Chất béo bão hòa không lành mạnh?

Tác dụng của chất béo bão hoà đối với sức khỏe là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hoà- hoặc thậm chí dù chỉ ở mức độ vừa phải - có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Trong khi đó một số người khác lại cho rằng chất béo bão hòa không có hại và nên được đưa vào danh sách thực phẩm được khuyến nghị hàng ngày.

1. Chất béo bão hòa là gì và tại sao chất béo bão hoà không tốt cho sức khỏe?

Chất béo là chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khoẻ của con người. Có ba loại chất béo chính: chất béo bão hòa, chất béo không bão hòachất béo chuyển hóa. Tất cả các chất béo đều được tạo thành từ các phân tử cacbon, hydro và oxy.

Có nhiều loại chất béo bão hòa khác và có tác dụng khác nhau đối với sức khỏe. Chất béo bão hòa được tìm thấy nhiều trong các sản phẩm động vật như sữa, phô mai và thịt. Chúng cũng được tìm thấy nhiều trong các loại dầu thực vật, bao gồm dầu dừa và dầu cọ.

Chất béo bão hòa thường được cho là chất béo xấu và khi phân loại chúng thường được xếp chung với chất béo chuyển hóa - một loại chất béo được cho là gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.

Tuy nhiên có một thực tế là bằng chứng về ảnh hưởng xấu của chất béo bão hòa tới sức khoẻ vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Trong nhiều thập kỷ gần đây, các tổ chức y tế trên thế giới đã khuyến nghị giữ lượng chất béo bão hòa ở mức tối thiểu và thay thế nó bằng các loại dầu thực vật như dầu hạt cải, dầu đậu nành, để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tăng cường sức khỏe tổng thể. Mặc dù vậy, tỷ lệ mắc bệnh tim do có liên quan đến chất béo bão hòa vẫn tăng đều đặn, bao gồm béo phì và tiểu đường loại 2.

Một số chuyên gia cho rằng đó là do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến giàu carb. Một số chuyên gia khác lại lập luận rằng chỉ một chất dinh dưỡng riêng lẻ thì không thể nào dẫn đến sự xuất hiện và phát triển của một căn bệnh nào đó mà cả chế độ ăn uống nói chung mới đóng vai trò là nguyên nhân chính.


Chất béo bão hòa gây ra bệnh tim mạch
Chất béo bão hòa gây ra bệnh tim mạch

2. Ảnh hưởng chất béo bão hòa đối với sức khỏe

Một trong những lý do chính để đưa ra khuyến nghị nên giảm lượng chất béo bão hòa ở mức tối thiểu là việc tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim do chúng cung cấp nhiều cholesterol LDL (là loại cholesterol có hại). Tuy nhiên kết luận này là chưa rõ ràng. Mặc dù chất béo bão hoà có thể làm tăng một số nguy cơ nhất định, chưa có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh được chất béo bão hoà là thủ phạm chính của bệnh tim mạch.

2.1. Chất béo bão hoà là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng chất béo bão hòa làm tăng các yếu tố nguy cơ của bệnh tim, bao gồm cholesterol LDL (có hại) và apolipoprotein B (apoB). Cholesterol LDL có hại trong cơ thể càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh tim càng cao. Apolipoprotein là một protein có khả năng dự báo mạnh mẽ về nguy cơ mắc bệnh tim. Tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa sẽ làm tăng cả hai yếu tố nguy cơ này.

Ngoài ra tỷ lệ LDL (cholesterol xấu) so với HDL (cholesterol tốt), là một yếu tố nguy cơ khác dẫn đến bệnh tim mạch. Mặc dù các nghiên cứu với thiết kế nghiên cứu tốt đã chỉ ra mối quan hệ giữa lượng chất béo bão hòa và việc tăng các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, các nghiên cứu này đã không phát hiện ra mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa việc tiêu thụ chất béo bão hòa và bản thân bệnh tim.

Thêm vào đó, các nghiên cứu gần đây nhất cũng không cho thấy mối liên quan đáng kể giữa lượng chất béo bão hòa và tỷ lệ tử vong hoặc đột quỵ do mọi nguyên nhân.

Ví dụ, một nghiên cứu tổng quản năm 2014, đã so sánh và tổng hợp kết quả của 32 nghiên cứu bao gồm 659.298 người cho thấy không có mối liên quan đáng kể nào giữa lượng chất béo bão hòa và bệnh tim.

Một nghiên cứu năm 2017 đã theo dõi 135.335 cá nhân từ 18 quốc gia trong 7,4 năm đã chứng minh rằng lượng chất béo bão hòa không liên quan đến đột quỵ, bệnh tim, đau tim hoặc tử vong liên quan đến bệnh tim. Hơn nữa, các nghiên cứu ngẫu nhiên có kiểm soát đã cho thấy việc thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa giàu omega-6 không giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và thậm chí có thể làm tăng tiến triển bệnh.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là có nhiều loại chất béo bão hòa, mỗi loại có tác dụng riêng khác nhau đối với sức khỏe.

