Chế độ ăn cho trẻ có hội chứng ruột ngắn

Hội chứng ruột ngắn làm giảm hấp thu do phẫu thuật cắt đoạn ruột non. Các triệu chứng thường của hội chứng ruột ngắn phụ thuộc vào độ dài và chức năng của ruột non còn lại, nhưng đa phần trẻ thường bị tiêu chảy nặng và thiếu hụt dinh dưỡng khá phổ biến. Do vậy, chế độ ăn cho trẻ có hội chứng ruột ngắn là vô cùng quan trọng và cần thiết để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.

1. Hội chứng ruột ngắn ở trẻ là như thế nào?

Ruột là bộ phận quan trọng của ống tiêu hoá, giữ vai trò quan trọng tiêu hoá thức ăn thành chất dinh dưỡng và giúp hấp thu chất dinh dưỡng vào trong máu. Khi ruột bị cắt bỏ một phần thì phần ruột còn lại có thể sẽ thích nghi dần nhằm đảm bảo chức năng của ống tiêu hóa. Những phần ruột còn lại sẽ có xu hướng thay đổi cấu trúc để có thể hấp thu được các chất dinh dưỡng mà trước đây được hấp thu bởi phần ruột đã bị cắt bỏ. Vì vậy, nếu như trẻ bị cắt bỏ đi một vài đoạn ruột thì đoạn ruột còn lại vẫn có thể được nuôi dưỡng bình thường.

Tuy nhiên, cơ quan này cần phải cần một khoảng thời gian nhất định cho quá trình thích nghi của ruột. Giai đoạn ngay sau khi phẫu thuật, trẻ có thể không hấp thụ tốt được các chất dinh dưỡng, chất lỏng, vitamin và chất khoáng so với giai đoạn lúc trước mổ.

Hội chứng ruột ngắn là tình trạng chiều dài ruột còn chức năng nhưng dài không quá 120 cm. Tình trạng này được biểu hiện với một nhóm những triệu chứng xảy ra sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột. Khi đó, phần ruột còn lại chưa kịp thích nghi nhằm duy trì chức năng bình thường của hệ tiêu hoá. Một số triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của hội chứng ruột ngắn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm:

  • Đầy hơi - chướng bụng nhẹ hay nhiều, gõ vang
  • Chuột rút - đây là tình trạng các cơ bị co cứng
  • Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc phân toàn nước, đi cầu nhiều lần trong ngày và đi cầu ngay sau bữa ăn.
  • Mất nước: các triệu chứng của mất nước như khát nước, da khô, mắt trũng, tiểu ít,...
  • Sụt cân

Dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn cần được quan tâm
Dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn cần được quan tâm

2. Dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn

2.1. Chia nhỏ nhiều bữa ăn

Cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ từ 6 đến 8 bữa nhỏ trong ngày trong quá trình nuôi ăn trong hội chứng ruột ngắn. Những bữa ăn nhỏ với lượng thức ăn ít cách đều nhau sẽ giúp làm giảm áp lực lên phần ruột còn lại và tránh làm căng vết nối ruột.

ố lượng thức ăn ít trong các bữa ăn cũng dễ tiêu hóa và hấp thu nhanh vào máu hơn. Từ đó làm giảm các triệu chứng ứ đọng thức ăn trong lòng ruột. Do vậy, hãy nghiền nhỏ thức ăn và cho trẻ ăn từ từ.

Khi triệu chứng đã thuyên giảm tức đường ruột đã thích ứng, cha mẹ có thể từ từ cho trẻ quay trở về chế độ ăn 3 bữa trong ngày.

2.2 Uống ít nước trong bữa ăn

Ăn hoặc uống nhiều chất lòng trong bữa ăn sẽ làm đầy thức ăn đi qua ruột nhanh hơn, có nghĩa là bạn có thể không tiêu hóa hoặc hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng. Không nên uống thêm nước trong bữa ăn bởi vì trẻ còn ăn nước canh hoặc nước của các món như cháo, phở,...

Ngoài thức ăn khô thì tổng lượng nước cho mỗi bữa ăn không nên vượt quá 120ml (khoảng 1⁄2 chén ăn cơm). Nếu có uống canh hay súp trong bữa ăn, nên chia đều lượng chất lỏng này ra thành từng phần trong thời gian ăn, không nên uống dồn toàn bộ nước trong một lần.


Cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ từ 6 đến 8 bữa nhỏ trong ngày
Cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ từ 6 đến 8 bữa nhỏ trong ngày

2.3 Ăn đủ chất dinh dưỡng theo nhu cầu hàng ngày

Cha mẹ cần xây dựng cho trẻ một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng theo nhu cầu hàng ngày. Dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn bao gồm:

Chất đạm: Lượng đạm trung bình trong một ngày từ 1-1,2g/kg cân nặng. Ví dụ như trẻ nặng 10kg thì lượng đạm cần cho trẻ là 10g đạm/ngày. Khoảng 50% gam đạm đã được cung cấp từ các loại ngũ cốc như gạo, bánh mì,... Như vậy bạn cần cung cấp thêm 5g đạm từ nguồn thực phẩm giàu đạm. Cứ 100g thực phẩm giàu đạm sẽ cung cấp 17-20% đạm.

Chất bột đường phức tạp đã tinh chế hoặc có lượng đường thấp ví dụ như bánh mì trắng, gạo trắng, khoai tây bóc vỏ, ngũ cốc, khoai lang, mì sợi, miến, bún,... Lượng chất bột đường trung bình chiếm tới khoảng 50% năng lượng của khẩu phần ăn, tức là trẻ mắc hội chứng ruột ngắn nặng 10kg thì cần khoảng 150 kcal từ chất bột đường.

Chất béo: Lượng chất béo cần ăn vừa phải, một số loại thực phẩm chứa nhiều chất béo như: dầu ăn, bơ, nước trộn salad, xốt kem, các loại nước chấm,... Do đó, bạn có thể trét một ít bơ lên trên bánh mì nướng hoặc thêm một chút nước sốt mayonnaise vào các món rau cho trẻ ăn thêm phần hấp dẫn. Nếu trẻ bị cắt mất đoạn dài hồi tràng hay còn gọi là đoạn cuối của ruột non thì bữa sáng nên cho trẻ ăn nhiều chất béo hơn và giảm dần lượng chất béo vào các bữa trưa và chiều tối.

Ăn ít đường: Một số thực phẩm chức nhiều đường như mật ong, bánh quy giòn, bánh ngọt, socola, kẹo, trà sữa, chè, nước hoa quả, các loại si rô,...

Cung cấp đủ nước cho trẻ: Tổng lượng nước trong ngày mà trẻ cần uống phụ thuộc vào cân nặng được tính bằng 40ml x cân nặng. Ví dụ một đứa trẻ nặng 10kg thì cần 400ml nước/ngày. Lưu ý rằng lượng nước này được cung cấp qua tất cả các dạng thức ăn lỏng như canh, cháo và thức uống như sữa, nước trái cây,... Do vậy, cha mẹ cần trừ những thành phần nước từ thức ăn ra sẽ tính được lượng nước lọc phải uống hàng ngày.

Chất xơ: Cha mẹ cần lựa chọn chất xơ phù hợp. Bởi vì chất xơ không hòa tan không tiêu và làm cho khối phân to hơn, có thể gây ra nguy cơ cho tình trạng ruột ngắn của trẻ. Chất xơ không hòa tan có nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên cám, rau củ và gạo lứt,... Những dạng chất xơ hòa tan thường an toàn hơn vì khi vào trong hệ tiêu hóa sẽ tạo thành dung dịch nhầy vừa phải, giúp tiêu hóa hấp thu chậm đi mà ít làm tăng áp lực lên ruột ngắn của trẻ.

Ngoài ra, sau khi phẫu thuật, trẻ sẽ gặp khó khăn khi tiêu hóa các loại rau chưa nấu chín. Do đó, chỉ nên cho trẻ ăn rau đã nấu chín mềm. Trước tiên, nên cho trẻ ăn khoảng 1⁄2 chén rau sau đó tăng dần. Nếu trong trường hợp triệu chứng tiêu hóa không nặng lên bạn có thể tăng từ từ lượng rau nấu chín cho trẻ.

Bên cạnh đó, sau phẫu thuật việc ăn uống của trẻ sẽ giảm sút, vì vậy cha mẹ có thể bổ sung mỗi ngày 1 viên vitamin nhằm phòng ngừa thiếu hụt vi chất. Nên sử dụng viên uống bổ sung có hàm lượng các vi chất dinh dưỡng vừa đủ theo nhu cầu của trẻ.

Tóm lại, hội chứng ruột ngắn là tình trạng giảm hấp thu do phẫu thuật cắt đoạn ruột non. Các triệu chứng thường phụ thuộc vào độ dài và chức năng của ruột non còn lại nhưng đa phần trẻ thường bị tiêu chảy nặng và thiếu hụt dinh dưỡng khá phổ biến. Do vậy, dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn là vô cùng quan trọng và cần thiết để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Vì thế, sau phẫu thuật cha mẹ cần tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn phù hợp nhất cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe