Chế độ ăn cho người bệnh gout

Mục lục

Chế độ ăn cho người bệnh gout đang trở thành mối quan tâm của nhiều bệnh nhân, khi tỷ lệ người mắc bệnh này có dấu hiệu gia tăng ở Việt Nam. Nếu biết áp dụng chế độ ăn đúng và tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh hoàn toàn có thể làm thuyên giảm các triệu chứng của Gout, cũng như hạn chế tối đa các biến chứng có nguy cơ xuất hiện.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Tuyết Nhung, chuyên ngành Cơ - Xương - Khớp, tại Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Chế độ ăn cho người bệnh gout

Trong các biện pháp điều trị bệnh gout (gút), chế độ ăn uống là một phương pháp rất quan trọng. Khi điều chỉnh chế độ ăn, lượng đạm có chứa purin sẽ được kiểm soát trước khi đưa vào cơ thể. Quá trình này sẽ làm giảm sự hình thành của axit uric trong cơ thể người bệnh.  

Chế độ ăn dành cho bệnh nhân gout cũng cần phải tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Người bị Gout sẽ phải kiêng hoặc hạn chế một vài loại thực phẩm, nội tạng động vật và tăng cường chất xơ, trái cây và rau củ quả. Vậy, cụ thể là như thế nào?

2. Các loại thực phẩm cần tránh

Khi thực hiện chế độ ăn cho người bệnh gout, cần phải tránh các thực phẩm chứa nhiều purin. Có thể kể đến một số loại thực phẩm như sau:

  • Nội tạng động vật: Ví dụ như tim, gan hay lòng bầu dục.
  • Thịt xông khói.
  • Hải sản: Tôm, cua, cá trích hay cá mòi. Tuy nhiên, có thể ăn một lượng cá vừa đủ (100gr/bữa) nếu là cá hồi hoặc cá nước ngọt.
  • Các loại đậu.
  • Măng tây, cải bó xôi.
  • Thịt đỏ: Ví dụ như thịt bò, thịt trâu.
  • Thức ăn lên men: bệnh nhân nên tránh các loại đồ ăn lên men như rau muối chua.
  • Bia và rượu mạnh.
  • Các thực phẩm chứa fructose: Ví dụ như các loại bánh ngọt và nước ngọt.
  • Đồ uống có đường: Nước ngọt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
  • Một số loại rau như nấm, rau bina cũng không tốt cho người bệnh gout.
  • Một số gia vị cay nóng như tiêu, ớt. 
Bệnh nhân cần tránh xa rượu bia khi thực hiện chế độ ăn cho người bệnh gout.
Bệnh nhân cần tránh xa rượu bia khi thực hiện chế độ ăn cho người bệnh gout.

3. Những thực phẩm nên tiêu thụ

Bên cạnh các thực phẩm cần tránh khi thực hiện chế độ ăn dành cho bệnh nhân bị gout, người bệnh cũng nên tăng cường một số loại thực phẩm sau đây:

  • Nên dùng dầu mè, dầu ô liu, dầu hướng dương để nấu ăn nhằm hạn chế chất béo.
  • Sữa: Các loại sữa ít béo, sữa chua ít đường.
  • Trứng.
  • Thịt gà.
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Ví dụ như ngũ cốc.
  • Rau củ quả: Một số loại rau củ quả tốt cho bệnh gout có thể kể đến gồm dưa leo, bắp cải, cà rốt và các loại rau xanh.
  • Các loại trái cây có chứa nhiều vitamin C như quả anh đào, cam, táo, lê, dâu tây.
  • Ưu tiên các món ăn được chế biến bằng phương pháp luộc hoặc hấp. 
Trứng là một trong những loại thực phẩm bệnh nhân có thể bổ sung vào chế độ ăn.
Trứng là một trong những loại thực phẩm bệnh nhân có thể bổ sung vào chế độ ăn.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên uống đủ nước (khoảng 2 lít nước/ngày) và có thể tiêu thụ cà phê, trà xanh hoặc trà nói chung. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên kiểm soát tốt cân nặng của mình.  

Béo phì hoặc thừa cân là một trong những yếu tố làm tăng khả năng kháng insulin của cơ thể, từ đó làm gia tăng lượng axit uric có trong máu và khiến bệnh gout trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, hãy cân đối khẩu phần ăn của mình hàng ngày cũng như thường xuyên vận động để kiểm soát cân nặng cơ thể thật tốt.

Chế độ ăn cho bệnh nhân bị gout nhìn chung sẽ tập trung vào việc hạn chế purin và lượng calo hấp thu vào cơ thể. Bởi lẽ, bệnh gout thường đi kèm với một số tình trạng rối loạn chuyển hoá khác.

Tuy vậy, khi áp dụng chế độ ăn cho người bệnh gout, người bệnh không nên khắt khe quá mức trong việc lựa chọn thực phẩm. Thay vào đó, hãy cố gắng cân bằng dinh dưỡng để duy trì các hoạt động hàng ngày. Nếu không thể đưa ra các thực đơn phù hợp, người bệnh có thể tìm đến các  bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho tình trạng của bản thân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