2.2. Những lo ngại khác về ảnh hưởng của chất béo bão hòa

Mặc dù tác dụng của chất béo bão hoà đối với bệnh tim cho đến nay vẫn đang được nghiên cứu và tranh luận nhiều, chất béo bão hòa cũng gây ra các tác động tiêu cực khác đối với sức khỏe, chẳng hạn như tăng tình trạng viêm và suy giảm tinh thần:

  • Chất béo bão hòa phần nào thúc đẩy quá trình viêm bằng cách bắt chước sự hoạt động của các độc tố vi khuẩn gọi là lipopolysacarit dẫn đến sự kích thích miễn dịch mạnh và có thể gây viêm. Ví dụ, một nghiên cứu ở 12 phụ nữ nhằm so sánh hai chế độ ăn, một là chế độ ăn nhiều chất béo không bão hòa từ dầu cây phỉ và hai là chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa từ hỗn hợp dầu cọ. Kết quả cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo bão hoà làm tăng protein gây viêm như interleukin-1 beta (IL -1 beta) và interleukin-6 (IL-6).

Chất béo bão hòa là nguyên nhân gây suy giảm tinh thần
Chất béo bão hòa là nguyên nhân gây suy giảm tinh thần

  • Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng chất béo bão hòa có thể có tác động xấu đến tâm lý, sự thèm ăn và chuyển hóa. Tuy nhiên các nghiên cứu kể trên còn chỉ ra nhiều hạn chế và cũng có các nghiên cứu đưa qua quan điểm ngược lại. Vì vậy vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để đưa ra kết quả cuối cùng.

3. Chất béo bão hoà có thực sự không tốt cho sức khỏe?

Mặc dù nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ một số loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhưng kết luận này không thể dùng để kết luận cho tất cả các loại thực phẩm có chứa chất béo bão hòa.

Ví dụ, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa ở dạng thức ăn nhanh, đồ chiên, đồ nướng có đường hoặc thịt đã qua chế biến thì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhiều hơn so với chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa có trong sữa nguyên chất, thịt từ động vật ăn cỏ và dừa.

Để đánh giá xem chất béo bão hoà có thực sự ảnh hưởng tới sức khoẻ hay không cần phải xem xét sự tác động của cả chế độ ăn nói chung. Thực tế là rất khó đánh giá tác động riêng lẻ của một chất dinh dưỡng nào đó đối với nguy cơ sức khoẻ của một người. Ví dụ nếu bên cạnh việc tiêu thụ chất béo bão hoà, người ta cũng tiêu thụ thêm nhiều đường thì gây ra nhiều tác hại đến sức khoẻ hơn.

Lối sống và các yếu tố di truyền cũng là các yếu tố nguy cơ quan trọng cũng cần được xem xét, do chúng cũng được chứng minh là ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh.

Vì tất cả các lý do nêu trên, việc có các nghiên cứu được thiết kế thật tốt đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra kết luận cuối cùng về tác hại của chất béo bão hoà.

4. Chất béo bão hòa có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh?

Không có nghi ngờ nào đặt ra về việc chất béo bão hoà nên được coi là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.

Các sản phẩm từ dừa (ví dụ như cùi dừa hay dầu dừa), sữa nguyên chất và thịt động vật ăn cỏ là một số ví dụ về thực phẩm giàu dinh dưỡng chứa nhiều chất béo bão hòa rất tốt cho sức khỏe.

Chất béo từ sữa nguyên chất giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trong khi đó dầu dừa được chứng minh là giúp tăng cholesterol HDL (có lợi) và có thể giúp giảm cân.


Cùi dừa có chứa nhiều chất béo bão hòa tốt cho sức khỏe
Cùi dừa có chứa nhiều chất béo bão hòa tốt cho sức khỏe

Ngược lại, việc ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa như đồ ăn nhanh và thực phẩm chiên làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và nhiều tình trạng sức khỏe khác

Nghiên cứu cũng chỉ ra mô hình dinh dưỡng nhiều thực phẩm tươi, chưa qua chế biến giúp bảo vệ bạn khỏi các nguy cơ sức khoẻ như béo phì, tim và nhiều yếu tố nguy cơ bệnh khác. Một sự thật hiển nhiên được chứng minh từ nhiều thập kỷ nay, chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm các nguy cơ bệnh tật là chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, gồm các thực phẩm nguyên chất, thực phẩm giàu chất xơ và bao gồm cả các loại thực phẩm giàu chất béo bão hoà.

Hãy nhớ rằng, bất kể bạn chọn mô hình ăn uống nào, điều quan trọng nhất là sự cân bằng và đa dạng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe