Thuốc chống nôn là là nhóm thuốc được sử dụng nhằm mục đích giảm các triệu chứng nôn, buồn nôn cho bệnh nhân do điều trị hoá chất, say tàu xe, mang thai, sau phẫu thuật... hay do mắc một bệnh lý nào đó. Thuốc chống nôn có nhiều dạng sử dụng khác nhau như thuốc chống nôn dạng tiêm tĩnh mạch, dạng viên nén, miếng dán, siro, tiêm bắp. Chỉ định thuốc chống nôn dạng tiêm tĩnh mạch khi nào và lưu ý sử dụng ra sao?
1. Thuốc chống nôn dạng tiêm
Thuốc chống nôn là thuốc có tác dụng điều trị chứng nôn, buồn nôn ở người bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đa số, với mỗi nguyên nhân gây nôn khác nhau sẽ có những chỉ định dùng thuốc chống nôn khác nhau. Có chế của thuốc chống nôn cũng phụ thuộc theo từng nhóm thuốc nhất định:
- Nhóm thuốc kháng histamin, thuốc kháng cholinergic: chống nôn nhờ khả năng ức chế phản xạ nôn.
- Thuốc kháng serotonin có tác dụng ngăn chặn quá trình truyền tín hiệu đến và đi từ trung tâm nôn ở não.
Chỉ định thuốc chống nôn tiêm tĩnh mạch:
Đối với người trên 20 tuổi:
- Thuốc giúp giảm các triệu chứng buồn nôn, nôn ở bệnh nhân bị đau nửa đầu, bị ung thư đang điều trị bằng hoá trị liệu, xạ trị, người trong giai đoạn sinh đẻ hay bị mắc các bệnh truyền nhiễm.
- Thuốc có tác dụng kiểm soát tốt tình trạng nôn trên bệnh nhân sau phẫu thuật.
- Hỗ trợ quá trình đặt ống hay sonde đến ruột.
Với người dưới 20 tuổi, chỉ định thuốc chống nôn tiêm còn nhiều hạn chế và không được ưu tiên lựa chọn đầu tay. Chỉ sử dụng khi:
- Bệnh nhân cần đặt ống vào ruột.
- Bệnh nhân có triệu chứng nôn mửa nhiều mà chưa tìm ra nguyên nhân.
- Người bệnh đang điều trị bằng xạ trị, hoá trị liệu có gây nôn.
Các thuốc chống nôn dạng tiêm và chỉ định cụ thể, liều lượng sử dụng:
- Thuốc dolasetron: liều 12,5mg tiêm tĩnh mạch khi bắt đầu có dấu hiệu buồn nôn, nôn.
- Thuốc Granisetron: có cả dạng uống và dạng tiêm. Dùng 1mg/ lần, ngày 3 lần.
- Ondansetron: uống hoặc tiêm tĩnh mạch 4 đến 8mg/lần, lặp lại liều sau 8 giờ nếu cần thiết.
Chỉ định của dolasetron, granisetron và ondansetron trong các trường hợp bệnh nhân đang điều trị theo phác đồ hoá trị liệu có khả năng gây nôn cao. Tuy nhiên, nhược điểm của các thuốc này là có thể gây tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, nấc cụt cho bệnh nhân.
- Thuốc Palonosetron: chỉ định dùng dự phòng nôn trong các trường hợp có sử dụng hoá trị liệu, tiêm tĩnh mạch 0,25mg trước khi tiến hành hoá trị liệu 30 phút.
- Thuốc metoclopramide: uống hoặc tiêm tĩnh mạch 5-20mg/lần, ngày dùng 3 đến 4 lần. Thuốc chỉ định điều trị ban đầu ở những người bị nôn nhẹ.
- Ngoài ra còn có thuốc perphenazine tiêm bắp, prochlorperazine tiêm tĩnh mạch cũng cho hiệu quả giảm nôn rất tốt.
2. Những lưu ý khi sử dụng thuốc chống nôn
Thuốc chống nôn tuy hiệu quả nhanh nhưng cũng có những tác dụng phụ nhất định. Để hạn chế các tác dụng không mong muốn của thuốc chống nôn, khi sử dụng cần lưu ý một số điều như sau:
- Với nhóm thuốc kháng histamin, đa số đều gây buồn ngủ, cảm giác khô mũi khô miệng. Bởi vậy, ở trường hợp bệnh nhân phải lái xe hoặc đang vận hành máy móc cần thận trọng khi sử dụng. Có thể lựa chọn các nhóm thuốc chống nôn thay thế khác để tránh ảnh hưởng đến công việc.
- Một số thuốc corticosteroid cũng được sử dụng làm thuốc chống nôn nhưng dễ gây mụn trứng cá thứ phát, khác nước và nhiều tác dụng phụ khác. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc. Vẫn nên ưu tiên các nhóm thuốc chống nôn khác hơn corticosteroid.
- Nhóm thuốc ức chế thụ thể dopamin dễ gây cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, ù tai hay co thắt cơ bắp. Nên sắp xếp công việc hợp lý để có thời gian nghỉ ngơi trong quá trình điều trị.
- Nhóm ức chế thụ thể NK1 có ảnh hưởng đến lượng nước tiểu, làm giảm lượng nước tiểu trên bệnh nhân sử dụng thuốc.
- Một số thuốc điều trị các bệnh lý khác có thể làm giảm hiệu quả điều trị, tăng tác dụng phụ của thuốc chống nôn như thuốc điều trị viêm khớp, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm hay các thuốc điều trị bệnh lý liên quan đến máu...
- Thuốc chống nôn dạng tiêm tĩnh mạch sau khi tiêm sẽ nhanh chóng theo hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể nên các tác dụng phụ thường cũng xảy ra rất nhanh. Cần lưu ý, theo dõi sát trong suốt quá trình trị liệu, nếu thấy có các dấu hiệu bất thường phải báo ngay với bác sĩ và các nhân viên y tế để được xử lý, hỗ trợ kịp thời.
- Trường hợp quá liều, theo dõi triệu chứng, liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn xử lý cụ thể.
- Không tự ý sử dụng thuốc, thay đổi tăng giảm liều lượng thuốc, thay đổi loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc chống nôn có nhiều loại khác nhau, đa số mỗi loại thuốc đều có chỉ định cụ thể cho từng trường hợp nhất định. Bởi vậy, không nên tự ý sử dụng các thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các thuốc chống nôn dạng tiêm. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh dùng sai thuốc, không cải thiện được tình trạng nôn mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.