Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa.
Lá gan là cơ quan nằm trong ổ bụng, chiếm một phần diện tích khá lớn ở vùng hạ sườn phải trải dài qua đến vùng thượng vị. Ở người bệnh thường, khi thăm khám bụng bác sĩ thường không thể sờ thấy gan. Gan to là thuật ngữ nhằm chỉ sự tăng kích thước quá giới hạn bình thường của gan. Đây không hẳn là một bệnh lý cụ thể mà là dấu hiệu gợi ý của nhiều bất thường khác nhau của cơ thể.
1. Gan to là bệnh gì?
Gan hay lá gan là một cơ quan có vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa và đảm nhận nhiều vai trò khác nhau. Gan là nơi sản xuất mật hỗ trợ cho việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tại đường ruột. Ngoài ra gan còn là nơi sản xuất nhiều hóc môn đóng vai trò điều hòa nội môi và các hoạt động khác của cơ thể. Một chức năng quan trọng khác của gan là thải độc, nghĩa là loại bỏ những chất có hại cho cơ thể đến từ thức ăn, nước uống hoặc thuốc men mà con người sử dụng.
Gan to không phải là tên gọi cho một loại bệnh cụ thể mà là một triệu chứng gợi ý cho nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau của cơ thể như suy giảm chức năng tế bào gan, viêm gan virus mạn tính, xơ gan, suy tim sung huyết. Gan to, lách to có thể là những bất thường đi kèm cùng nhau trong một vài trường hợp. Những người có biểu hiện gan to cần được thăm khám một cách tổng quát để tìm kiếm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?
Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.2. Biểu hiện của gan to
Gan to là tình trạng tăng kích thước của lá gan bên trong ổ bụng, tuy nhiên gan to thường không chỉ là một dấu hiệu đơn độc trên một bệnh nhân. Những người có lá gan tăng kích thước bất thường có thể phải đối diện với những triệu chứng khác nhau liên quan đến những bệnh lý nền bên dưới gây ra như:
- Đau bụng, đau âm ỉ vùng nửa bụng phía trên bên phải
- Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Tổng trạng mệt mỏi
- Đau nhức cơ
- Vàng da và vàng kết mạc mắt
- Nước tiểu màu vàng đậm
- Phân bạc màu
- Xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng.
3. Nguyên nhân gây gan to
Nguyên nhân khiến gan to là yếu tố đóng vai trò tiên quyết cho việc điều trị hiệu quả ở người bệnh. Gan to có thể là hậu quả của rất nhiều trường hợp bệnh lý khác nhau, có thể kể đến bao gồm:
- Gan to nhiễm mỡ ở những người có thể trạng béo phì hoặc sử dụng nhiều rượu
- Viêm gan virus mạn tính
- Viêm gan do các nguyên nhân nhiễm trùng khác
- Các bệnh lý tự miễn
- Các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh các loại chất bao gồm chất đạm, chất béo
- Tắc nghẽn đường mật trong gan
- U gan
- Ung thư gan nguyên phát và ung thư gan di căn từ những cơ quan khác trong cơ thể
- Nang gan
- Tắc mạch gan
- U mạch máu trong gan
- Tắc nghẽn máu trong gan
- Bệnh lý tim mạch như suy tim sung huyết, hở van ba lá
Dựa vào những bệnh lý liệt kê bên trên, những người có khả năng gặp phải tình trạng này cao hơn so với những người khác là người:
- Lạm dụng rượu
- Sử dụng nhiều loại thảo mộc không rõ nguồn gốc
- Uống quá nhiều vitamin và các loại thực phẩm chức năng trên thị trường
- Dùng thuốc không đúng hướng dẫn của bác sĩ như tăng liều hoặc sử dụng quá thời gian được kê
- Mắc một số các bệnh lý như sốt rét, nhiễm virus gây viêm gan.
4. Cần phải làm gì khi có gan to?
Gan to được xác định bằng việc thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sờ thấy được một phần gan dưới bờ sườn. Ngoài việc xác định sự tăng kích thước của lá gan, bác sĩ còn đánh giá thêm mật độ của mô gan bên dưới có mềm mại hoặc gồ ghề nhiều khối hay không. Đây có thể là một gợi ý có giá trị định hướng chẩn đoán và các xét nghiệm cận lâm sàng tiếp theo cần thực hiện.
Sau khi thăm khám lâm sàng để xác định có hay không tình trạng gan to, bác sĩ sẽ chỉ định và yêu cầu người bệnh thực hiện thêm nhiều thủ tục khác để tìm kiếm nguyên nhân gây gan to và các biến chứng có thể có như:
- Xét nghiệm công thức máu tổng quát
- Định lượng nồng độ men gan trong máu: Men gan là chỉ số đánh giá chức năng và tình trạng toàn vẹn của các tế bào gan. Men gan tăng cao đồng nghĩa với việc các tế bào gan đang bị phá hủy.
- Xét nghiệm định lượng kháng nguyên và kháng thể chống lại các loại virus gây viêm gan như HbsAg, anti HBs, HCV-ARN, ...
- Siêu âm bụng, siêu âm đàn hồi gan
- Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng
- Nội soi mật tụy ngược dòng
- Sinh thiết tế bào gan: đây là xét nghiệm có vai trò chính trong việc chẩn đoán các bệnh lý tại gan là nguyên nhân gây gan to. Bác sĩ sử dụng kim dài đâm vào ổ bụng tại vị trí tương ứng với lá gan. Rút kim ra sẽ đưa được một mẫu mô gan tương ứng ra ngoài để tiến hành đánh giá đặc điểm mô bệnh học của nó. Sinh thiết tế bào gan có thể được thực hiện dưới hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm để lấy được mẫu mô ở vị trí cần khảo sát.
Việc chẩn đoán được nguyên nhân dẫn tới gan to dựa trên thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng là việc làm quan trọng. Các phương pháp điều trị ở những người có gan to được xây dựng dựa vào từng bệnh lý và từng hoàn cảnh của bệnh nhân. Vì vậy, những người có cùng biểu hiện gan to như nhau nhưng thường được điều trị theo những phác đồ khác nhau.
5. Chế độ sinh hoạt ảnh hưởng gì đến gan to?
Ngoài những phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa, việc thay đổi và điều chỉnh trong chế độ sinh hoạt đóng vai trò lớn trong việc giúp người bệnh kiểm soát được bệnh và cải thiện được chất lượng cuộc sống. Một số biện pháp có thể áp dụng được ở những người có gan to bao gồm:
- Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, không kiêng khem một cách thiếu khoa học.
- Bổ sung nhiều chất xơ và vitamin đến từ trái cây, rau xanh và các loại ngũ cốc
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không để xảy ra tình trạng thừa cân béo phì
- Không hút thuốc lá. Nếu đang hút thuốc lá, người bệnh nên liên hệ với các cơ quan tổ chức để tham gia vào các chương trình hỗ trợ người dân bỏ thuốc lá
- Hạn chế sử dụng các loại thức uống có cồn như rượu bia
- Không tiếp xúc với các hóa chất có hại cho cơ thể như thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, các dung dịch tẩy rửa
- Điều trị tốt các bệnh lý nội khoa mãn tính đang mắc phải như đái tháo đường, tăng huyết áp
- Hỏi ý kiến bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng các loại thuốc thảo mộc hoặc các loại thực phẩm chức năng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.