Chẩn đoán xơ gan bằng phương pháp Fibroscan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Xơ gan là một bệnh lý trong đó mô gan khỏe mạnh bị thay thế bởi mô sẹo. Với tiến bộ của kỹ thuật trong Y học, chẩn đoán xơ gan bằng phương pháp Fibroscan giúp phát hiện sớm quá trình tiến triển đến xơ hóa gan thực sự. Qua đó, người bệnh khi được siêu âm đàn hồi gan sẽ sớm được điều trị đúng cách và ngăn ngừa các biến chứng của xơ gan về sau.

1. Xơ gan là gì?

Gan là tạng đặc lớn nhất trong cơ thể, thực hiện nhiều chức năng quan trọng như tạo protein máu trong quá trình đông máu, lưu trữ các chất dinh dưỡng dư thừa, sản xuất mật để giúp tiêu hóa thức ăn, chuyển hóa các chất có hại trong máu như thuốc và rượu...

Mọi nguyên nhân gây tổn thương gan đều có thể dẫn đến xơ gan. Đây là một bệnh lý tiến triển chậm; trong đó, mô gan khỏe mạnh bị thay thế bằng mô sẹo xơ hóa. Các mô sẹo này ngăn chặn dòng chảy của máu qua gan và gan không thực hiện được các chức năng của mình. Hệ quả là cơ thể chịu các biến chứng nguy hiểm do suy gan.

Các nguyên nhân phổ biến nhất của xơ gan viêm gan mạn, gan nhiễm mỡ hay uống rượu. Ban đầu, tế bào gan bị tổn thương nhưng vẫn còn khả năng bù trừ; khi tổn thương vượt quá khả năng chịu đựng, người bệnh sẽ bắt đầu có triệu chứng.

Chính vì thế, các triệu chứng của bệnh xơ gan phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, từ ăn mất ngon, mệt mỏi, sụt cân cho đến xuất hiện các dấu bầm tím, vàng da, vàng mắt, ngứa da, phù toàn thân và thậm chí là ói ra máu, tiêu phân đen, rối loạn tri giác, hôn mê...


Tình trạng xơ gan do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra
Tình trạng xơ gan do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra

2. Các phương tiện để chẩn đoán xơ gan là gì?

Ngoài việc thăm khám thực thể các dấu hiệu nêu trên, bác sĩ có thể sờ khám lá gan gián tiếp qua thành bụng, đánh giá kích thước, mật độ, cấu trúc và bề mặt. Một lá gan bị xơ hóa thường teo nhỏ, xù xì, thô cứng và bề mặt lổn nhổn, không đều thay vì trơn láng, mềm mịn.

Ngoài ra, để đánh giá chính xác cấu trúc gan cũng như chức năng gan, một số xét nghiệm xơ gan sau đây cần được chỉ định:

  • Xét nghiệm máu: Xơ gan sẽ làm cho số lượng tiểu cầu giảm, thiếu máu, rối loạn chức năng đông máu, giảm tổng hợp chất đạm trong máu, tăng men gan nếu xơ gan do tổn thương gan...
  • Hình ảnh học: Hình thái của gan sẽ được quan sát đầu tiên bằng công cụ siêu âm bụng, quan sát thấy cấu trúc gan dày đặc, đầy mô xơ hóa là dấu hiệu của xơ gan. Một số công cụ hình ảnh khác có thể được sử dụng khi cần khảo sát chuyên sâu hơn như chụp cắt lớp vi tính để tìm u gan, sỏi trong gan.
  • Đo độ đàn hồi gan: Do khi gan bị xơ, trong nhu mô gan có chứa nhiều chất xơ hóa tân sinh, khả năng đàn hồi của mô gan sẽ giảm. Thông qua đó, việc đánh giá độ đàn hồi gan bằng sóng siêu âm sẽ giúp phát hiện sớm tình trạng xơ hóa gan cũng như giai đoạn gan.
  • Nội soi: Với một ống mỏng, linh hoạt có gắn ánh sáng và camera ở cuối ống đưa vào miệng, bề mặt của thực quản và dạ dày nếu cho thấy dấu hiệu có các tĩnh mạch bị giãn lớn sẽ giúp hướng tới bệnh xơ gan.
  • Sinh thiết: Đây là một cách thức chẩn đoán xơ gan có tính xâm lấn nhưng lại là “tiêu chuẩn vàng”. Do đó, phương tiện này chỉ được đặt ra khi việc chẩn đoán khó khăn và với các nguyên nhân hiếm gặp bằng cách lấy một mẫu mô thông qua chọc kim xuyên da vào gan.
  • Phẫu thuật: Trong một số trường hợp, xơ gan được chẩn đoán trong quá trình phẫu thuật khi bác sĩ có thể nhìn thấy toàn bộ gan.

Xét nghiệm máu cũng có thể giúp ích trong việc chẩn đoán xơ gan
Xét nghiệm máu cũng có thể giúp ích trong việc chẩn đoán xơ gan

3. Chẩn đoán xơ gan bằng phương pháp Fibroscan là gì?

Fibroscan hay là siêu âm đàn hồi gan là một xét nghiệm không xâm lấn giúp đánh giá sức khỏe của gan nói chung và sự hiện diện, mật độ các mô xơ hóa trong nhu mô gan nói riêng. Bằng cách sử dụng công nghệ siêu âm để xác định mức độ xơ hóa hoặc sẹo có thể có trong gan, chẩn đoán xơ gan sẽ được xác định hay loại trừ, phủ nhận được các triệu chứng như trên có thể có nguyên nhân là do những rối loạn tại hệ cơ quan khác.

Kết quả xét nghiệm FibroScan luôn được sử dụng cùng với dữ liệu lâm sàng khác, kết quả xét nghiệm và hình ảnh học của gan trong việc quản lý từng bệnh nhân, cá nhân hóa và tối ưu hóa kế hoạch điều trị cũng như trong việc theo dõi lâu dài. Thậm chí, đối với một số bệnh nhân, siêu âm đàn hồi gan còn có thể thay thế sinh thiết gan.

Mặc dù siêu âm đàn hồi gan là một xét nghiệm hoàn toàn không xâm lấn, đơn giản và không gây đau đớn, chỉ mất khoảng 10 phút để hoàn thành, xét nghiệm này lại gặp hạn chế ở những bệnh nhân đã có tràn dịch ổ bụng, viêm gan cấp, suy tim phải, béo phì nặng, có khoảng liên sườn hẹp hay không có khả năng nằm thẳng...

4. Quy trình thực hiện chẩn đoán xơ gan bằng phương pháp Fibroscan như thế nào?

4.1 Chuẩn bị thực hiện

Bệnh nhân được yêu cầu mặc quần áo rộng và có thể nằm thẳng trên bàn trong 10 phút trở lên mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Bệnh nhân đã được dặn dò không ăn uống bất kỳ thực phẩm nào trong tối thiểu 3 giờ trước khi thực hiện để tăng tính tin cậy cho xét nghiệm.

Quá trình quét siêu âm đàn hồi gan thường mất 10 đến 15 phút để hoàn thành. Tuy nhiên, bệnh nhân nên có mặt trước 30 phút để có thời gian chuẩn bị.


Quy trình thực hiện chẩn đoán xơ gan bằng phương pháp Fibroscan có thể kéo dài 15 phút
Quy trình thực hiện chẩn đoán xơ gan bằng phương pháp Fibroscan có thể kéo dài 15 phút

4.2 Quá trình thực hiện

Gan nằm ở góc bụng trên bên phải, dưới các xương sườn phải. Bệnh nhân được yêu cầu nằm thẳng trên bàn khám để bộc lộ vùng bụng trên.

Kỹ thuật viên sẽ đặt đầu dò FibroScan giữa các xương sườn ở phía bên phải của thành ngực dưới. Một loạt các xung siêu âm được phát ra và sóng phản hồi sẽ được ghi lại trên thiết bị, tính toán điểm số về độ cứng của gan một cách tổng thể.

Số điểm này sau đó được nhận định bởi một bác sĩ chuyên khoa gan để dự đoán khả năng xơ hóa gan hoặc xơ gan tiến triển.

4.3 Kết thúc quy trình

Bệnh nhân có thể ra về và sinh hoạt lại như bình thường.

Kết quả sẽ được gửi trả sau đó cho bác sĩ chỉ định trong khoảng một đến hai tuần.

5. Những ưu điểm khi chẩn đoán xơ gan bằng phương pháp Fibroscan

Fibroscan hay siêu âm đàn hồi gan là một xét nghiệm đơn giản, không đau, không xâm lấn được sử dụng để đánh giá tương đối chính xác về tình trạng sức khỏe của lá gan. Chính vì vậy, siêu âm đàn hồi gan đã dần thay thế phần lớn các chỉ định sinh thiết gan truyền thống.

Bằng cách sử dụng kết hợp sóng đàn hồi được tạo ra bởi xung cơ học và công nghệ siêu âm, độ đàn hồi của gan sẽ giúp đánh giá tính cứng của gan. Nếu có, đây là bằng chứng mức độ mô học, phát hiện các dấu hiệu sớm của tổn thương gan, sự hiện diện của xơ hóa gan, cuối cùng có thể dẫn đến xơ ganung thư gan.

Từ đó, kết quả của siêu âm đàn hồi gan sẽ quyết định kế hoạch điều trị và theo dõi bệnh nhân trong tương lai. Nếu phát hiện gan tổn thương nặng, bệnh nhân sẽ cần thăm khám tại một chuyên gia về bệnh lý gan để xác định nguyên nhân gây ra bệnh và sau đó có cách quản lý phù hợp. Trong trường hợp không có xơ gan hoặc chỉ bị xơ hóa nhẹ, việc điều chỉnh can thiệp lối sống thường là đủ để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh gan thực sự cũng như tránh sự tiến triển của bệnh.


Kết quả siêu âm độ đàn hồi mô gan
Kết quả siêu âm độ đàn hồi mô gan

Cuối cùng, siêu âm đàn hồi gan cũng là phương tiện giúp dễ dàng theo dõi những thay đổi trong bệnh gan, không hạn chế về tần suất sử dụng. Qua đó, Fibroscan có thể theo dõi tiến triển, đình trệ hoặc khả năng hồi quy của bệnh gan ở một số cá nhân có thể đáp ứng tốt với điều trị.

Tóm lại, việc chẩn đoán xơ gan bằng phương pháp Fibroscan là một phương pháp mới, không xâm lấn, nhanh chóng và có thể tái tạo lại nhu mô gan để đánh giá xơ hóa gan bằng cách đo độ cứng của gan. Từ đó, bệnh nhân sẽ giảm được các nguy cơ nếu phải sinh thiết gan cũng như phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng cách.

Nguồn tham khảo: hepmag.com, mskcc.org, ncbi.nlm.nih.gov, nhs.uk

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe