Chánh niệm có thể giúp xoa dịu chứng trầm cảm tái phát

Trầm cảm là một vấn đề sức khỏe lớn của con người. Trầm cảm ảnh hưởng đến 20% người có độ tuổi từ 65 trở lên, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim và tử vong do bệnh tật, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người bệnh bằng cách làm cho họ bị cô lập về mặt xã hội và ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Có nhiều phương pháp điều trị trầm cảm, ngoài liệu pháp dùng thuốc, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra vai trò của thiền chánh niệm trong điều trị và xoa dịu chứng trầm cảm tái phát.

1. Vai trò của thiền chánh niệm trong điều trị trầm cảm

Nhiều nghiên cứu khoa học đã được thực hiện để chứng minh vai trò của thiền chánh niệm trong điều trị chứng trầm cảm. Chẳng hạn như nghiên cứu thực hiện bởi Willem Kuyken – Đại học Oxford Anh tiến hành trên gần 1300 bệnh nhân có tiền sử mắc trầm cảm. Mục đích của nghiên cứu nhằm so sánh hiệu quả của liệu pháp chánh niệm trong điều trị trầm cảm tái phát so với các phương pháp điều trị khác, bao gồm cả thuốc điều trị trầm cảm và phương pháp chăm sóc thông thường. Sau thời gian 60 tuần theo dõi điều trị, kết quả cho thấy những người bệnh nhận được liệu pháp điều trị chánh niệm ít có khả năng bị tái phát trầm cảm hơn người bệnh được chăm sóc thông thường và có cùng nguy cơ tái phát bệnh với những người bệnh điều trị bằng thuốc chống trầm cảm.

Một nghiên cứu khác được thực hiện ở 424 người trưởng thành mắc trầm cảm. Nhóm người bệnh tham gia nghiên cứu được chia làm hai nhóm nhỏ với hai phương pháp điều trị là thiền chánh niệm và dùng thuốc. Những người bệnh được chỉ định thực hiện chánh niệm có tám buổi điều trị nhóm kéo dài hơn hai giờ cộng với thực hành hàng ngày tại nhà và tùy chọn bốn buổi theo dõi trong một năm. Quá trình điều trị bao gồm đào tạo về chánh niệm, thảo luận nhóm và thực hiện các bài tập hành vi nhận thức. Những người bệnh được chỉ định điều trị bằng thuốc sẽ được duy trì thời gian điều trị trong 2 năm. Kết quả nghiên cứu sau 2 năm theo dõi cho thấy tỷ lệ người bệnh tái phát ở hai nhóm tương đương nhau với 44% ở nhóm thiền chánh niệm và 47% ở nhóm dùng thuốc.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp điều trị bằng thiền chánh niệm hiệu quả hơn thuốc viên và có thể mang đến một lựa chọn mới cho những người bệnh không muốn dùng thuốc trong thời gian dài. Hiện nay, thuốc chống trầm cảm duy trì là phương pháp điều trị quan trọng giúp ngăn ngừa tái phát, giảm đến 2/3 khả năng tái phát bệnh khi dùng đúng cách. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người bệnh vì các nguyên nhân khác nhau mà không thể tiếp tục điều trị bằng thuốc trầm cảm hoặc không muốn tiếp tục sử dụng thuốc trong thời gian dài không xác định thời điểm chấm dứt thì việc áp dụng phương pháp luyện tập thiền định mỗi ngày là lựa chọn hiệu quả.


Thiền chánh niệm có vai trò hiệu quả trong điều trị trầm cảm
Thiền chánh niệm có vai trò hiệu quả trong điều trị trầm cảm

Các nhà khoa học cũng cho biết thiền chánh niệm ban đầu xuất hiện với mục đích trau dồi hạnh phúc và đức hạnh cho con người. Tuy nhiên, những hiệu quả to lớn của phương pháp này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tự chữa trầm cảm, nó mang lại cho người bệnh nhận thức về cảm xúc và suy nghĩ cũng như khả năng điều chỉnh và đối phó hiệu quả hơn với những cảm xúc tiêu cực.

Xem ngay: Chánh niệm & Thiền định đối với bệnh Hashimoto

2. Thiền chánh niệm giúp điều trị trầm cảm như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh trầm cảm. Trong đó điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý là những phương pháp điều trị truyền thống và được lựa chọn đầu tiên. Ngoài ra, phương pháp thiền chánh niệm đã được chứng minh là giúp thay đổi cách não phản ứng với căng thẳng và lo lắng.

Căng thẳng và lo lắng là nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm và thiền chánh niệm có thể thay đổi phản ứng của người bệnh trầm cảm với những cảm giác đó. Theo nhận định của các nhà khoa học, thiền chánh niệm giúp não bộ đạt được sự tập trung bền vững và không bị ảnh hưởng nhiều khi suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc tiêu cực xâm nhập – điều thường xuyên xảy ra ở người bệnh trầm cảm.

Thiền chánh niệm giúp điều trị trầm cảm tái phát thông qua cơ chế thay đổi một số vùng não có liên quan cụ thể đến hội chứng trầm cảm. Chẳng hạn như, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng phần vỏ não trước trán (mPFC) trở nên tăng động ở những người bệnh trầm cảm. mPFC được gọi là “trung tâm tôi” bởi đây là nơi bộ não xử lý thông tin về bản thân, chẳng hạn như những lo lắng về tương lai hay những suy nghĩ về quá khứ. Khi con người bị căng thẳng, stress trong cuộc sống, mPFC sẽ hoạt động quá mức.

Một vùng não khác là nguyên nhân dẫn đến hội chứng trầm cảm là hạch hạnh nhân hay còn gọi là “trung tâm sợ hãi”. Đây là phần não chịu trách nhiệm về phản ứng của cơ thể, kích hoạt tuyến thượng thận tiết ra hormone căng thẳng cortisol nhằm phản ứng lại với nỗi sợ hãi và các nhận thức nguy hiểm. Hai vùng não này hoạt động lẫn nhau sẽ dẫn đến trầm cảm. Trung tâm tôi hoạt động để phản ứng với căng thẳng và lo lắng, bên cạnh đó phản ứng của trung tâm sợ hãi dẫn đến mức cortisol tăng đột biến để chống lại các nhận thức nguy hiểm xuất hiện trong tâm trí. Nghiên cứu từ các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, thiền chánh niệm giúp phá vỡ kết nối giữa hai vùng não này, bỏ qua những cảm giác tiêu cực, căng thẳng và lo lắng. Điều này giải thích một phần nguyên nhân tại sao mức độ căng thẳng giảm khi bạn thiền định.


Thiền chánh niệm giúp bạn giảm căng thẳng và lo lắng
Thiền chánh niệm giúp bạn giảm căng thẳng và lo lắng

Một cơ chế khác mà thiền chánh niệm giúp ích cho bộ não là bảo vệ vùng hải mã (một vùng não liên quan đến trí nhớ). Kết quả một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị trầm cảm tái phát thường có kích thước vùng hồi hải mã nhỏ hơn. Bên cạnh đó, những người thực hiện thiền chánh niệm 30 phút mỗi ngày trong 8 tuần giúp làm tăng khối lượng chất xám trong vùng hồi hải mã.

Mục đích của thiền chánh niệm không phải là ngăn chặn suy nghĩ tiêu cực hay gạt bỏ căng thẳng, mà là chú ý đến những suy nghĩ và cảm xúc đó, đồng thời hiểu rằng bạn không cần phải hành động theo chúng. Điều này có thể đơn giản như nhắm mắt và lặp lại một cụm từ hoặc đếm nhịp thở, chúng cho phép bạn tạo ra một khoảng cách nào đó với những suy nghĩ tiêu cực hoặc cảm giác căng thẳng, giúp bạn nhận ra rằng mặc dù tình trạng căng thẳng hay các cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến bạn, nhưng chúng không phải là bạn.

Thiền chánh niệm cũng có thể giúp não bộ đối phó với các tình huống căng thẳng. Chẳng hạn như thiền chánh niệm vài phút trước một cuộc phỏng vấn hoặc một kỳ thi có thể giúp chuyển não bộ và cơ thể khỏi phản ứng căng thẳng sang trạng thái tương đối bình tĩnh.

Như vậy, thiền chánh niệm đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả trong điều trị chứng trầm cảm tái phát. Tuy nhiên, cũng giống như việc tuân theo một chế độ ăn uống và rèn luyện thể dục cần có thời gian để cảm nhận kết quả từ phương pháp thiền chánh niệm mỗi ngày. Chế độ duy trì luyện tập sẽ giúp bạn kiểm soát các cảm xúc căng thẳng và lo lắng là những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: health.harvard.edu, theguardian.com, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe