Chẩn đoán và điều trị ung thư tái phát

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Tường Huân - Bác sĩ ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chữa ung thư tái phát đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Phương pháp điều trị ung thư tái phát phụ thuộc vào loại ung thư và mức độ lan rộng của các tế bào ác tính.

1. Ung thư tái phát là gì?

Ung thư xuất hiện trở lại sau khi điều trị khỏi được gọi là ung thư tái phát. Điều này thường khiến bệnh nhân bị sốc, tức giận, buồn bã và sợ hãi. Ngoài ra, người bệnh bị mất niềm tin vào các biện pháp điều trị ung thư trước đó và nghi ngờ năng lực của các bác sĩ.

Tuy nhiên, ung thư tái phát là điều không lường trước được và đội ngũ bác sĩ đã cố gắng hết sức. Điều quan trọng là bệnh nhân cần mạnh mẽ đương đầu với bệnh tật, như cái cách họ đã làm trước đó với ung thư nguyên phát. Điều trị ung thư tái phát đôi khi trở nên dễ dàng hơn bởi vì bệnh nhân đã có kinh nghiệm chữa trị ung thư trước đó và đã vượt qua căn bệnh này. Ngoài ra, các phương pháp điều trị có thể đã được cải tiến hơn và nhiều lựa chọn hơn so với trước. Các loại thuốc hoặc liệu pháp mới giúp tăng cường hiệu quả chữa trị và kiểm soát tốt hơn các tác dụng phụ.

2. Nguyên nhân gây tái phát ung thư

Ung thư tái phát bắt nguồn từ các tế bào ác tính còn sót lại do phương pháp điều trị đầu tiên không thể loại bỏ hoặc tiêu diệt hoàn toàn. Điều này không có nghĩa là liệu trình chữa trị gặp sai sót, mà là một số lượng nhỏ tế bào ung thư đã sống sót sau tất cả các đợt điều trị và quá nhỏ để có thể phát hiện trong các xét nghiệm theo dõi sau đó. Theo thời gian, những tế bào này phát triển thành khối u ác tính và bắt đầu gây ra triệu chứng.

Đôi khi, một loại ung thư khác xảy ra hoàn toàn không liên quan đến bệnh ung thư ban đầu. Hiện tượng này được gọi là ung thư nguyên phát thứ hai

3. Chẩn đoán ung thư tái phát

Sau khi điều trị ung thư nguyên phát, bệnh nhân sẽ được bác sĩ định kỳ theo dõi, bao gồm thăm khám lâm sàng, kiểm tra thể chất và các xét nghiệm liên quan.

Nếu nghi ngờ có ung thư tái phát, người bệnh cần làm các xét nghiệm chuyên biệt để xác định chẩn đoán. Những xét nghiệm này thường là kiểm tra mẫu bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hoặc sinh thiết. Từ những xét nghiệm này, bác sĩ sẽ kết luận xem bệnh nhân có bị tái phát ung thư hay không, mức độ như thế nào và cân nhắc liệu trình điều trị.

4. Lựa chọn điều trị ung thư tái phát


Đội ngũ bác sĩ sẽ cùng trao đổi với bạn để lựa chọn phương án chữa ung thư tái phát.
Đội ngũ bác sĩ sẽ cùng trao đổi với bạn để lựa chọn phương án chữa ung thư tái phát.

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã bị ung thư tái phát, đội ngũ bác sĩ sẽ cùng trao đổi với bạn để lựa chọn phương án chữa ung thư tái phát. Điều này cũng tương tự như khi lập kế hoạch điều trị ung thư nguyên phát. Lựa chọn điều trị ung thư tái phát liên quan đến các yếu tố sau đây:

  • Mục tiêu cá nhân;
  • Loại ung thư, kích thước và vị trí tái phát;
  • Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân;
  • Phương án điều trị ban đầu, hiệu quả ra sao;
  • Tác dụng phụ gặp phải của liệu trình điều trị ban đầu;
  • Thời gian từ khi kết thúc điều trị đến khi tái phát.

5. Đối mặt với ung thư tái phát

Bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc ung thư tái phát thường sẽ bị sốc, giận dữ, lo lắng, hoài nghi, sợ hãi, đau buồn, suy sụp tinh thần, thậm chí mất kiểm soát hành vi. Những cảm xúc này rất thường gặp với những bệnh nhân đối mặt với trải nghiệm khó khăn này.

Để quá trình điều trị ung thư tái phát đạt hiệu quả cao và dễ dàng vượt qua bệnh tật, người bệnh nên tận dụng và chuẩn bị thật tốt những điều sau đây:

  • Trau dồi thông tin, kiến thức về ung thư, giúp bệnh nhân giảm bớt những nỗi sợ và lo lắng liên quan đến những điều chưa biết;
  • Chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra;
  • Tìm hiểu thật kỹ về các phương pháp điều trị ung thư và tác dụng phụ của chúng;
  • Tìm hiểu những cách để hạn chế và ngăn ngừa ung thư tái phát;
  • Thực hiện các bài tập đơn giản giúp giảm căng thẳng, như tập thể dục nhẹ nhàng, thiền, yoga, chơi thể thao hoặc dành nhiều thời gian bên cạnh người thân, bạn bè;
  • Trao đổi với bác sĩ để áp dụng các liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, hỗ trợ đối phó bệnh tật;
  • Xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý;
  • Chia sẻ những triệu chứng của mình với gia đình, bạn bè và bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

6. Cách ngăn ngừa ung thư tái phát


Chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập thể dục giúp ngăn ngừa ung thư
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập thể dục giúp ngăn ngừa ung thư

6.1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Sau khi kết thúc liệu trình chữa trị ung thư, bệnh nhân nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh. Điều này sẽ giúp cải thiện sức khỏe và kéo dài thời gian sống. Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo những bệnh nhân dù đã chữa khỏi ung thư và có sức khỏe ổn định sau điều trị vẫn nên áp dụng chế độ dinh dưỡng tương tự như khi điều trị ung thư.

Những yếu tố về dinh dưỡng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cũng có thể làm tăng tỷ lệ tái phát ung thư sau điều trị. Ví dụ, nguy cơ tái phát ung thư vú thường cao hơn ở những phụ nữ bị béo phì, ăn ít trái cây và rau xanh.

6.2. Bổ sung vitamin

Xét nghiệm máu giúp xác định hàm lượng một số vitamin nào đó trong cơ thể bị thiếu. Trong trường hợp cần bổ sung một vitamin nào đó, bác sĩ sẽ kê sản phẩm bổ sung thích hợp để cải thiện hàm lượng vitamin đó tới mức cần thiết. Bệnh nhân chỉ nên dùng vitamin khi được bác sĩ chỉ định.

6.3. Tích cực vận động rèn luyện thể lực

Một số nghiên cứu cho thấy lợi ích của vận động thể lực trong việc kéo dài tuổi thọ của những bệnh nhân điều trị ung thư tái phát. Tuy nhiên, vận động thể lực tích cực có thể không có tác dụng rõ rệt trong việc ngăn ngừa ung thư tái phát hay làm chậm tiến triển của bệnh.

Ngoài ra, việc rèn luyện thể lực thường xuyên sẽ giúp bệnh nhân đối phó với bệnh tốt hơn, giúp giảm lo lắng, trầm cảm, cải thiện tâm trạng, giảm triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy và giảm đau đớn. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ điều trị về kế hoạch tập luyện thể lực và các hình thức luyện tập phù hợp nhất với thể trạng sức khỏe của mình.

6.4. Đi khám ngay khi phát hiện bất kỳ vấn đề sức khỏe nào

Trước tiên, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ và ghi nhận lại danh sách những triệu chứng phổ biến cảnh báo ung thư tái phát. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, đặc biệt là các dấu hiệu được liệt kê trong danh sách, người bệnh cần tái khám ngay.

Ngoài ra, cần lưu ý kiểm soát các bệnh lý khác mặc dù không liên quan đến ung thư nhưng có thể ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe nói chung, ví dụ như bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu.

6.5. Luôn lạc quan khi đối mặt với bệnh

Rất nhiều bệnh nhân ung thư mặc dù đã chữa khỏi nhưng lại luôn lo lắng về khả năng ung thư tái phát và điều này vô tình trở thành nỗi lo sợ gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Nếu gặp phải tình trạng như vậy, hãy trao đổi với bác sĩ để nhận được sự giúp đỡ cần thiết, đề nghị phương pháp kiểm soát cảm xúc và giúp bạn sống một cuộc sống thật trọn vẹn sau khi điều trị ung thư. Ngoài ra, bệnh nhân nên tâm sự với người thân và bạn bè để giải tỏa căng thẳng.

Tuy quá trình điều trị ung thư tái phát rất khó khăn nhưng bệnh nhân phải thật sự kiên trì và tận dụng mọi nguồn lực có sẵn để đẩy lùi căn bệnh. Cố gắng luôn giữ tinh thần lạc quan, xây dựng lối sống lành mạnh để duy trì sức khỏe và tăng cường hiệu quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cancer.net, mayoclinic.org, cancer.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe