ngăn chặn tình trạng xơ tiếp tục lan rộng. Nếu điều trị hiệu quả thì sức khoẻ của người bệnh được cải thiện, kiểm soát bệnh ở mức độ cho phép. Việc lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả còn phụ thuộc vào mức độ bệnh. Một trong số phương pháp điều trị đó là sử dụng thuốc chống xơ phổi.
Dưới đây là một số loại thuốc điều trị bệnh xơ phổi được bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và chỉ định cho bệnh nhân:
- Thuốc Nintedanib và Pirfenidone
2 loại thuốc được chỉ định để làm chậm quá trình xơ phổi hiệu quả là Nintedanib và Pirfenidone. Tuy nhiên, thuốc trị xơ phổi này thường gây tác dụng phụ cho hệ tiêu hoá, vì vậy người bệnh sử dụng thuốc cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị, kết hợp với thuốc chống acid và theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên.
- Thuốc Corticosteroid
Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc corticosteroid trong điều trị xơ phổi. Corticosteroid phù hợp cho những trường hợp người bệnh bị giảm oxy máu. Ở giai đoạn này người bệnh cần lưu ý những tác dụng phụ không mong muốn của Corticosteroid vì chúng có thể góp phần làm tăng nguy cơ bệnh và làm chậm khả năng vận động cũng như phục hồi chức năng hô hấp.
- Thuốc kháng xơ
Thuốc kháng xơ có vai trò trong phòng và điều trị xơ phổi. Thuốc kháng xơ trong phòng và điều trị xơ phổi hiện vẫn đang được nghiên cứu sâu hơn về những tác dụng của nó. Tuy thuốc này có hiệu quả đối với bệnh nhân có tình trạng cấp liên quan đến bệnh phổi như bệnh phổi kẽ vô căn hoặc các bệnh phổi kẽ khác... Tuy nhiên nên sử dụng thuốc kháng xơ kết hợp với 2 loại thuốc Nintedanib và Pirfenidone để tăng hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại thuốc chống xơ phổi tác động bằng con đường TGF-b và tổn thương phổi.
Nhìn chung, ngoài việc chỉ định điều trị xơ phổi bằng thuốc, tuỳ thuộc và tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định áp dụng phương pháp trị liệu oxy và phục hồi chức năng phổi. Thực hiện trị liệu oxy giúp người bệnh dễ dàng hít thở hơn và các cơ quan khác trong cơ thể hoạt động tối ưu hơn. Nhưng tùy theo tình trạng xơ phổi sẽ trị liệu oxy ở mức độ liên tục hay gián đoạn.
Còn với phương pháp phục hồi chức năng phổi sẽ giúp cải thiện hoạt động của phổi. Các bài tập thường bao gồm tập vận động cải thiện khả năng chịu đựng, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý, sử dụng các hỗ trợ cũng như kỹ thuật thở để tăng cường chức năng phổi...
Xơ phổi phát hiện ở giai đoạn nào thì người bệnh cũng không nên chủ quan bởi vì bệnh có thể tiến triển rất nhanh. Để hỗ trợ điều trị, tăng cường chức năng của phổi, thì người bệnh nên ngừng sử dụng thuốc lá, vận động phù hợp, thường xuyên tái khám và theo dõi tình trạng bệnh, xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý và thực hiện tiêm phòng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.