Chẩn đoán và điều trị viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến có nguy cơ cao tiến triển thành viêm khớp tiêu xương. Đây là biến chứng nguy hiểm gây tổn hại vĩnh viễn cho các khớp, đặc biệt là các khớp ngón tay. Theo thời gian, viêm khớp tiêu xương sẽ phá hủy các xương nhỏ ở bàn tay, dẫn đến biến dạng khớp và khiến người bệnh mất khả năng vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Dương Tiến, Chuyên khoa Nội cơ xương khớp, tại Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Tổng quan về bệnh viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nếnbệnh tự miễn và mạn tính, thường gặp ở những người có bệnh da vảy nến thể nặng. Bệnh gây viêm ở một số khớp nhất định, thường ở ngón tay, cổ và lưng dưới. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến mắt, móng tay và tim, tuy nhiên ít phổ biến hơn. Đặc điểm nổi bật của bệnh là phát ban da, thường xuất hiện trước khi đau khớp nhưng một số trường hợp chỉ phát hiện sau khi cơn đau đã khởi phát.

Nguyên nhân chính xác của bệnh chưa được biết đến, tuy nhiên các yếu tố như di truyền (có người thân mắc bệnh vảy nến khớp hoặc vảy nến da) và môi trường (tiếp xúc hóa chất, chất phóng xạ, vi khuẩn, virus...) được cho là đóng vai trò quan trọng. Ở người nhạy cảm, nhiễm trùng có thể kích hoạt hệ miễn dịch và thúc đẩy sự phát triển của bệnh.

Khoảng 20% bệnh nhân vẩy nến có thêm biến chứng viêm khớp vảy nến. Tỷ lệ này cao hơn ở người nhiễm HIV. Nguy cơ mắc bệnh cũng tăng cao nếu có người thân mang gen HLA-B27 hoặc một số gen khác như HLA-Cw6, HLA-B38, HLA-B39, HLA-DR.  

2. Chẩn đoán và điều trị viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến hiện nay chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến dạng khớp. Do đó, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng để hạn chế nguy cơ tàn phế.

2.1 Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm khớp vảy nến dựa trên các triệu chứng lâm sàng bao gồm:

  • Đau mắt đỏ.
  • Đau và sưng khớp trong một thời gian ngắn.
  • Một số bệnh nhân bị mẩn đỏ, nóng tại chỗ đau và sưng khớp, gây mệt mỏi, khó chịu.
  • Đau nhức dây chằng, bắp thịt và mặt sau của gót chân.
  • Viêm cột sống và đốt sống, gây đau và cứng khớp cổ, lưng dưới vào buổi sáng.
  • Giảm khả năng vận động của khớp ngón tay, ngón chân do đau và sưng đỏ.
  • Bệnh nhân bị mẩn đỏ kèm theo vảy nến ở ngón tay hoặc ngón chân.
  • Móng tay, móng chân có thể bong tróc khỏi phần nền móng. 
Người bị bệnh viêm khớp vảy nến có thể bị đau mắt đỏ.
Người bị bệnh viêm khớp vảy nến có thể bị đau mắt đỏ.

Bệnh nhân có cả bệnh vẩy nến và viêm khớp cần được chẩn đoán loại trừ viêm khớp vẩy nến. Bệnh có thể không biểu hiện rõ ràng hoặc chỉ xuất hiện sau khi viêm khớp xảy ra. Do đó, cần xem xét bệnh lý này ở bất kỳ bệnh nhân nào bị viêm khớp huyết thanh âm tính.

Việc chẩn đoán viêm khớp vảy nến dựa trên các xét nghiệm sau:

  • Sinh thiết da: Xét nghiệm này giúp chẩn đoán bệnh.
  • Tăng tốc độ lắng máu (ESR) và CRP trong giai đoạn viêm khớp cấp.
  • Yếu tố dạng thấp (RF): Thường dương tính ở bệnh nhân thấp khớp nhưng âm tính ở bệnh nhân vảy nến thể khớp.
  • HIV: Xét nghiệm thêm trong trường hợp bệnh nặng.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Nếu tổn thương da nặng và tăng lượng axit uric.

Chẩn đoán hình ảnh trong viêm khớp vảy nến:

  • Chụp X-quang:
    • Khớp bị hẹp, đầu xương mòn dưới sụn, có phản ứng màng xương.
    • Xương tại điểm bám gân bị canxi hóa, hình thành gai xương.
    • Viêm khớp cùng chậu hoặc cầu xương cột sống.
    • Tiêu xương đốt xa với hình ảnh đặc trưng "bút chì cắm vào lọ mực".
  • Chụp cộng hưởng từ MRI:
    • Giúp đánh giá tổn thương và giai đoạn của viêm khớp vảy nến ở khớp hoặc khung chậu.
    • Phát hiện tổn thương gân, dây chằng ở bàn chân và lưng dưới.

2.2 Điều trị

Viêm khớp vảy nến chỉ có thể được điều trị khi có triệu chứng xuất hiện. Mục tiêu chính của việc điều trị là kiểm soát tổn thương da và giảm viêm khớp. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp sẽ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của bệnh lên từng vùng cơ thể khác nhau (viêm khớp ngoại vi, viêm khớp trục, viêm ngón dạng xúc xích, viêm điểm bám tận, bệnh da).

Các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Viêm khớp vảy nến thường gặp ở những người có bệnh vảy nến da thể nặng. Do đó, điều trị vảy nến da đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.
  • Thuốc:
    • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Cần lưu ý chống chỉ định và thận trọng khi sử dụng các loại thuốc như celecoxib, diclofenac, naproxen, piroxicam,...
    • Corticosteroid điều trị tại chỗ.
    • Thuốc chống thấp khớp nhóm cải thiện được diễn tiến bệnh (DMARDs) cổ điển: Có thể phối hợp nhiều loại DMARDs cổ điển nếu chỉ sử dụng một loại không hiệu quả.
    • Chất kháng yếu tố hoại tử u nhóm alpha.
  • Vật lý trị liệu và tập thể dục: Tăng cường vận động khớp, cải thiện sức mạnh cơ bắp. 
Có thể điều trị viêm khớp vảy nến bằng thuốc.
Có thể điều trị viêm khớp vảy nến bằng thuốc.

Có thể tạm dừng điều trị khi triệu chứng Viêm khớp vẩy nến thuyên giảm nhưng cần tái khám khi các triệu chứng quay trở lại.

3. Cách phòng ngừa bệnh tiến triển

Để ngăn ngừa viêm khớp vảy nến hiệu quả, cần kết hợp nhiều biện pháp:

  • Dùng thuốc theo chỉ định: Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc.
  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế tinh bột, thức ăn dầu mỡ, tăng cường rau xanh, hoa quả. Cân nặng vừa phải giúp giảm áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp đang bị viêm.
  • Bảo vệ khớp: Thay đổi cách thức thực hiện công việc hằng ngày để giảm thiểu tác động lên các khớp. 
Cách phòng ngừa bệnh tiến triển hiệu quả là duy trì cân nặng hợp lý.
Cách phòng ngừa bệnh tiến triển hiệu quả là duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập luyện giúp tăng cường tính dẻo dai của khớp.
  • Chườm nóng/lạnh: Chườm nóng hoặc lạnh lên khớp bị viêm có thể giúp giảm đau.
  • Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Hãy tập yoga, thiền hoặc các hoạt động thư giãn khác để giải tỏa căng thẳng.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ: Chia sẻ với người thân, bạn bè để nhận được sự thấu hiểu, động viên và hỗ trợ tinh thần. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe