Chạy thận nhân tạo: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị Bệnh nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Với sự phát triển của các phương pháp điều trị thay thế thận, đặc biệt là chạy thận nhân tạo đã giúp bệnh nhân bệnh thận mạn tính giai đoạn 5 kéo dài cuộc sống lên đến hàng chục năm, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh lên rất nhiều.

1. Chạy thận nhân tạo là gì?

Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể. Một vòng tuần hoàn ngoài cơ thể sẽ được thiết lập, máu của người bệnh sẽ được dẫn ra bộ lọc của máy chạy thận để lọc sạch các chất cặn của quá trình chuyển hóa và nước thừa, sau đó máu sẽ được trả về cơ thể.

Chạy thận nhân tạo dựa trên các cơ chế sau:

  • Cơ chế siêu lọc: Do áp lực của bơm máu cao hơn áp lực bơm dịch nên áp lực thủy tĩnh của khoang máu sẽ cao hơn áp lực ở khoang dịch, nước từ khoang máu sẽ di chuyển sang khoang dịch và kéo theo các chất hòa tan.
  • Cơ chế khuếch tán riêng phần: Các chất hòa tan như urê, creatinin và các chất có trọng lượng phân tử nhỏ khác có nồng độ cao trong máu sẽ khuếch tán từ máu sang khoang dịch lọc do sự chênh lệch nồng độ.
  • Cơ chế dòng đối lưu: Sau một thời gian khi chất tan ở khoang máu và khoang dịch lọc cân bằng nhau, quá trình khuếch tán sẽ giảm hiệu lực.

Để hạn chế quá trình trên, trong chạy thận nhân tạo, máu và dịch lọc sẽ được chạy ngược chiều nhau để giảm sự cân bằng nồng độ và nâng cao hiệu quả lọc.


Quy trình chạy thận nhân tạo
Quy trình chạy thận nhân tạo

2. Khi nào cần chạy thận nhân tạo?

Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn 5 (hay còn gọi là giai đoạn cuối) sẽ được chỉ định chạy thận. Vào giai đoạn này, mức lọc cầu thận của bệnh nhân đã giảm xuống mức rất thấp <15 ml/ph/1.73 m2 thận hầu như đã mất hoàn toàn chức năng, các chất độc của quá trình chuyển hóa tích tụ trong cơ thể, bệnh nhân phải được điều trị thay thế thận để duy trì cuộc sống. Ở bệnh nhân đái tháo đường, chạy thận nhân tạo được chỉ định sớm hơn.

Chạy thận nhân tạo còn được sử dụng trong điều trị suy thận cấp và lọc máu khi ngộ độc, quá liều thuốc. .

3. Cần chuẩn bị gì trước khi chạy thận nhân tạo?

Ở bệnh nhân bệnh thận mạn tính giai đoạn 5, trước khi thực hiện lần chạy thận đầu tiên từ vài tuần đến vài tháng, bệnh nhân cần được thực hiện phẫu thuật nối thông động tĩnh mạch (hay còn được gọi là phẫu thuật FAV) để tạo một đường nối giữa động mạch và tĩnh mạch trên tay. Do trong quá trình lọc máu, dòng máu đi qua hệ thống lọc phải đảm bảo lưu lượng không nhỏ hơn 300ml/phút, áp lực cần thiết để hút máu từ cầu nối phải đạt khoảng -100 mmHg, áp lực trả máu về vòng tuần hoàn cũng phải ở mức +100 mmHg. FAV giúp tăng lưu lượng máu để đáp ứng được yêu cầu của nguyên lý chạy thận nhân tạo.


Chuẩn bị trước khi chạy thận nhân tạo
Chuẩn bị trước khi chạy thận nhân tạo

4. Các tai biến có thể xảy ra khi chạy thận nhân tạo

Trong quá trình chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng sau:

  • Hạ huyết áp: Xảy ra ở 20-30% bệnh nhân. Nguyên nhân có thể do tốc độ bơm máu cao, quá trình siêu lọc diễn ra quá mức, dịch lọc có nhiệt độ cao hoặc do bệnh nhân dùng các thuốc trị huyết áp trước khi lọc thận, bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim,...
  • Chuột rút: Thường do hạ huyết áp, quá trình siêu lọc quá mức hoặc dịch lọc có nồng độ natri thấp. Chuột rút xảy ra ở 5-20% bệnh nhân.
  • Buồn nôn và nôn: Xảy ra ở 5-15% bệnh nhân, là hội chứng sớm của hội chứng mất cân bằng thẩm thấu, thường liên quan đến hạ huyết áp.
  • Đau ngực, đau lưng: Thường gặp khi bệnh nhân thiếu máu cơ tim hoặc khi sử dụng bộ lọc lần đầu. Tỷ lệ gặp là 2-5% bệnh nhân.
  • Ngứa: Ngứa xảy ra 5% bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Ngứa thường do bệnh nhân dị ứng với một số chất có trong dịch lọc.

Trong quá trình chạy thận nếu nhận thấy cơ thể có bất cứ dấu hiệu nào bất thường, người bệnh phải báo ngay với nhân viên y tế để được can thiệp, xử lý kịp thời.

Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối khi điều trị bằng chạy thận nhân tạo cần đặc biệt chặt chẽ trong chế độ ăn. Hạn chế thức ăn nhiều muối và kali, cung cấp đạm ở mức vừa đủ, bệnh nhân cũng không được uống quá nhiều nước để hạn chế nguy cơ bị phù.

Bệnh nhân cần theo dõi cân nặng hàng ngày, để xác định lượng dịch dư thừa, điều này sẽ giúp thuận tiện cho quá trình chạy thận, máy chạy thận sẽ giúp bệnh nhân lấy lượng dịch thừa ra ngoài.

Bệnh nhân bệnh thận mạn tính giai đoạn 5 khi đã được chỉ định chạy thận nhân tạo, việc lọc thận sẽ kéo dài suốt đời. Bệnh nhân thường sẽ chạy thận 3 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài từ 3-4 giờ đồng hồ. Do đó bệnh nhân cần sắp xếp công việc, sinh hoạt cho phù hợp với việc chạy thận.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe