Chỉ định của chụp cắt lớp vi tính cột sống ngực có tiêm thuốc cản quang

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cắt lớp vi tính cột sống ngực có tiêm thuốc cản quang là kỹ thuật đang được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán các bệnh lý chấn thương, các khối u, viêm của xương và phần mềm cột sống ngực.

1. Chụp cắt lớp vi tính cột sống ngực có tiêm thuốc cản quang được chỉ định trong các trường hợp nào?

Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) là kỹ thuật sử dụng tia X quét lên vùng cơ thể cần được kiểm tra. Máy chụp cắt lớp được liên kết với hệ thống máy tính, hình ảnh sau khi chụp sẽ được phần mềm xử lý tạo nên các hình ảnh 2D hoặc 3D rõ nét. Các hình ảnh này giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng của người bệnh. Phương pháp chụp cắt lớp vi tính có tốc độ phân tích, xử lý hình ảnh nhanh chóng nên thường được sử dụng trong các trường hợp cấp cứu. Do có nhiều ưu điểm nên chụp cắt lớp vi tính đang được sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, ngoài chẩn đoán hình ảnh, còn dùng trong hướng dẫn phẫu thuật, xạ trị, theo dõi sau phẫu thuật,... Để hình ảnh thu được rõ nét, có độ tương phản tốt hơn, trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc cản quang khi chụp.

Cột sống ngực gồm có 12 đốt sống, có kích thước trung gian giữa đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng. Các đốt sống ngực phối hợp với xương sườn và xương ức để tạo nên lồng ngực. Chụp cắt lớp vi tính cột sống ngực là kỹ thuật được sử dụng phổ biến hiện nay để đánh giá các tổn thương xương cột sống ngực, đĩa đệm, ống sống ngực và các thành phần lân cận. Khi tiêm thuốc cản quang, giúp phát hiện, đánh giá các bệnh lý như viêm, lao, các khối u cột sống, tủy sống, viêm xương và phần mềm cột sống ngực,

Chụp cắt lớp vi tính cột sống ngựctiêm thuốc cản quang không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ đặc biệt thận trọng và cân nhắc trước khi thực hiện đối với phụ nữ có thai, bệnh nhân suy thận, người dị ứng thuốc đối quang i-ốt.


Tiêm thuốc cản quang khi chụp MRI sẽ cho hình ảnh rõ nét hơn
Tiêm thuốc cản quang khi chụp MRI sẽ cho hình ảnh rõ nét hơn

2. Để thực hiện chụp cắt lớp vi tính cột sống ngực có tiêm thuốc cản quang cần chuẩn bị những gì?

Ê-kíp thực hiện gồm bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên điện quang, điều dưỡng. Các phương tiện cần có gồm:

  • Máy chụp cắt lớp vi tính;
  • Máy bơm chuyên dụng;
  • Phim, cát-xét, hệ thống lưu trữ hình ảnh.

Ngoài ra, để thực hiện tiêm thuốc cản quang, cần các vật tư và thuốc như: bơm tiêm, kim tiêm, bông, gạc, dung dịch sát khuẩn da, thuốc cản quang i-ốt tan trong nước, nước cất hoặc nước muối sinh lý, hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc cản quang,...

Trước khi thực hiện kỹ thuật, người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải thích kỹ về mục đích chụp, cách thức chụp, tư thế nằm, cách nín thở,... để phối hợp với thầy thuốc. Người bệnh cần tháo bỏ trang sức như khuyên tai, vòng cổ, cặp tóc và các vật dụng kim loại khác nếu có. Nhân viên y tế sẽ dặn người bệnh nhịn ăn, uống ít nhất 4 giờ trước khi thực hiện, có thể uống nước nhưng không được quá 40ml. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc an thần giúp thư giãn nếu người bệnh kích thích, không nằm yên.


Bệnh nhân sử dụng thuốc an thần nếu bị kích động
Bệnh nhân sử dụng thuốc an thần nếu bị kích động

3. Các bước tiến hành chụp cắt lớp vi tính cột sống ngực có tiêm thuốc cản quang

3.1. Tư thế người bệnh

Ê-kíp thực hiện giúp đặt người bệnh trong khung máy, tư thế nằm ngửa, vai hạ thấp tối đa, hai tay đưa lên cao theo trục cơ thể. Để có hình ảnh rõ nét, người bệnh cần nhịn thở và không nuốt trong khi chụp.

3.2. Các bước tiến hành kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính cột sống ngực có tiêm thuốc cản quang

  • Vùng cột sống ngực được chụp định khu ở hai bình diện. Lấy hình định vị theo hướng bên (sagital) bắt đầu từ bờ trên C7 tới dưới L1.
  • Tùy theo yêu cầu lâm sàng, bác sĩ sẽ cài đặt chương trình chụp phù hợp. Để đánh giá bệnh lý thoát vị đĩa đệm có thể sử dụng các lớp cắt theo hướng các đĩa đệm hoặc chụp toàn bộ cột sống ngực. Sau khi chụp, dùng các phần mềm xử lý ảnh.
  • Chọn ảnh chụp phim trên các cửa sổ xương, cửa sổ đĩa đệm. Cắt lại sau tiêm thuốc cản quang.
  • Khi chụp CT cột sống ngực, nếu người bệnh không nằm bất động, hình ảnh thu được sẽ mờ, nhiễu ảnh và cần được chụp lại.

Hình ảnh chụp MRI cột sống ngực được xử lý qua phần mềm
Hình ảnh chụp MRI cột sống ngực được xử lý qua phần mềm

4. Nhận định kết quả chụp cắt lớp vi tính cột sống ngực có tiêm thuốc cản quang

  • Đánh giá các tổn thương thân đốt sống như: Vỡ thân đốt, xẹp thân đốt, trượt thân đốt, di lệch tổn thương tường sau thân đốt, các tổn thương cung sau, máu tụ do chấn thương, tổn thương phần mềm cạnh sống, dị vật cản quang...
  • Các tổn thương trong bệnh lý thoái hóa đốt sống như: gai xương thoái hóa, vôi hóa dây chằng, phì đại mấu khớp bên, hẹp ống sống, trượt thân đốt sống do hở eo...
  • Đánh giá các bất thường bẩm sinh của cột sống: cong vẹo cột sống bẩm sinh, tật nứt đốt sống.....
  • Các khối u thân đốt sống, trong ống sống và phần mềm cạnh cột sống
  • Đối chiếu các ảnh trước và sau tiêm thuốc để nhận định và đánh giá các bênh lý đi kèm.

Mẩn ngứa là một dị ứng có thể xảy ra với người bệnh khi tiêm thuốc cản quang
Mẩn ngứa là một dị ứng có thể xảy ra với người bệnh khi tiêm thuốc cản quang

5. Tai biến và xử trí

Chụp CT cột sống ngực có tiêm thuốc cản quang là một kỹ thuật an toàn, ít tai biến. Tai biến nếu có thường xảy ra do người bệnh dị ứng với thuốc cản quang. Vì vậy sau khi tiêm thuốc, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ, nếu có dấu hiệu dị ứng với thuốc cản quang như buồn nôn, chóng mặt, nổi mẩn đỏ, ngứa,...ê-kíp thực hiện kỹ thuật sẽ xử lý theo quy trình chẩn đoán và xử trí tai biến thuốc cản quang theo quy định của Bộ Y tế.

Nhìn chung, chụp CT cột sống ngực có tiêm thuốc cản quang một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại và tiên tiến, có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý về cột sống, đĩa đệm, ống sống và các thành phần lân cận.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe