Chế độ dinh dưỡng cho trẻ tim bẩm sinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tim bẩm sinh là tình trạng bất thường về cấu trúc tim ở trẻ nhỏ từ khi sinh ra khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, suy kiệt, khó tăng cân, ảnh hưởng rất lớn đến việc phẫu thuật tim của trẻ sau này. Vì vậy phụ huynh cần biết được những phương pháp chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh phù hợp để giúp trẻ đạt được thể trạng tốt nhất trước khi điều trị bệnh chính.

1. Vì sao trẻ mắc tim bẩm sinh thường bị suy dinh dưỡng?

Mặc dù về cơ bản thì thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa bú hoặc ăn của trẻ bị tim bẩm sinh có thể không khác gì với các trẻ khác, nhưng khả năng hấp thu vẫn kém hơn vì các lý do sau:

  • Trẻ bị tim bẩm sinh thường khó thở nên khi bú, uống sữa rất khó khăn khiến trẻ sợ bú, khó tăng cân.
  • Trẻ bị tim bẩm sinh được chỉ định ăn nhạt, không nêm mắm muối khiến trẻ không ngon miệng và chán ăn nên dễ suy dinh dưỡng.
  • Nhu cầu năng lượng của trẻ cao hơn bình thường.
  • Các ảnh hưởng của tim như tim đập nhanh, thở nhanh, giảm oxy máu, giảm hấp thu thức ăn, giảm hấp thu dinh dưỡng từ ống tiêu hóa.
  • Trẻ thường bị nhiễm trùng hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi).
  • Sự phát triển bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền hay do gen như hội chứng Down (ba nhiễm sắc thể số 21).

Nhiễm sắc thể ảnh hưởng tới sự phát triển của bé
Nhiễm sắc thể ảnh hưởng tới sự phát triển của bé

2. Trẻ bị tim bẩm sinh nên ăn gì?

Nuôi bằng sữa mẹ hoặc bổ sung thêm sữa bột đều tốt cho trẻ bị tim bẩm sinh nhưng cần linh hoạt trong phương pháp và thời điểm cho ăn, một số trường hợp đặc biệt còn cần phải đặt sonde dạ dày từ mũi để cho ăn qua đường này. Trẻ bị tim bẩm sinh thường cần tăng bữa ăn, cho trẻ ăn thành từng bữa nhỏ khoảng mỗi 2 giờ sẽ tốt cho trẻ hơn là cho trẻ ăn một bữa lớn kéo dài khiến trẻ mệt mỏi.

Trẻ bị tim bẩm sinh được nuôi bằng sữa mẹ vẫn là tốt nhất. Sau khi sinh có thể trẻ cần được điều trị ở khu vực đặc biệt nên mẹ cần vắt sữa trong vòng 12-24 giờ đầu sau sinh để duy trì lượng sữa của mình. Việc duy trì sự tiết sữa của mẹ rất quan trọng, trong tuần đầu tiên có thể vắt mỗi 2-3 giờ cho đến khi lượng sữa tiết ổn định thì giảm xuống 4-5 lần mỗi ngày.

Khi trẻ lớn hơn, thành phần dinh dưỡng của trẻ cần nhu cầu năng lượng cao hơn trẻ bình thường khoảng 120-170 kcal/kg/ngày. Vì vậy phụ huynh cần sử dụng sữa thực phẩm giàu năng lượng có bổ sung đường, đạm và protein, bổ sung sắt khi có thiếu máu và vitamin khi có chỉ định.


Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ bị tim bẩm sinh
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ bị tim bẩm sinh

3. Chế độ ăn cho trẻ bị tim bẩm sinh theo từng độ tuổi

Đối với trẻ dưới 6 tháng:

  • Tốt nhất nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, bất cứ khi nào trẻ muốn vào cả ngày lẫn đêm, ít nhất 8 lần/ngày.
  • Trẻ từ 4-6 tháng tuổi có thể cho ăn thêm nhưng chỉ khi thấy trẻ vẫn còn đói sau mỗi lần bú hoặc không tăng cân như bình thường. Có thể cho trẻ tập ăn dặm từ 1-2 bữa bột từ loãng tới đặc dần với đầy đủ chất như bột của trẻ 6-12 tháng tuổi.
  • Khi cho trẻ bú cần chú ý nâng cao đầu trẻ lên để tránh nôn, sặc sữa. Không cho trẻ bú hoặc ăn quá no vì trẻ mắc tim bẩm sinh thường khó tiêu hóa nên dễ bị nôn.

Đối với trẻ từ 6-12 tháng tuổi:

  • Trẻ vẫn cần được bú mẹ cả ngày lẫn đêm bất cứ khi nào trẻ muốn.
  • Các thức ăn dặm của trẻ cần giàu dinh dưỡng và đầy đủ thành phần.
  • Cho trẻ ăn dặm 3 bữa mỗi ngày khi còn bú mẹ và 5 bữa mỗi ngày nếu đã ngừng bú, mỗi bữa khoảng 1 bát con các thức ăn này.
  • Bổ sung thêm cho trẻ các loại hoa quả có sẵn ở địa phương như chuối, đu đủ, cam, xoài,...

Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 2 tuổi:

  • Vẫn cho trẻ bú mẹ bất cứ lúc nào trẻ muốn.
  • Trẻ được cho ăn dặm 3-5 bữa mỗi ngày, mỗi bữa khoảng 1 bát rưỡi các thức ăn với đầy đủ thành phần dinh dưỡng.
  • Cho trẻ ăn thêm trái cây, hoa quả.
  • Không cho trẻ bú bình mà cho uống thìa hoặc cốc.

Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên:

  • Cho trẻ ăn 3 bữa ăn cùng với gia đình với các thức ăn đầy đủ thành phần và chất dinh dưỡng, xen giữa có thể là các bữa phụ với sữa, bánh, phở, mì, cháo,...
  • Bổ sung thêm trái cây, hoa quả vào bữa ăn của trẻ.

Cha mẹ nên tham khảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh
Cha mẹ nên tham khảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh

4. Một số vấn đề khác cần quan tâm ở trẻ bị tim bẩm sinh

Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, cho trẻ khám sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng đặc biệt là đối với trẻ bị tim bẩm sinh. Dù đã can thiệp phẫu thuật hay chưa thì trẻ cũng cần được khám định kỳ, tiêm chủng đúng thời gian. Thời gian khám ban đầu có thể là hàng tuần hoặc hàng tháng, sau đó duy trì 3-6 tháng/lần tùy thuộc vào mức độ bệnh và khuyến cáo của bác sĩ.

Phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cho trẻ tim bẩm sinh là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, bằng cách:

  • Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ.
  • Sử dụng kháng sinh dự phòng theo chỉ định của bác sĩ khi trẻ bị thương hoặc cần làm các thủ thuật có thể chảy máu như cắt amidan, cắt hạch, phẫu thuật tiêu hóa, sinh dục, khám răng.

Hầu hết trẻ bị tim bẩm sinh vẫn có thể hoạt động và vui chơi bình thường, chỉ trừ một số hoạt động đòi hỏi gắng sức như các môn thể thao đối kháng. Bố mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia một số hoạt động có lợi cho sức khỏe, các môn thể thao nhẹ nhàng để nâng cao thể trạng và cả tinh thần của trẻ.

Vấn đề học tập của trẻ bị tim bẩm sinh hầu hết là không khác gì so với trẻ bình thường, chỉ trừ một số trẻ mắc phải đa dị tật vừa có tim bẩm sinh vừa chậm phát triển trí tuệ mới cần một chương trình giáo dục đặc biệt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:

Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.

Đối tượng sử dụng:

- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.

Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:

  • Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
  • Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
  • (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com

Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid

Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong

laminkid box 1

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe